Đại diện trường THPT trao đổi về hoạt động hướng dẫn sinh viên sư phạm thực tập tại buổi tổng kết do Trường ĐH Sài Gòn tổ chức ngày 14-10 |
Kết quả thực tập của sinh viên sư phạm chủ yếu giỏi và xuất sắc, cao hơn cả… trình độ thực chất của các em.
Trường ĐH Sài Gòn vừa tổng kết thực tập sư phạm khối THPT năm học 2014-2015 và triển khai hoạt động cho năm sắp tới, với sự tham gia của nhiều trường THPT địa bàn TP.HCM.
Năm 2015, Trường ĐH Sài Gòn có 758 sinh viên tham gia thực tập sư phạm tại 16 trường THPT trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, 428 sinh viên năm 3 tham gia học phần thực tập sư phạm 1 (kéo dài 4 tuần) và 330 sinh viên năm 4 thực hiện học phần thực tập sư phạm 2 (trong 8 tuần). Theo đánh giá của nhà trường, tỷ lệ sinh viên giỏi và xuất sắc đều chiếm đa số ở cả hai học phần thực tập. Cụ thể, số sinh viên năm 3 thực tập đạt loại giỏi và xuất sắc chiếm 89%. Tỷ lệ này ở sinh viên năm 4 là 94%. Đặc biệt, ở sinh viên năm 4, lượng thực tập đạt kết quả xuất sắc và giỏi có giảm so với năm trước nhưng không đáng kể. Năm học 2013-2014, tỷ lệ cả giỏi và xuất sắc chiếm hơn 95%.
Đại diện nhà trường cho rằng, tuy ban chỉ đạo thực tập sư phạm các cấp đã rất nỗ lực để kết quả thực tập phản ánh chính xác trình độ sinh viên nhưng tỷ lệ trên vẫn cao hơn nhiều so với thực chất trình độ của các em.
Tỷ lệ sinh viên thực tập xuất sắc cũng chênh nhau tại các địa điểm. Có những trường THPT, tỷ lệ sinh viên thực tập xuất sắc tới 100% nhưng cũng có những nơi, tỷ lệ này chỉ dưới 50%. Thống kê còn cho thấy, số lượng sinh viên thực tập loại khá ở cả năm 3 và 4 cũng chiếm không đáng kể, không quá 11%. Đại diện một số trường THPT nơi nhận sinh viên thực tập cho biết, nhiều sinh viên khi nhận kết quả thực tập loại khá đã khóc hoặc tỏ ra buồn rầu.
Mặc dù sinh viên chủ động hơn trong quá trình thực tập, một số đầu tư kỹ càng, nghiêm túc trong soạn giáo án, sáng tạo lựa chọn đồ dùng dạy học và ứng dụng tốt công nghệ thông tin… tuy nhiên cũng có sinh viên năng lực chuyên môn hạn chế, chưa tự tin đứng lớp, khả năng diễn đạt yếu, lúng túng giải quyết vấn đề học sinh đặt ra. Bên cạnh đó, khả năng bao quát lớp của một số sinh viên còn hạn chế, phương pháp giảng dạy còn nặng về thuyết trình, ít gợi mở hay phát huy tính chủ động của học sinh.
Trong khi đó, việc chọn những giáo viên phổ thông có chuyên môn vững để hướng dẫn thực tập cũng không hề dễ. Đại diện một trường THPT khác nêu thực tế, năm qua trường đón 50 sinh viên của cả 2 trường ĐH Sài Gòn và ĐH Sư phạm TP.HCM đến thực tập. Vì số lượng thực tập đông, số giáo viên vững chuyên môn trường bố trí hướng dẫn thực tập chỉ đáp ứng được 1/3. Còn lại, giáo viên hướng dẫn thực tập khác chỉ có chuyên môn bình thường, trong đó có cả những giáo viên trẻ mới chỉ vào trường dạy được trên dưới 2 năm.
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cho rằng, việc cử giáo viên mới giảng dạy được 1-2 năm hướng dẫn thực tập là không nên. Các trường phổ thông nên nhận số lượng sinh viên thực tập vừa sức để đảm bảo điều kiện hướng dẫn cũng như chất lượng đợt thực tập. Cần chọn giáo viên có kinh nghiệm, nhiệt tình tham gia hướng dẫn thực tập để sinh viên vững vàng đứng lớp sau này. Cũng theo ông Hiếu, các trường cần chỉ đạo các tổ chuyên môn để việc đánh giá sinh viên thực tập được chính xác, đều tay. Tránh tình trạng sinh viên thực tập trường này dễ được xếp loại cao, trường kia thì lại khó…
Bài, ảnh: M.Tâm
Bình luận (0)