Về kinh tế, các chuyên gia cho rằng bước nhảy vọt để “đi tắt đón đầu” của VN là hoàn toàn phù hợp
> Khai mạc hội thảo quốc tế Việt Nam học
Từ 868 báo cáo, trong đó có 174 báo cáo của các học giả quốc tế đến từ Mỹ, Nhật Bản, Nga, Đức, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc… với số tài liệu lên tới 12.000 trang in, chiều qua (7-12), trước khi kết thúc hội thảo quốc tế VN học, thay mặt các học giả, GS Phạm Xuân Nam (Viện Khoa học Xã hội VN) mong muốn những đóng góp này góp phần cung cấp luận cứ cho việc xây dựng những chủ trương, chiến lược phát triển cụ thể chứ “không chỉ là những tài liệu khoa học xếp kho”.
GD-ĐT và nguồn nhân lực là một trong những tiểu ban hội tụ những nhà khoa học giáo dục uy tín quốc tế và trong nước…
Theo các học giả, 20 năm tiến hành đổi mới trong giáo dục đã đem lại những thành công lớn không thể phủ nhận. Tuy nhiên, TS Alexandre Domeier Freire thuộc Trường Sau ĐH về nghiên cứu quốc tế và phát triển (Pháp) nhận định hệ thống giáo dục đang phải đối mặt với những thách thức về chất lượng, sự bất bình đẳng trong xã hội và tệ tham nhũng. Còn PGS-TS Đặng Danh Ánh (Viện Nghiên cứu – Đào tạo và Tư vấn khoa học công nghệ) nói Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá chất lượng giáo dục VN hiện rất thấp, chỉ đạt 2,4 trên thang điểm 7, xếp thứ 89/104 nước. Ông cho rằng cần thiết phải tiến hành cải cách giáo dục một cách đồng bộ, trước hết là cải cách cơ cấu hệ thống giáo dục, sau đó là nội dung và phương pháp giáo dục, cải cách tổ chức và quản lý giáo dục.
GS Phạm Tất Dong cũng cho rằng mặc dù Bộ GD – ĐT đã xây dựng chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020 nhưng nhiều ý kiến vẫn nghiêng về khuyến nghị nên có cuộc cải cách giáo dục lần thứ 6. Cuộc cải cách mới phải chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, không nên vội vàng như cuộc cải cách năm 1979.
Lối đi nào cho nền kinh tế VN cũng đã được các học giả đề cập một cách thấu đáo không chỉ trong tiểu ban kinh tế mà ở các tiểu ban khác như văn hóa, xã hội, nông thôn-nông nghiệp, quan hệ quốc tế… Thay mặt tiểu ban kinh tế, PGS Nguyễn Hồng Sơn cho biết các chuyên gia đã phân tích và cho rằng bước nhảy vọt để “đi tắt đón đầu” của VN là hoàn toàn phù hợp. Song các học giả khuyến nghị, để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và tăng trưởng bền vững, bài học thời gian qua là phải có những đột phá về mặt thể chế, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng. Đáng lưu ý, phải bảo đảm lợi ích của nông dân. GS Đào Thế Tuấn thay mặt Tiểu ban Nông thôn-Nông nghiệp VN cảnh báo, hiện nay phát triển kinh tế không đi đôi với phát triển xã hội. Khoảng cách giữa hai khu vực này là nguyên nhân chủ yếu tạo ra những mâu thuẫn hiện nay. Các nhà khoa học trong tiểu ban này tính toán, kể cả khi hoàn thành công nghiệp hóa– hiện đại hóa vào năm 2020, nông nghiệp chỉ còn chiếm 10% GDP nhưng lao động nông thôn vẫn chiếm trên 50% vì thành thị và các KCN không thể giải quyết hết số lao động này.
Bình luận (0)