Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kết thúc xét tuyển NV3: Nhiều ngành học “ế”

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 5-10, đợt xét tuyển NV3 tuyển sinh ĐH, CĐ kết thúc. Tuy nhiên, có nhiều ngành trong một số trường rơi vào tình trạng “ế ẩm”. Có lẽ chưa bao giờ các ngành học lại “khát” sinh viên như hiện nay.
“Khát” sinh viên
Nguyễn Thu Trang, Phú Thọ thi khối C ĐH Lao động Xã hội đạt 18,5 điểm, Trang không đỗ vào trường, nộp NV2 sang ĐH Công đoàn. NV1 của ĐH Công đoàn chỉ 14 – 16 điểm nhưng đến NV2, bất ngờ “vọt” lên 19 điểm. Nguyên nhân do các trường khối C ít nên các thí sinh “đổ xô” đến nhiều hơn. Với số điểm 18,5, Trang ngậm ngùi nhập học vào Khoa Xã hội học của ĐH Nông nghiệp I năm nay mới tuyển sinh và không hạn chế số lượng tuyển. Không được may mắn như các trường xã hội, các trường ĐH thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật có nhiều khoa đang trong tình trạng “ngắc ngoải” đợi thí sinh.
Trong khi các khoa khác của ĐH Nông Lâm Huế đã ổn định để bước vào năm học mới thì Khoa Nông học của trường vẫn đang “đợi” sinh viên. Năm học 2009-2010 khoa có 250 chỉ tiêu với 4 ngành học nhưng đến nay mới chỉ có 61 sinh viên làm hồ sơ nhập học. Theo ông Lê Tiến Dũng, Trưởng khoa Nông học, 2 năm nay khoa chưa bao giờ nhận đủ số chỉ tiêu đề ra. Nguyên nhân do nhận thức xã hội chưa “thông”. Ai cũng nghĩ học nông nghiệp ra sẽ khó xin việc làm, lương thấp. Cho đến nay, thí sinh khi đăng ký dự thi khối B vào khoa vẫn rất e dè. Ngay cả ngành bảo vệ thực vật, một ngành chủ đạo của khoa hiện cũng chỉ có 13/50 sinh viên nhập học. Có ngành “trắng” sinh viên như ngành khoa học nghề vườn.
Hiện tượng “khát” sinh viên xảy ra phổ biến tại các trường ngoài công lập, đặc biệt là khu vực phía Nam, nơi luôn thiếu sinh viên và là lực “hút” đối với những sinh viên điểm “cao chưa tới, thấp chưa thông” ở khu vực phía Bắc. ĐH Văn Hiến vừa công bố điểm chuẩn NV3 của trường cũng chỉ bằng đúng điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Nhưng một số ngành có nguy cơ “chết” vì không tuyển được sinh viên. Các ngành như văn hóa học, Việt Nam học và tiếng Anh kinh thương số lượng hồ sơ xét tuyển nộp vào các ngành này chỉ khoảng chục hồ sơ, không đủ sinh viên để đào tạo. Trong đó, ngành văn hóa học là ngành liên tiếp lần thứ hai lâm vào tình trạng này. Cùng cảnh ngộ này còn có ĐH Hùng Vương. Hiện ngành công nghệ sau thu hoạch, chỉ tuyển được 14 thí sinh và ngành tiếng Nhật chỉ tuyển được 5 thí sinh mặc dù trường đã nhận được khoảng 760 hồ sơ xét tuyển NV3. ĐH Hùng Vương cũng phải lên phương án “chữa cháy” vì nguy cơ vắng bóng thí sinh. Còn ở Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM, cả hai ngành tiếng Trung và Trung Quốc học cũng chỉ có khoảng 38 hồ sơ nộp vào.
Mặc dù đã tuyển 180 chỉ tiêu NV3 ở các ngành nhưng trường chỉ nhận được 45 hồ sơ. Năm nay, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM cũng phải đưa ra phương án học ghép cho những em vào ngành công nghệ tự động. Với khoảng 20 SV đã nhập học và 5 hồ sơ mới nộp vào NV3, những năm đầu, SV ngành này học ghép với ngành cơ khí tự động và sẽ tách ra trong những năm sau. Ngành cử nhân tiếng Anh của trường này hiện cũng chỉ có 19 SV nhập học và 10 hồ sơ nộp vào NV3.  
Nỗi lo chất lượng
Ngoài nguyên nhân dư luận xã hội e dè còn có những nguyên nhân khác khiến các trường không tuyển được thí sinh. Đó là do chất lượng đào tạo, học phí và điều quan trọng hơn có thể nói đó là nguồn tuyển một hai năm trở lại đây đã “cạn”. Tình trạng “ế” ngành học, “khát” thí sinh và các trường làm “liều” thường xảy ra trong mỗi mùa tuyển sinh ĐH, CĐ. Cùng với nỗi lo không tuyển đủ của các trường, xã hội cũng lo lắng đến chất lượng đào tạo khi đầu vào chỉ từ sàn như hiện nay. Ông Huỳnh Hữu Tuệ, Hiệu trưởng ĐH Bắc Hà cho rằng những thí sinh từ điểm sàn trở lên là có đủ khả năng học ĐH. Điều này đúng với một số ngành nhưng với những ngành đặc thù như sư phạm, liệu sau 3 – 4 năm học tại các trường ĐH sư phạm, CĐ sư phạm địa phương, với đội ngũ giáo viên như hiện nay liệu các thầy cô có đủ sức để “vực” được những thí sinh này? Trong khi đó, do không tuyển đủ chỉ tiêu, nhiều trường ĐH đã lên phương án 2 đó là cho sinh viên học ghép. ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM đưa ra phương án học ghép cho những em vào ngành công nghệ tự động. Với khoảng 20 SV đã nhập học và 5 hồ sơ mới nộp vào NV3, những năm đầu, SV ngành này học ghép với ngành cơ khí tự động và sẽ tách ra trong những năm sau. Còn ĐH Văn Hiến thì sẽ đưa những thí sinh nộp hồ sơ vào 3 ngành học trên học chung với những sinh viên thuộc hệ vừa học vừa làm. Đây là giải pháp tình thế nhưng dư luận không thấy ổn. Vì sinh viên hệ chính quy không thể học với sinh viên hệ vừa học vừa làm.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)