Ban tổ chức trao giải nhất cho thí sinh Nguyễn Thành Gia với dự án “Sản xuất và đưa các sản phẩm từ trái quách đến người tiêu dùng”
Vừa qua, cuộc thi “Người nhân văn khởi nghiệp” lần 1 năm 2019 do Trường ĐH KHXH và NV (ĐHQG TP.HCM) tổ chức đã khép lại với giải nhất thuộc về dự án “Sản xuất và đưa các sản phẩm từ trái quách đến người tiêu dùng” của Nguyễn Thành Gia (sinh viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH và NV). Dự án này được đánh giá là có giá trị kinh tế và ý nghĩa nhân văn vì đã giúp giới thiệu đặc sản của chính quê hương; gia tăng giá trị nông sản, đưa đến gần người tiêu dùng thông qua nhiều dòng sản phẩm. Ông Nguyễn Đức Dũng (Giám đốc Chương trình hợp tác ĐH, VinTech City – Vingroup, thành viên ban giám khảo) đánh giá cao dự án này, đồng thời cho rằng sắp tới nếu muốn phát triển hơn nữa thì dự án cần phải quan tâm nhiều đến yếu tố nguyên liệu và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là một dự án tốt vì tác giả đã có sản phẩm trên thị trường và kế hoạch cụ thể khắc phục những vấn đề còn tồn đọng. Tác giả dự án Nguyễn Thành Gia chia sẻ: “Khi đến với cuộc thi, em đã xác định một trọng trách lớn hơn cả giải thưởng là mang sản phẩm quê hương giới thiệu với nhiều người và điều đó đã được thực hiện. Qua đây, em có cơ hội học tập, sáng tạo và kết nối với nhiều nhà đầu tư, từ đó học hỏi được thêm nhiều kiến thức quý giá…”. Với dự án đoạt giải ba là “Shub Classroom – Ứng dụng kết nối học sinh với giáo viên”, ông Nguyễn Đức Dũng cũng nhận định, tuy nguồn vốn của dự án rất nhỏ nhưng cách tiếp cận thị trường lại cực kỳ tốt. Rất có thể trong tương lai, dự án sẽ phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó, dự án “Mental coffee – cà phê chia sẻ” của nhóm Green life (sinh viên Khoa Công tác xã hội, Trường ĐH KHXH và NV) được trao giải nhì. Các thành viên trong nhóm cho biết qua quá trình mang dự án đi thi, tất cả nhận ra mình cần hoàn thiện hơn ở mảng marketing và tài chính để có thể phát triển tốt trong tương lai. Về định hướng phát triển sắp tới, nhóm sẽ tổ chức mô hình đầu tiên ở ngay tại trường đang học, sau đó mở rộng ra khu vực ĐHQG TP.HCM và phát triển ở địa bàn TP.HCM.
Bà Selena Lê (người sáng lập của “No Waste Vietnam”) nhìn nhận, khởi nghiệp từ kiến thức của khối ngành khoa học xã hội và nhân văn là một lợi thế vì người thực hiện có thể hiểu rõ yếu tố “con người” để nắm bắt tâm lý khách hàng, góp phần giúp dự án đi đúng hướng và nâng cao cơ hội phát triển. Còn ông Lư Nguyễn Xuân Vũ (Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn đầu tư phát triển nông nghiệp Việt Nam) thì cho rằng: “Nhiều sinh viên chỉ mới học năm 1, năm 2 nhưng có ý tưởng và phần trình bày xuất sắc, chúng tôi sẵn sàng đầu tư hoặc đồng hành cùng các em trong và cả sau cuộc thi này”.
ThS. Trần Nam (Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH KHXH và NV, Trưởng ban tổ chức cuộc thi) thông tin: “Các ý tưởng/dự án tham gia cuộc thi đã đem đến những kết quả tốt đẹp, khẳng định tính sáng tạo, vì cộng đồng của sinh viên nhân văn nói riêng và sinh viên TP.HCM nói chung. Sinh viên khối ngành nhân văn hoàn toàn có thể đề ra những ý tưởng khởi nghiệp vừa thực tế vừa nhân bản, giúp khỏa lấp những khoảng trống của thị trường và phát huy vốn văn hóa bản địa”.
Diễn ra từ ngày 22-8 đến 26-10, cuộc thi thu hút sự tham gia của sinh viên, học viên cao học đến từ hơn 20 trường ĐH-CĐ trên địa bàn TP.HCM.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)