Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Kết thúc 2 đợt thi tuyển sinh đại học: Áp lực còn dài

Tạp Chí Giáo Dục

Hai đợt tuyển sinh ĐH năm 2011 kết thúc trong tiếng thở dài ái ngại: “Kỳ thi quá căng thẳng và mệt mỏi”. Tuy nhiên, điệp khúc này còn vang vọng khi kỳ tuyển sinh sẽ kéo dài thêm vài tháng nữa vì phải tiếp tục chờ điểm sàn và cuộc đua nguyện vọng tiếp theo.

Thí sinh dự thi vào Trường Đại học Kiến trúc TPHCM đang làm bài môn vẽ trang trí màu.
Thiếu “người gác cửa” uy tín
Nhìn lại 2 đợt tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 vừa qua, những người tham gia công tác tuyển sinh đều có chung một cảm giác căng thẳng. Chỉ nói riêng về cán bộ tham gia công tác tuyển sinh năm nay đã có trên 137.000 người.
Tuy nhiên, qua 10 năm thi theo phương thức “3 chung” một sự cố hy hữu nhất đã xảy ra: Giám thị coi thi ký nhầm vào phần giám thị chấm thi. Để chữa cháy, 2 giám thị âm thầm hủy bài làm của 24 thí sinh và yêu cầu chép lại bài thi sau khi đã làm bài được 120 phút. Sự việc này đã được Bộ GD-ĐT nhìn nhận là sự cố nhỏ nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi thí sinh.
Tiếp theo sự cố này, nhiều thí sinh, phụ huynh thi tại cụm thi TPHCM đã lên tiếng phản ánh hàng loạt những sai sót của giám thị trong lúc coi thi. Tại điểm thi số 28 của Hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, giám thị sau khi phát hiện ký nhầm cũng đã yêu cầu thí sinh chép lại bài nhưng không hề bù giờ cho thí sinh.
Tương tự, thí sinh thi vào Học viện Quân y TPHCM cũng phản ánh giám thị ký nhầm vào bài thi và yêu cầu đổi giấy thi nhưng không bù giờ làm bài cho thí sinh. Ngoài ra, tại điểm thi thuộc Hội đồng thi của Trường ĐH Kinh tế TPHCM (cụm thi Quy Nhơn) giám thị cũng phát đề trễ cho thí sinh khoảng 7 phút nhưng không bù giờ…
Như vậy, chưa nói đến sự dễ dãi trong công tác coi thi, kỳ thi năm nay chưa chọn được “người gác cửa” uy tín, công tâm và làm ảnh hưởng đến tính công bằng trong cuộc tranh đua khốc liệt giành suất vào đại học.  
Loay hoay với “3 chung”
Hiện nay, các viện, trường đại học đang bắt tay vào chấm thi các khối A, B, C, D. Và như thế, sự căng thẳng, hồi hộp của hàng triệu thí sinh, phụ huynh và cả những trường tổ chức thi lẫn không tổ chức thi sẽ còn kéo dài đến khi công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng 3.
Và với tỷ lệ thí sinh dự thi năm nay cao, những tưởng nhiều trường sẽ vui mừng nhưng thực tế không phải vậy. Ngoài các trường tổ chức thi sẽ vất vả trong khâu thuê mướn giáo viên chấm thi, nhiều trường đại học địa phương và một số đại học tốp dưới vẫn phải tiếp tục loay hoay với phương án chung thứ 3 là “chung điểm thi”.
Nguyên hiệu trưởng một trường đại học địa phương đã qua 7 năm chạy theo phương án “3 chung” chia sẻ: “Hạn chế của thi theo phương thức “3 chung” chính là tạo nên một kỳ thi quá căng thẳng và đáng nói là sự căng thẳng, hồi hộp cứ kéo lê thê suốt mấy tháng liền. Trong đó, hạn chế lớn nhất là việc Bộ GD-ĐT quy định điểm sàn”.
Lý giải về điều này, phó hiệu trưởng một trường đại học có lượng thí sinh đăng ký dự thi khá nhất cho hay: “Yếu tố “chung điểm thi” là chưa hợp lý và không khoa học”. Thực tế cho thấy, trong 10 năm qua, không chỉ trường ông mà rất nhiều trường tổ chức thi tuyển đã rất đau đầu với tình trạng thí sinh ảo (ảo tất cả ở cả 3 nguyện vọng) nhưng không thể giải quyết được.
Cái ảo trong “3 chung” được xem là nhược điểm lớn nhất không chỉ ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh, đào tạo của các trường mà dẫn đến tốn kém rất lớn về mặt kinh tế của toàn xã hội. Và từ cái ảo này đã kéo theo hàng loạt sự cố như chưa chọn được đúng người có năng lực thật sự theo học; hiệu suất đào tạo thấp…
Riêng đối với các trường CĐ, tình trạng thí sinh ảo là đặc biệt nghiêm trọng. Và để “đu” theo trò chơi xổ số này, nhiều trường CĐ không còn cách nào khác ngoài giải pháp xác định từ 150%-200% số thí sinh trúng tuyển. Nếu gọi sát với điểm trúng tuyển, chắc chắn sẽ không đủ chỉ tiêu đào tạo và ngược lại nếu gọi cao quá, thí sinh đến nhập học đông, trường sẽ bị Bộ GD-ĐT tuýt còi. Và giữa hai cách làm này, các trường đành chấp nhận… cố đấm ăn xôi còn hơn không đủ chỉ tiêu để đào tạo.
Thêm căng thẳng và rắc rối
Và ở cấp quản lý, Bộ GD-ĐT cũng rơi vào vòng xoáy và bị rối trước những chiêu xé rào của các trường. Rõ nhất là ngay trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã có một quyết định “lạ” khi cho phép các trường ngoài công lập xét tuyển NV3 đến ngày 15-11, giao vượt chỉ tiêu theo quy định cho các cơ sở mới tuyển sinh.
Sắp tới đây, trong khâu xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3, Bộ GD-ĐT cho thí sinh sử dụng phương án được rút hồ sơ trong thời hạn 15 ngày, chắc chắn sẽ tạo thêm sự căng thẳng và rắc rối cho bộ phận tuyển sinh của các trường.
10 năm chạy theo một phương án mà dư luận luôn than phiền nhưng dường như phản ứng của cơ quan quản lý lại rất chậm. Muốn có một phương án để trả lời câu hỏi: “Có nên bỏ thi tuyển sinh ĐH-CĐ?”, Bộ GD-ĐT cần có một cuộc đại phẫu nhằm mổ xẻ thấu đáo “3 chung” cũng như kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay để xây dựng một phương án tuyển sinh ưu việt, nhẹ nhàng và khoa học hơn.
Theo Thanh Hùng
(Sggp)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)