Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kết thúc IPhO 39: Việt Nam đạt thành tích cao nhất từ trước đến nay

Tạp Chí Giáo Dục

4 huy chương vàng (HCV) và 1 HCĐ, đó là kết quả mà đoàn Việt Nam giành được tại IPhO 39 năm 2008. Theo đánh giá của Ban tổ chức IPhO thì kể từ năm 1982 (năm đầu tiên Việt Nam tham gia IPhO) đến nay, đây là kết quả đoàn đạt cao nhất và cũng là năm đạt nhiều huy chương nhất. Đoàn Việt Nam là một trong số năm nước dẫn đầu IPhO 39 trong tổng số 82 nước và vùng lãnh thổ tham gia dự thi.

Kết quả của sự chuẩn bị chu đáo

Kết thúc kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế (IPhO) lần thứ 39 được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 21 – 28-7-2008 vừa qua, trong số 376 HS dự thi có 46 HS đạt HCV, 47 HS đạt HCB, 78 HS đạt HCĐ, 87 HS được trao bằng khen. Trung Quốc vẫn là “người khổng lồ” trên sân chơi Olympic quốc tế khi họ giành tuyệt đối 5 HCV và có 1 HS đạt điểm cao nhất trong tổng số 376 thí sinh tham dự IPhO. (Đó là Longzhitan với 44,6/50 điểm. Longzhitan cũng giành tiếp hai giải đặc biệt của ban tổ chức: giải thí sinh có điểm lý thuyết cao nhất và tổng số điểm cao nhất). Đoàn Đài Loan cũng giành tuyệt đối 5 HCV. Cùng với Ấn Độ, các thí sinh của Đài Loan được Ban tổ chức IPhO đánh giá là những gương mặt tài năng và trí thông minh nổi bật. Đoàn Việt Nam với 5 HS tham gia đã giành kết quả hết sức xuất sắc với 4 em đạt HCV: Nguyễn Đức Minh, Trường THPT Amsterdam, HN; Đỗ Hoàng Anh, chuyên Lý lớp 12 Trường ĐH KH Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội; Huỳnh Minh Toàn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng; Nguyễn Tất Nghĩa, Trường chuyên THPT Phan Bội Châu, Nghệ An. HS còn lại là em Trần Anh Tú, Trường THPT dân lập Đào Duy Từ, HN đạt HCĐ. Có thể nói, đây là kết quả cao nhất từ trước đến nay của đoàn Việt Nam. Đánh giá về kết quả này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó trưởng ban tổ chức IPhO, Phó cục trưởng Cục KT&KĐCLGD khẳng định, để có được HCV phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng điểm thuận lợi nhất của đoàn IPhO Việt Nam năm nay là đội tuyển IPhO gần như trùng khít với đội tuyển APhO 2008 (Olympic Vật lý châu Á). Chính vì vậy, các thí sinh có thời gian ôn luyện nhiều hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn. Thứ hai là thi đấu tại sân nhà nên các thí sinh Việt Nam có tâm lý tốt hơn, sức khỏe cũng được đảm bảo hơn rất nhiều so với tổ chức thi tại nước bạn.

Bạn bè quốc tế tại IPhO 39

Cùng nhận định về kết quả này, GS. Nguyễn Thế Khôi, Phó ban tổ chức IPhO 39 cho rằng hoàn toàn hợp lý và logic. “Là người trực tiếp dẫn các đoàn học sinh đi thi trong những năm gần đây, tôi nhận thấy xu hướng chung là kết quả dự thi của các em ngày càng tốt hơn. Kết quả này phụ thuộc nhiều vào chất lượng của lứa học sinh đi thi và sự chuẩn bị trước đó” – GS. Khôi nói. GS. Khôi phân tích, trong số 5 học sinh tham gia IPhO 39, Đỗ Hoàng Anh đã tham gia thi quốc tế đến lần thứ 4 (2 lần tại sân chơi APhO và 2 lần tại IPhO), Nguyễn Tất Nghĩa tham gia đến lần thứ 3 (2 lần IPhO, 1 lần APhO), Nguyễn Đức Minh và Huỳnh Minh Toàn cũng tham gia đến lần thứ 2 (1 lần APhO và 1 lần IPhO). Chỉ có duy nhất Trần Anh Vũ là lần đầu tiên tham gia.

Bạn bè quốc tế “đặt hàng” những thiết bị thực hành

Thứ trưởng Bành Tiến Long, Trưởng ban tổ chức IPhO nhận định việc tổ chức ra đề thi đạt chất lượng chuyên môn cao. Đề thi được các chuyên gia vật lý hàng đầu thế giới đánh giá là khó và hay, đạt trình độ quốc tế, đòi hỏi tốc độ tư duy rất nhanh, đòi hỏi sự sáng tạo. Điều thú vị là các bài toán vật lý với các câu hỏi về chày giã gạo bằng sức nước, về xe đạp… đã mang đậm vẻ đẹp độc đáo của văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, đề thi hướng tới chủ đề mà cả thế giới đang quan tâm là bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng thiên nhiên. Đó là bài toán giải quyết ô nhiễm ở Hà Nội.

“Đây là sự tìm tòi khoa học, chắt lọc từ văn hóa Việt Nam để mọi người cùng suy ngẫm về sự sáng tạo và tính ứng dụng thiết thực của khoa học vật lý vào đời sống con người, vì con người và sự phát triển. Chắc chắn cùng với đất nước và con người Việt Nam thân thiện, mến khách, các đề thi của IPhO 2008 sẽ khắc ghi dấu ấn trong lòng bạn bè quốc tế về một kỳ thi đặc sắc diễn ra tại Việt Nam” – Thứ trưởng Bành Tiến Long nhận định.

GS. Phan Hồng Khôi, Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam cũng vui mừng cung cấp thông tin, ngay sau khi kết thúc kỳ thi này, rất nhiều đoàn trên thế giới đã tìm đến Ban tổ chức có ý định mua lại các bộ thí nhiệm mà nước ta đã sử dụng trong kỳ thi này. Họ đánh giá cao những thiết bị tuy đơn giản nhưng rất giàu ý tưởng. Do đó, ngoài mục đích đem về nước làm kỷ niệm, họ sẽ coi đây là những thiết bị mẫu để học hỏi, áp dụng cho các kỳ thi của mình.

Thiên Lam

Bên cạnh các giải thưởng chính (HCV, HCB, HCĐ và bằng khen), Ban tổ chức IPhO còn trao 6 giải thưởng đặc biệt dành cho các thí sinh. Và giải thưởng này được quỹ gặp gỡ Việt Nam (do GS. Trần Thanh Vân đại diện) đã trao tặng 6.000USD cho các giải đặc biệt này. 6 giải bao gồm:

Thí sinh đạt điểm lý thuyết cao nhất (Đài Loan).

Thí sinh đạt điểm thực hành cao nhất (Trung Quốc).

Thí sinh đạt tổng số điểm cao nhất (Trung Quốc).

Thí sinh nữ đạt điểm cao nhất (Cộng hòa Séc).

Thí sinh Việt Nam đạt điểm cao nhất (Huỳnh Minh Toàn).

Thí sinh của nước lần đầu tiên tham gia IPhO đạt điểm cao nhất (Chilê).

 

Bình luận (0)