Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Kết thúc tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011: Cần điều chỉnh “3 chung”?

Tạp Chí Giáo Dục

Kết thúc kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2011, nhiều trường không thể tuyển đủ chỉ tiêu và một số ngành học phải đóng cửa.

Về vấn đề này, PV Báo GĐ&XH đã có cuộc trao đổi với TS Văn Đình Ưng, Trưởng ban thông tin tuyên truyền Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 đã khép lại, xin ông cho biết thực trạng công tác tuyển sinh của các trường, đặc biệt là ở các trường ngoài công lập?
– Chưa có số liệu chính thức, nhưng kết thúc nhận hồ sơ xét tuyển NV3 cho thấy, có quá nhiều trường ĐH, CĐ khó khăn trong tuyển sinh, đặc biệt là các trường ngoài công lập, trường công lập vùng. Những trường ngoài công lập như: ĐH Thăng Long, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ĐH Phương Đông… cơ bản tuyển đủ, bởi đây là các trường có uy tín, nằm tại Hà Nội nơi có nguồn tuyển lớn. Còn lại, chỉ tuyển được trong khoảng một nửa chỉ tiêu.
Ngay các trường ĐH công lập như: Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TPHCM, Thái Nguyên, Đà Lạt, Đà Nẵng, Huế… cũng "than" rằng, nhiều ngành không tuyển đủ chỉ tiêu. Đến các trường ĐH lớn như vậy còn khó tuyển, huống chi các trường ngoài công lập? Điều này cho thấy một thực tế đáng buồn cho bức tranh tuyển sinh năm nay.
Có rất nhiều trường đã không thể tuyển đủ chỉ tiêu, vậy theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này?
– Trước đây, kỳ thi được giao cho các trường, nhưng sau đó Bộ GD&ĐT chỉ đạo thi theo "3 chung" (chung đề, chung kỳ thi, chung kết quả xét tuyển). Việc ra đề theo nguyên tắc, đề năm sau phải hay và không trùng lặp so với năm trước. Đội ngũ giáo viên, chuyên gia ra đề vô tình đã đi theo hướng khó và lắt léo hơn. Bộ vẫn giữ nguyên mức điểm sàn, làm như vậy các trường "tốp trên" đã hút số lượng lớn thí sinh của các trường nhóm dưới.
Kết thúc đợt xét tuyển NV3, nhiều trường ĐH,CĐ tuyển sinh không đủ chỉ tiêu và phải đóng cửa một số ngành học (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: Q.Huy
Năm 2010, nhiều trường đã cạn kiệt nguồn tuyển. Lúc đó Hiệp hội cùng các trường đã kiến nghị Bộ GD&ĐT nới thêm thời gian tuyển sinh, cho phép chuyển chỉ tiêu của ĐH sang CĐ, nhờ đó mà gần lấp đầy chỉ tiêu. Nhưng năm 2011, chỉ tiêu tăng lên, điểm thi thấp, trong lúc vẫn giữ nguyên điểm sàn thì lấy đâu ra nguồn tuyển cho các trường.
Theo ông, liệu "3 chung" và điểm sàn còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay và có cần phải điều chỉnh?
– Thi tuyển sinh theo "3 chung" được các trường bày tỏ cần phải điều chỉnh. Vấn đề này cũng đã được GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lên tiếng, cho rằng nó đã "hoàn thành sứ mệnh", phải tìm cách đổi mới. Nhưng Bộ GD&ĐT vẫn để đến hiện tại, rõ ràng đây chính là trách nhiệm của Bộ với xã hội.
Theo lộ trình gia nhập WTO, từ năm 2012, các nước có thể đầu tư giáo dục vào Việt Nam, nhưng nếu cứ giữ "3 chung" và điểm sàn thì ai dám đầu tư vào Việt Nam. Nếu không cải tiến, sẽ dẫn đến tình trạng giáo dục nước mình tự thua trên sân nhà, còn nước ngoài không dám đầu tư, không có cạnh tranh để nâng cao chất lượng. Kéo dài thêm tình trạng học sinh Việt Nam hễ thi trượt ĐH trong nước sẽ phải ra nước ngoài du học.
Thi cử, xét tuyển rất tốn kém, nay một số trường lại không tuyển đủ chỉ tiêu, phải đóng cửa ngành học. Đây là một sự lãng phí lớn?
– Lãng phí đầu tiên, đó là ở chính nguồn nhân lực của Bộ. Thi cử mất nhiều sức lực, trong khi việc ra các văn bản luật, văn bản hướng dẫn quản lý hiện vẫn làm chưa tốt. Thứ đến, sau đợt tuyển sinh, nhiều em bị trượt sẽ phải đi du học ở nước ngoài. Một khoản tiền lớn huy động trong dân đã chảy ra nước ngoài, lãng phí tiền bạc và nguồn lao động.
Hiện năng lực đào tạo của các trường rất nhiều, thiếu người học, giáo viên phải ngồi chơi, cơ sở trường lớp phải đóng cửa. Nhiều trường tư lâu nay chưa lên tiếng "lẹm vốn", bây giờ đã bắt đầu lên tiếng. Mà đã "lẹm vốn" thì cầm chừng được vài năm là đóng cửa. Trường đóng cửa ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa giáo dục, đến năm 2020 khoảng 40% sinh viên ngoài công lập. Một chủ trương xã hội hóa như vậy lại đang bị "3 chung" thui chột.
Trước thực trạng trên, Hiệp hội có những đề xuất về phương án tuyển sinh, cũng như các giải pháp để "cứu" các trường?
– Hiệp hội đã từng đề xuất về phương án tuyển sinh mới vào cuối năm 2010, nhưng không thấy Bộ GD&ĐT hồi âm. Về mặt chuyên môn, phương án này có nhiều yếu tố khả thi, mong rằng Bộ nên tham khảo và phối hợp để thực hiện. Bởi Hiệp hội hiện có nhiều chuyên gia giỏi về lĩnh vực này, đây chính là các chuyên gia xây dựng lên đề án thi "3 chung" và cũng đã nhận ra những hạn chế của "3 chung" để điều chỉnh.
Hiệp hội cũng sẽ tổ chức các cuộc hội thảo về công tác tuyển sinh, tập hợp ý kiến để kiến nghị tới Bộ GD&ĐT về những khó khăn các trường. Hiệp hội dự kiến sẽ đề nghị Bộ cho các trường khó khăn được kéo dài thời gian tuyển sinh đến hết năm. Đồng thời, cho phép tuyển sinh các ngành khối B sang khối ngành kinh tế, kỹ thuật bởi số lượng thí sinh của khối B là vẫn còn.
– Xin cảm ơn ông!
Theo Ngô Quang Huy
 (GiadinhNet)

Bình luận (0)