Tại những tuyến đường Phạm Văn Chiêu, Quang Trung, Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Bảo… quận Gò Vấp tình trạng kẹt xe diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng dù không hề có lô cốt án ngữ ở đây. Theo quan sát thì ở những đoạn đường trên có đến ba trường học và hàng chục công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn nhỏ nằm gần nhau, nên vào giờ cao điểm, công nhân tan tầm, phụ huynh đưa rước con,… khiến tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra rất nghiêm trọng và thường xuyên. Mặc dù chính quyền địa phương đã có những biện pháp thiết thực, nhưng “vấn nạn” trên vẫn ngày ngày diễn ra ở đoạn đường này.
Đường Nguyễn Văn Bảo thường xuyên kẹt xe vì có nhiều trường học
|
Đi tìm nguyên nhân?
Đường Phạm Văn Chiêu phường 12 quận Gò Vấp, có 3 trường học nằm cạnh nhau là Trường Tiểu học An Hội, THCS Phạm Văn Chiêu và một trung tâm tin học ngoại ngữ, dù không có rào chắn, lô cốt, nhưng ở đoạn đường này tình trạng kẹt xe xảy ra thường xuyên và mỗi ngày càng trầm trọng hơn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do 3 trường này không có cổng phụ, tất cả học sinh đều ra cổng chính là đường Phạm Văn Chiêu, trong khi đó phụ huynh học sinh đứng đón con em mình tràn xuống cả lòng đường, người bán hàng rong thoải mái đậu chiếm hết cả vỉa hè. Đặc biệt nhất là trên tuyến đường này vào giờ cao điểm có gần 20.000 công nhân của Công ty Huê Phong, Thiên Hưng, Hân Lập, Vina, Hồng Ngọc, Toàn Mỹ và hàng chục cơ sở sản xuất lớn nhỏ đổ ra, làm con đường ùn tắc trầm trọng.
Chị Trần Thị Thu Thủy, một phụ huynh cho biết: “Cổng trường rộng to như vậy nhưng nhà trường đâu có cho phụ huynh vào, chúng tôi biết đứng đâu bây giờ khi mà trên vỉa hè thì người bán hàng, bán giải khát đã chiếm dụng hết. Con tôi mới có 7 tuổi, đâu thể để cháu tự đi đứng được, đành phải đứng dưới đây (lòng đường) mà đón cháu. Cũng biết đứng như thế này gây ùn tắc giao thông, nhưng không đứng đây đón, thì biết đứng ở đâu?”. Anh Lê Minh Hùng một phụ huynh khác thì cho rằng: “Hôm nào có dân quân phường, công an thì đỡ kẹt, còn ngày nào không có lực lượng này thì kẹt xe dài cả trăm mét, ảnh hưởng luôn đến đường Quang Trung”. Và những người dân sống chung quanh đoạn đường này, khi được hỏi ai cũng lắc đầu ngao ngán và coi chuyện kẹt xe ở đoạn đường này là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Bên cạnh đó, vào giờ cao điểm thì tuyến đường Quang Trung đoạn ngã tư Quang Trung – Lê Văn Thọ, Quang Trung – Thống Nhất luôn trong tình trạng ùn ứ, dù tại đây cũng chẳng hề có lô cốt rào chắn và được phân luồng bằng con lươn. Đoạn đường này dài khoảng 700 mét, nhưng có đến 2 trường tiểu học, 1 trường THCS và 2 trường cao đẳng, trung cấp nghề, một số trung tâm ngoại ngữ, kèm theo đó là chợ và nhà thờ Hạnh Thông Tây. Kẹt xe bắt đầu từ 6 giờ đến 8 giờ sáng, buổi chiều thì 17 giờ đến 19 giờ. Hiện nay bài toán giải quyết kẹt xe ở những tuyến đường này vẫn rất khó để tìm được một lời giải phù hợp.
Giải pháp trước mắt
Khi được hỏi thì một số ý kiến của phụ huynh cho rằng: Cần phải sắp xếp lệch giờ học, lệch ca, kể cả một số cấp trong trường học. Chị Nguyễn Thị Hải (phụ huynh em Lê Thị Thanh Hiếu lớp 3 Trường Tiểu học An Hội) nói: Nhà trường cần phối hợp với chính quyền địa phương, có thể mở thêm cổng phụ cho các em ra về, cũng như cho phụ huynh vào sân trường chờ đón các cháu. Chị Phạm Thu Thủy thì cho biết: Cần phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh và cả chính quyền địa phương, chấm dứt tình trạng bán hàng rong trước cổng trường, (hiện nay trước cổng Trường An Hội và Phạm Văn Chiêu người buôn bán hàng rong rất đông) và tuyên truyền cho phụ huynh việc đưa đón con em không nên đậu, đỗ dưới lòng đường.
Tình trạng ùn tắc giao thông tại các cổng trường nói trên, ngoài ý thức của phụ huynh học sinh, thì việc chính quyền địa phương còn lơ là với những người buôn bán hàng rong, nước giải khát lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trước cổng trường cũng là điều đáng nói. Bởi nếu chỉ là bắt cóc bỏ đĩa, hoặc làm theo phong trào rồi… im hơi lặng tiếng, tình trạng ùn tắc vẫn tiếp diễn và câu hỏi bao giờ hết kẹt xe ở các cổng trường bao giờ mới có câu trả lời?
Thu Thảo
Bình luận (0)