Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Kết thúc thi tốt nghiệp THPT năm 2010: Sai phạm thấp kỷ lục

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2010 đã kết thúc sau 3 ngày với một “kỷ lục” mới về công tác coi thi: Chỉ có 90 thí sinh vi phạm quy chế bị đình chỉ thi trên tổng số hơn 1 triệu thí sinh dự thi. Và cũng chỉ có 1 giám thị vi phạm quy chế bị đình chỉ coi thi. 

Ông Nguyễn Vinh Hiển – Thứ trưởng Bộ GDĐT và ông Trần Văn Nghĩa –  Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GDĐT đã trả lời các nội dung liên quan đến kỳ thi trong buổi họp báo được Bộ GDĐT tổ chức ngay cuối giờ chiều ngày 4.6.

Số vụ vi phạm ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay giảm đáng kể. Ảnh: Giang Huy

Vi phạm ít vì ít thanh tra uỷ quyền?
– Năm nay có tỉ lệ vi phạm giảm nhiều hơn so với năm trước. Qua đó liệu có thể khẳng định kỳ thi đã thực sự an toàn, nghiêm túc hơn hay không, thưa ông?
Ông Trần Văn Nghĩa: Việc số lượng TS vi phạm giảm đi do nhiều nguyên nhân. Chúng tôi không thể xác định ngay được nguyên nhân nào là chủ yếu, nhưng có thể tính đến các lý do như, thứ nhất là ý thức của TS sau 3 năm thực hiện cuộc vận động chống tiêu cực trong thi cử, TS đã biết rằng việc gian lận trong kỳ thi không còn chỗ đứng. Thứ hai là các trường tổ chức ôn luyện, thi thử cho học sinh rất kỹ càng. Nếu các thầy không lo lắng thì sẽ không có chuyện ôn thi quyết liệt như vậy…
– Các ông đánh giá thế nào về công tác thanh tra ở địa phương? Có ý kiến cho rằng, sở dĩ số TS bị đình chỉ thi năm nay giảm vì giảm thanh tra uỷ quyền của bộ, công tác coi thi ở địa phương lơi lỏng vì các đoàn thanh tra địa phương không nỡ “hại con mình”. Các ông có ý kiến gì về nhận xét này?
– Ông Nguyễn Vinh Hiển: Việc giảm số lượng TS vi phạm kỷ luật nói là do  giảm thanh tra uỷ quyền, tôi khẳng định là không đúng. Khi đi thanh tra, tới các hội đồng thi, chúng tôi đều nhận thấy trong phòng thi không có tài liệu, không có dấu hiệu vi phạm, các TS đều nghiêm túc làm bài. Nếu đặt vấn đề số lượng TS vi phạm giảm có tính chất tiêu cực thì không phải.
– Tại các hội đồng thi giáo dục thường xuyên (GDTX), nhiều sai phạm đã được phát hiện. Đặc biệt tại Hội đồng thi GDTX Kim Động gần cuối buổi thi mới phát hiện ra trường hợp thi hộ. Liệu có phải công tác tập huấn thi cho cán bộ, giám thị ở các hội đồng GDTX bị lơi lỏng?
– Ông Nguyễn Vinh Hiển: Vì GDTX chất lượng có thấp hơn phổ thông, lý do là chất lượng đầu vào chưa được tốt, nên tôi cho rằng tâm lý của các thầy, các cô có phần nương nhẹ đối với TS. Việc này sẽ được rút kinh nghiệm cho kỳ thi các năm sau.
– Trong quá trình theo dõi đưa tin về kỳ thi, phóng viên nhận thấy và được các em TS cho biết hiện tượng dùng bút không mực chép tài liệu vào átlát địa lý. Bộ có xem xét các kỳ thi tới có cho phép TS mang átlát vào phòng thi hay không, vì đây là hiện tượng các em mang tài liệu công khai vào phòng thi mà giám thị khó có thể kiểm tra được?
– Ông Nguyễn Vinh Hiển: Chúng tôi sẽ tiếp thu và xin rút kinh nghiệm về việc này. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu để đưa ra những quyết định chính xác.
Chấm xong bài thi trước ngày 18.6

– Có nhiều ý kiến cho rằng, đề thi năm nay khá dễ. Liệu đây có phải là cách bộ giúp các sở làm đẹp tỉ lệ đỗ tốt nghiệp hay không?

– Ông Nguyễn Vinh Hiển: Đề thi dễ hay khó rất khó nói. Nếu học sinh nào học tốt thì đề thi sẽ trở nên dễ, còn học sinh không học gì thì đề có dễ đến mấy cũng không làm được. Ngay từ đầu năm bộ khuyến cáo là không có giới hạn về đề thi, mà đề thi phải ra theo chuẩn kiến thức kỹ năng đã công bố trước kỳ thi. Đề thi năm nay được đánh giá là tương đương mọi năm.
– Lỗi tô nhầm mã đề thi sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?
– Ông Trần Văn Nghĩa: Trong các buổi tư vấn tuyển sinh cũng như trong các hướng dẫn thi, chúng tôi đã nhắc rất nhiều lần và nhấn mạnh về việc phải tô đúng mã đề. Bài thi trắc nghiệm do máy chấm. Tô mã đề nào máy sẽ tự động chấm theo mã đề đó. Vì vậy nếu tô sai thì các em sẽ phải chịu thiệt thòi.
– Bao giờ việc chấm thi mới bắt đầu để công bố kết quả cho TS, thưa ông?
– Ông Trần Văn Nghĩa: Việc chấm thi sẽ được các sở GDĐT bắt đầu ngay sau khi kỳ thi kết thúc. Chậm nhất là ngày 18.6, các sở phải công bố kết quả thi và trước 24.6, phải hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận kết quả tạm thời cho các TS. Việc nhận đơn phúc khảo sẽ trong vòng 7 ngày kể từ ngày công bố kết quả.
– Với những chuyển biến đáng kể về độ nghiêm túc của kỳ thi, liệu bộ đã tính đến phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia để xét tuyển vào ĐH, CĐ trong năm tới?
– Ông Nguyễn Vinh Hiển: Dấu hiệu nghiêm túc của kỳ thi được thể hiện nhiều điều, chứ không hẳn là giảm số TS vi phạm. Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu để tiến tới kỳ thi quốc gia, nhưng chúng tôi chưa thể khẳng định ngay điều gì.

Dễ dàng “vượt” toán, ngoại ngữ
Ngày 4.6 – ngày thi cuối cùng với hai môn toán và ngoại ngữ (vật lý là môn thi thay thế). Với môn toán, nhiều TS còn cho rằng đề dễ hơn của kỳ thi thử vừa qua tại TPHCM. TS Thanh Thảo – dự thi tại HĐT trường Bùi Thị Xuân (TPHCM) – cho biết: “Hầu hết kiến thức tập trung ở năm 12 và mức độ khó cũng vừa phải”.
Còn theo đánh giá của thầy Nguyễn Duy Hiếu – GV Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong – thì đề thi toán có mức độ vừa phải, phù hợp với yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá lại kiến thức chuẩn chung của đa số.
Cũng trong buổi thi này, tại điểm thi của Trường chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) đã phát hiện một trường hợp mang điện thoại vào phòng thi. Giám thị đã lập biên bản và đình chỉ thi ngay. Ngoài ra, ở điểm thi trường Phan Đăng Lưu đã phát hiện một trường hợp thi hộ. TS  bị lập biên bản và chuyển sang công an để  tiếp tục làm rõ.
Qua buổi chiều, với môn ngoại ngữ – môn thi cuối cùng cũng đã kết thúc trong sự hồ hởi của đa số TS vì đề thi hợp lý, nằm trong kiến thức các em đã được trang bị. Thống kê của Bộ GDĐT cho biết, số TS bị tai nạn giao thông trong khi đi thi là 56 trường hợp. Có 5.560 TS bỏ thi trong 3 ngày qua. 

 T.Uyên – Ngân Anh

Ngân Anh / Lao Động

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)