Nhiều trường học do ở cạnh giao lộ, trục đường chính hoặc phố chợ nên đã bị ảnh hưởng nặng của tình trạng kẹt xe. Nhưng có một nguyên nhân khác làm cho thầy trò nhiều hôm đến trường trễ giờ học là do những chiếc cầu ở gần trường hiện nay đã quá tải không thể không tránh khỏi tình trạng ùn tắc giao thông hàng ngày.
“Cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu bấy nhiêu”
Nhà cách trường gần hai cây số nên hàng ngày đi học em Nguyễn Thảo Ly (nhà ở chợ Bình Triệu, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) chỉ đạp xe hơn 10 phút là đến trường THCS Bình Lợi Trung, phường 13, quận Bình Thạnh. Nhưng từ lúc vào học lớp 7 đến nay em phải dậy sớm hơn 10 phút để đi học vì thời gian từ nhà đến trường mất những 20 phút, do cầu sắt Bình Lợi thường bị kẹt xe. Có thể thấy tình trạng kẹt xe hai đầu cầu Bình Lợi từ đầu năm đến nay đang là nỗi ám ảnh của nhiều người dân khi “vượt” qua khúc sông Sài Gòn này. Bắt đầu từ 7 giờ sáng cho đến giữa buổi gần cả trăm chiếc xe nối đuôi nhau để lách vào một khung cửa sắt hẹp chỉ độ một mét và chui vào chiếc cầu bé tẹo. Buổi chiều từ 4 giờ rưỡi trở đi người nối người dàn hàng ngang để cho xe máy nhích lên từng chút một giữa những làn khói đen bốc lên từ những chiếc bô xe. Trong đó, có rất nhiều người là giáo viên và học sinh ở các vùng phụ cận của con sông. Cô Nguyễn Thị Liễu, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Chí Quốc cũng đã nhiều lần vất vả vì chuyện kẹt xe trên cầu Bình Lợi khi ngày hai buổi từ nhà (ở quận Bình Thạnh) qua trường (ở quận Thủ Đức).
Cách đây vài ba năm chiếc cầu đúc Giồng Ông Tố trên đường Nguyễn Thị Định (phường Bình Trưng Tây, quận 2) tuy không lớn nhưng rất ít người đi lại. Còn bây giờ tình hình đã khác hẳn khi mật độ dân số ở vùng này đang ngày một tăng nhanh. Ông Phú, một người dân chạy xe ôm ở đây phản ánh: “Từ sáng sớm khi đến giờ học trò đi học là cầu bắt đầu kẹt, đến buổi chiều còn kẹt dữ hơn buổi sáng do người qua lại quá đông”. Em Thanh Trang, một học sinh lớp 11 của Trường THPT Giồng Ông Tố cho biết: “Cây cầu này hầu như hôm nào cũng kẹt nhất là giờ chúng em tan trường ra về, xe đạp xe máy ùn tắc một đoạn dài rất khó qua”. Trước đây khi chưa có cầu Tân Thuận 2 trên Kênh Tẻ nhiều học sinh ở quận 7 cũng rất vất vả khi sang học tại các trường TH Khánh Hội B, THCS Khánh Hội A, THPT Nguyễn Trãi ở quận 4. Nhiều cây cầu khác thuộc khu vực quận 7 – quận 4, quận 5 – quận 8, quận 1 – Bình Thạnh tuy không nhỏ hẹp nhưng do lượng xe đi lại quá nhiều nên tình trạng kẹt xe xảy ra thường xuyên làm khổ cho nhiều học sinh khi đạp xe hoặc được ba mẹ chở bằng xe máy đến trường. Cũng giống như cầu Tân Thuận 1 , cầu Bình Triệu 1 cũng không phải chật hẹp gì nhưng nhắc tới thì ai cũng ngán ngẩm chuyện kẹt xe mỗi khi phải lưu thông từ quận Bình Thạnh sang quận Thủ Đức hoặc ngược lại để chở con đến trường. Đúng là cảnh: “Qua cầu ngả nón trông cầu/ Cầu bao nhiêu nhịp dạ em sầu bấy nhiêu”.
Ai qua cầu mới hay?
Ở quận Bình Thạnh ngoài cầu sắt Bình Lợi hiện đang có cầu Đỏ cũng diễn ra tình trạng kẹt xe hàng ngày. Do chỉ có một chiều cho xe bốn bánh nên chỉ cần một chiếc “mắc nạn” giữa cầu là coi như hai bên kẹt cứng làm cho hàng chục chiếc xe khác nổ máy đứng nhìn nhau tại chỗ và hàng trăm người tham gia giao thông trong đó có không ít học sinh, phụ huynh phải lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Nhiều lần chúng tôi bắt gặp học sinh mang phù hiệu các trường gần đó như MN 13, MN 12; TH Chu Văn An, TH Bình Hòa; THCS Nguyễn Văn Bé, Yên Thế; THPT Hoàng Hoa Thám, Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh) được cha mẹ chở đến được lọt vào “mê hồn trận” giữa hai đầu cầu Đỏ trong khi giờ học đã đến gần. Đây chính là lý do đã làm cho các em đến trường trễ học ngoài ý muốn bất kỳ lúc nào nếu không biết dự phòng hoặc trừ hao trước.
Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy những chiếc cầu gần trường học bỗng chốc thành những “điểm đen” về chuyện kẹt xe là do tuổi đời đã quá lớn, nhiều năm nay không hề được cải tạo, sửa chữa. Cầu sắt Bình Lợi đã có hơn 100 năm, trước đây chỉ để dùng cho xe lửa nhưng do nhu cầu đi lại của người dân hai bên bờ sông nên đã được công nhân giao thông mở thêm một lối đi nhỏ cho người đi bộ. Một nguyên nhân khác mà ai cũng thấy rõ đó là người dân chưa thật sự tự giác chấp hành luật giao thông. Mặc dù hành lang cầu Đỏ đã có hai luồng đường cho xe hai bánh lưu thông nhưng không ít người vẫn “hồn nhiên” cho xe chạy vào giữa làn xe bốn bánh nên chuyện ùn tắc là không tránh khỏi. Các bác tài xe tải, xe khách và cả xe buýt nhiều lần cũng không chịu “lép vế” cứ cố tình cho xe chạy lên cầu khi bên kia vẫn còn xe lưu thông ngược chiều. Đúng là “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Chỉ khi có cảnh sát giao thông hoặc người của lực lượng dân phòng tại chỗ xuất hiện họ mới chịu nhường đường cho nhau. Thầy Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố cho biết: “ Do biết thời gian gần đây cầu Giồng Ông Tố thường xuyên bị kẹt xe vào giờ cao điểm nên nhà trường thường xuyên nhắc nhở các em cố gắng khắc phục để đi học đúng giờ và đặc biệt là việc chấp hành tốt luật giao thông khi đi đường”. Thầy cũng cho biết thêm nhờ có đội dân phòng giữ trật tự trên cầu vào giờ cao điểm nên tình trạng kẹt xe đã giảm và kịp thời khắc phục một cách nhanh chóng. Ông Nguyễn Văn Hùng, cán bộ khu phố của phường 23 phản ánh: “Nếu khi nào có đội dân phòng của phường ra quân thì tình trạng kẹt xe trên cầu Đỏ được khắc phục liền”. Đây cũng là mong muốn của nhiều phụ huynh và học sinh mỗi khi đi qua những chiếc cầu vốn là “điểm chết” của tình trạng kẹt xe vào những giờ các em đến trường đi học.
Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)