Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kết thúc tuyển sinh ĐH, CĐ 2010: Nhiều trường… thất thu!

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm qua, 30-9, các trường ĐH-CĐ chính thức chấm dứt thu nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng (NV) 3, cũng là NV cuối cùng của kỳ tuyển sinh năm nay. Sau 3 NV, nhiều trường không khỏi bất ngờ với tình trạng thiếu hụt chỉ tiêu.
Thiếu hàng trăm chỉ tiêu
Với nhiều trường, khi lượng hồ sơ nhận được ở 2 NV đầu càng thấp thì lại càng đặt nhiều hy vọng vào việc lấp đầy chỉ tiêu bởi NV3. Thực tế, không ít trường đã phải… thất vọng. Ông Nguyễn Văn Hòa (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tây Nguyên) thống kê, trường có tổng chỉ tiêu 2.600 nhưng sau 2 NV đầu mới chỉ đạt được con số 2.200. Khoảng 400 chỉ tiêu còn lại đặt hết vào NV3. Tuy nhiên, kết thúc NV3, trường cũng chỉ đếm được trên dưới 100 hồ sơ. Như vậy, khoảng 300 chỉ tiêu hiện vẫn đang còn để trống vì không hút được thí sinh. Niềm lo lắng tăng lên khi có trường dành hơn một nửa chỉ tiêu cho xét tuyển NV3 nhưng cũng vẫn thiếu thí sinh trầm trọng. ThS. Phan Nam (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Yersin Đà Lạt) nêu những con số đáng buồn, trong tổng số 1.300 chỉ tiêu năm nay, trường đã phải dành đến 700 cho xét tuyển NV3. Tuy nhiên, tổng cộng 3 NV, trường vẫn chỉ đạt được khoảng 50% chỉ tiêu.
Tại Trường ĐH Văn Hiến TP.HCM, con số 400 hồ sơ hệ ĐH trong tổng số hơn 1.000 hồ sơ nhận được ở NV3 vẫn không làm hài lòng những người làm công tác xét tuyển. Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, nhiều ngành có số hồ sơ xét tuyển đếm trên đầu ngón tay, như xây dựng: 19 hồ sơ/75 chỉ tiêu; công nghệ sau thu hoạch: 10 hồ sơ/90 chỉ tiêu; tiếng Nhật: 9 hồ sơ/40 chỉ tiêu… Trường ĐH Văn hóa TP.HCM chỉ nhận được khoảng 180 hồ sơ xét tuyển hệ ĐH trong khi chỉ tiêu xét tuyển NV3 là 320, trường hiện thiếu đến cả trăm chỉ tiêu. Trường ĐH Nha Trang tuyển 180 chỉ tiêu NV3 tại phân hiệu ở Kiên Giang, chỉ nhận được chừng 30 hồ sơ xét tuyển. Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các trường (ĐH Đồng Tháp, ĐH An Giang, ĐH Trà Vinh…) đưa ra hàng trăm chỉ tiêu NV3 nhưng con số nhận được lại chỉ ở hàng chục. Đơn cử, ĐH Đồng Tháp chỉ nhận được 80 hồ sơ NV3, trong đó có những ngành chỉ nhận được duy nhất 1 hồ sơ (thư viện thông tin ở hệ CĐ)…
“Bỏ thì thương, vương thì tội”
Sau 3 NV, hàng loạt ngành quá vắng thí sinh đã đẩy các trường vào thế bị động trước việc lựa chọn phương án giải quyết. ThS. Phan Nam (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Yersin Đà Lạt) chia sẻ, năm nay trường mất hẳn đi lượng thí sinh đến từ các tỉnh Nha Trang, Nghệ An, Hà Tĩnh… chủ yếu chỉ tuyển được thí sinh tỉnh nhà. Các ngành điều dưỡng, kiến trúc, mỹ thuật công nghiệp các năm trước lấy điểm khá cao (có ngành lên đến 19 điểm) năm nay chỉ lấy ngang mức điểm sàn, tuy nhiên, số lượng hồ sơ nhận được cũng chỉ đủ chỉ tiêu mở lớp (từ 50 đến 60 em). Mặc dù có những ngành chỉ trên dưới 20 em đăng ký, không đủ mở lớp nhưng ông Nam thừa nhận việc “đóng cửa” các ngành đó là “rất khó”. Trường vẫn tự cân đối, bù lỗ để duy trì đào tạo và nuôi… hy vọng sẽ cải thiện được tình trạng này vào các năm tới. “Bỏ thì thương, vương thì tội”, thực tế, nhiều trường đã phải “ngậm ngùi” mở lớp đào tạo trong điều kiện khan hiếm sinh viên như vậy. Cụ thể, ngành văn hóa dân tộc thiểu số tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM năm nay sẽ chỉ mở lớp với sĩ số chỉ 8 sinh viên. Nhưng vì đây là ngành học bổ sung nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số nên dù lỗ trường vẫn không thể ngưng đào tạo. Trường ĐH Tây Nguyên cương quyết không chuyển ngành cho thí sinh trót đăng ký vào những ngành thiếu chỉ tiêu trầm trọng, thay vào đó vẫn mở lớp bình thường. Theo ông Nguyễn Văn Hòa (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tây Nguyên), việc mở lớp với sĩ số thấp sẽ gây khó cho trường trong vấn đề đảm bảo kinh phí đào tạo nhưng trường không còn cách nào khác. Có khả năng năm tới trường sẽ tạm ngừng tuyển sinh ngành chăn nuôi thú y nhưng không “xóa sổ” hẳn ngành học.
Dường như các trường không có được nhiều phương án lựa chọn cho những ngành quá “kén” thí sinh. Ngoài phương án duy trì đào tạo, tự bù lỗ thì hầu hết các trường đều khuyến khích thí sinh chuyển sang ngành khác. Với thí sinh, khi đã đi đến NV3 (NV cuối cùng), nghĩa là không thể tìm kiếm thêm cơ hội ở một trường khác. Vì vậy, sẽ có một lượng thí sinh đồng ý chuyển ngành thay vì chọn học hệ thấp hơn (CĐ, TCCN). Trường ĐH Văn Hiến chuẩn bị đóng cửa 2 ngành Việt Nam học và văn hóa học vì mỗi ngành chỉ nhận được 15 hồ sơ. Số thí sinh này nếu có NV tiếp tục theo học tại trường sẽ phải chọn ngành học khác cùng khối thi, cùng điểm xét tuyển.
Nhiều ý kiến phía các trường đề nghị Bộ GD-ĐT cải tiến quy trình tuyển sinh để các trường không rơi vào tình trạng cạn nguồn tuyển. Công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh một lần nữa cũng lại được đề cập nhằm vào mục đích tăng cường tính hiệu quả. Phía các trường, nếu quá chú trọng đào tạo ngành nghề theo thị hiếu người học sẽ gây mất cân đối trong việc cung cấp nhân lực, thừa ngành này thiếu ngành kia.
Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)