Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

Kết thúc giải vô địch điền kinh thế giới 2009: Cứu tinh Usain Bolt

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hai tuần thi đấu ở Berlin sẽ trôi qua thật tẻ nhạt nếu không có màn trình diễn ấn tượng của Usain Bolt. Có thể khẳng định một cách không ngoa ngôn rằng chàng trai 23 tuổi này được xem như người cứu rỗi cho cả giải vô địch điền kinh thế giới.

Kể từ khi chuyển từ thể thức 4 năm/lần sang 2 năm/lần (1991), giải VĐ điền kinh thế giới đã mất dần đi sự cuốn hút, và đối với nhiều CĐV, nó chỉ có quy mô lớn hơn một giải đấu trong hệ thống Grand Prix đôi chút. Việc luôn diễn ra vào năm lẻ ở trước hoặc sau những kỳ TVH, cũng khiến cho sự quan tâm đến giải đấu này giảm bớt phần nào. Chính vì thế, một giải VĐTG cần phải có những ngôi sao lớn, với những chiến tích đặc biệt để có thể thu hút sự chú ý của giới chuyên môn và người hâm mộ.

Usain Bolt (phải) được xem như người cứu rỗi cho cả giải vô địch điền kinh thế giới

Berlin là một giải đấu như thế, và người mang lại những cảm xúc đặc biệt chính là Usain Bolt. Sẽ không ai có thể quên được thời gian cũng như địa điểm mà chàng trai đã chinh phục cột mốc 9 giây 58 ở đường chạy 100m, cũng như 19 giây 19 ở đường chạy 200m. Ở cả hai nội dung, Bolt đều vượt qua KLTG do chính mình nắm giữ tới 0,11 giây. Đó là một kỳ tích thực sự bởi trước đó, những KLTG chỉ bị vượt qua với 2 hoặc 3 phần trăm giây. Bolt đã khiến khán giả trải qua những giây phút đầy hưng phấn đi kèm băn khoăn: đâu mới là giới hạn thực mà con người không thể vượt qua?

Mỹ vẫn là số một

Ở Olympic Bắc Kinh, Mỹ đã lép vế thực sự trước Jamaica ở các đường chạy cự ly ngắn, và tại Berlin, điều đó đã không thay đổi. Trong khi Bolt thống trị nội dung 100m và 200m nam thì người đồng hương của anh là Shelly – Ann Fraser cũng không có đối thủ ở nội dung 100m nữ. Fraser cũng chính là tác giả tấm HCV ở nội dung này tại Olympic Bắc Kinh 2008. Niềm an ủi duy nhất của Mỹ là Allyson Felix với tấm HCV ở đường chạy 200m nữ.

Nhưng cũng giống như một năm trước, người Mỹ vẫn đứng đầu trên bảng tổng sắp huy chương, bởi đơn giản điền kinh không chỉ bao gồm những đường chạy cự ly ngắn. Trong ngày cuối cùng, khi mà Bolt cùng đồng đội đã thi đấu xong, đoàn Mỹ đã giành thêm 3 tấm HCV nữa để bứt hẳn so với Jamaica trên BXH với 10 HCV trong tổng số 22 huy chương. Sau khi mắc lỗi đánh rơi gậy ở các nội dung tiếp sức 4x100m nam và nữ, Mỹ đã sửa sai với hai tấm HCV ở các nội dung 4x400m. Tấm HCV cuối cùng của Mỹ ở giải năm nay khá gây bất ngờ bởi nhảy xa vốn là thế mạnh của đoàn Nga, song Brittney Reese đã đánh bại ĐKVĐ Tatyana Lebedeva với cú nhảy 7m10.

Trước đó 1 ngày, Mỹ cũng vô địch ở nội dung nhảy xa nam với chiến thắng của Dwight Phillips. Bị Jamaica lấn át ở các cự ly chạy ngắn, và không bao giờ vượt qua được sự thống trị của châu Phi (Kenya, Ethiopia) ở cự ly dài, người Mỹ đã tìm cách chinh phục những nội dung mới, mà nhảy xa là một ví dụ. Đó là lý do giải thích vì sao, họ vẫn là cường quốc số một về điền kinh.

Nốt trầm châu Á

Một nốt trầm cho châu Á khi họ vẫn chỉ là vùng trũng trong làng điền kinh thế giới. Trong tổng số 37 đoàn có huy chương thì chỉ 3 đến từ đại lục này (Trung Quốc, Nhật Bản, Qatar), cũng chỉ duy nhất Trung Quốc là giành được HCV ở nội dung marathon nữ.

Đó cũng là một bài học lớn đối với điền kinh châu Á khi “bơi ra biển lớn”. Hai năm nữa, họ sẽ phải cải thiện thành tích của mình khi có lợi thế được chơi trên sân nhà. Giải VĐ điền kinh thế giới 2011 sẽ được tổ chức tại Daegu, Hàn Quốc từ ngày 24/8 đến 4/9. Daegu, nơi từng tổ chức các trận đấu ở World Cup 2002, đã vượt qua được những ứng cử viên khác như Brisbane (Australia), Moskva (Nga) và Gothenburg (Thụy Điển) để mang hơi thở điền kinh thế giới trở lại Đông Á. Hai năm trước, Osaka cũng đã tổ chức thành công giải đấu này.

Tạm biệt Berlin, hẹn gặp lại ở Daegu!

Giải năm 2011 sẽ được tổ chức tại Daegu, Hàn Quốc

Bảng tổng sắp huy chương

Đội Vàng Bạc Đồng Tổng

1. Mỹ 10 6 6 22

2.Jamaica 7 4 2 13

3.Kenya 4 5 2 11

4.Nga 4 3 6 13

5.Ba Lan 2 4 2 8

6.Đức 2 3 4 9

7.Ethiopia 2 2 4 8

8.Anh 2 2 2 6

9.Nam Phi 2 1 0 3

10.Australia 2 0 2 4

Nhìn lại giải đấu:

3 KLTG bị xô đổ

Thời gian qua, những giải vô địch bơi lội thế giới đã chứng kiến hàng loạt những cơn mưa kỷ lục thể giới. Nhưng đừng trông chờ điều đó xảy ra ở giải vô địch điền kinh thế giới bởi đặc thù của nó khác hẳn. Nếu như ở những nội dung bơi, thành tích VĐV phụ thuộc rất nhiều vào những bộ đồ công nghệ cao. Việc hàng loạt KLTG bị rơi rụng chỉ đơn thuần phản ánh cuộc chiến của những hãng trang phục, chứ không nêu bật được sức mạnh của VĐV. Trái lại, điền kinh ít bị tác động bởi những yếu tố như thế.

Trong số 3 KLTG bị xô đổ tại Berlin thì có tới 2 thuộc về Usain Bolt ở các đường chạy 100 và 200m. KLTG còn lại thuộc về môn ném búa của nữ với thành tích 77m96 của VĐV người Ba Lan Anita Wlodarczyk. Kỷ lục trước đó là 77m80 của VĐV người Nga Tayana Lysenko lập ở Estonia tháng8/2006. Rõ ràng, so với Osaka 2007, khi không có một KLTG nào được xác lập thì Berlin 2009 vẫn hấp dẫn hơn nhiều.

Vẫn còn bóng ma doping?

Theo những thống kê của IAAF thì không có một trường hợp doping nào bị phát hiện tại Berlin, song điều đó không thể xóa tan nghi ngại về bóng ma doping. Trong ngày thi đấu cuối cùng VĐV người Maroc Mariem Alaoui Selsouli đã rút lui khỏi vòng chung kết nội dung 1500m một cách đầy bất ngờ dù cô không hề bị chấn thương. Theo chính cơ quan thông tấn của Maroc thì Selsouli đã có phản ứng dương tính với doping trước khi giải đấu này diễn ra. IAAF đã không thể xác nhận trường hợp này vì những cáo buộc trước khi giải đấu diễn ra và Selsouli đã xin rút lui. Selsouli từng về thứ 4 ở nội dung 1500m tại Osaka 2007 và là một ƯCV giành huy chương tại giải năm nay.

Tuấn Cương (theo thethaovanhoa)

 


 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)