Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Kẹt xe trước cổng trường, chưa có lối thoát

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cổng trường THCS Colette kẹt cứng vào giờ tan học
Sân bãi nhỏ, khoảng không gian bên ngoài cổng trường hẹp, vỉa hè bị chiếm dụng để buôn bán hàng rong, ô tô qua lại san sát, ý thức phụ huynh kém… là những nguyên nhân làm nên tình trạng giao thông hỗn loạn tại nhiều cổng trường ở TP.HCM vào giờ tan học.
Giải pháp được các trường đưa ra: Lệch giờ tan học, phối hợp với địa phương, phổ biến tuyên truyền vận động ý thức phụ huynh, học sinh. Một số trường đã giải quyết được cảnh hỗn loạn, còn lại nhiều trường vẫn còn nhốn nháo.
Hàng loạt nguyên nhân
Trường THCS Colette (Q.3) nằm trên đường Hồ Xuân Hương cạnh nhiều cơ quan, công ty lớn, cách vài trăm mét là đường Cách Mạng Tháng Tám. Vào giờ tan tầm cũng là lúc học sinh tan học, cổng trường luôn trong tình trạng quá tải. Thầy Lê Kim Giang – Hiệu trưởng nhà trường phân trần: “Xe ô tô luôn đậu ở trước cổng trường. Giờ tan học, các cơ quan cũng tan sở. Phụ huynh đã đông mà xe ô tô từ phía đường Cách Mạng Tháng Tám và Hồ Xuân Hương cứ chạy ra chạy vô. Đề nghị phía công an nên có biển cấm xe ô tô đậu và chạy đến cổng trường. Đối diện cổng trường lại là công viên, thế nên tình trạng buôn bán hàng rong nhà trường không thể giải quyết được. Ý thức phụ huynh cũng chưa cao. Chính những điều đó đã khiến tình trạng ùn tắc chưa giải quyết dứt điểm được. Dù nhà trường đã có những biện pháp như tan học thì học sinh tập trung trước cổng trường và từng lớp ra từ từ dưới sự hướng dẫn của giáo viên và bảo vệ”.
Một “điểm nóng” về ùn tắc giờ tan học phải kể đến Trường THCS Công lập Tân Bình (Q.Tân Bình). Lý do, cổng trường nằm quá sát với mặt đường Cách Mạng Tháng Tám còn vỉa hè, sân trường thì quá nhỏ. Cách cổng trường vài trăm mét là cột đèn giao thông nên mỗi khi đèn đỏ, nhất là lúc tan tầm, có khi có đến 3, 4 chiếc xe buýt đậu lại. Ngay trước cổng trường lại là điểm quẹo để các phương tiện sang đường. Chính những điều đó đã khiến mọi nỗ lực giảm ùn tắc của nhà trường gần như thành… công cốc. Thầy Dương Tấn Phước, Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trước kia học sinh còn đi xe đưa đón. Nhưng vài năm nay, phụ huynh không còn mặn mà xe đưa đón nữa nên nhà trường không thể tổ chức được. Còn thuê sân bãi để phụ huynh đậu xe đón con thì là bất khả thi vì giá mặt bằng rất cao…”.
Cổng trường THCS Nguyễn Du (Q.1) (đường Nguyễn Du) cũng thường xuyên ùn tắc vào giờ tan học. Xe ô tô của phụ huynh rước con đậu thành hàng hai hàng ba trước cổng trường bên cạnh hàng xe ô tô của người dân đậu trước đó. Cô Hoàng Thị Lê An – Hiệu trưởng nhà trường nói: “Buổi chiều nhà trường chia làm 2 ca tan học, 4 giờ 30 và 5 giờ 30. Giáo viên chủ nhiệm, dân quân tự vệ luôn có mặt để nhắc nhở, làm việc nếu phụ huynh đón con đậu dưới lòng đường. Thế nhưng, phụ huynh lại thường có tâm lý là đậu một chút rồi đi ngay, ngay cả ô tô cũng thế. Ý thức phụ huynh chưa cao cùng với quá nhiều ô tô đón con là một trong những nguyên nhân gây ra ùn tắc. Sắp tới đây, nhà trường sẽ thuê chỗ cho phụ huynh đậu xe hơi khi đón con để giảm ùn tắc”.
Những “điểm sáng”

Dù có nhiều giải pháp nhưng tình trạng kẹt xe vi phạm an toàn giao thông trước cổng trường vẫn còn xảy ra. Trong ảnh: Ùn tắc giao thông trước cổng trường THCS Colette (Q.3) trong ngày khai giảng năm học
Trường THCS Thăng Long (Q.3) nằm sát đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), lưu lượng phương tiện qua lại rất đông, vỉa hè lại nhỏ, kề đó là nhà chờ xe buýt, sân trường cũng khá nhỏ. Thế nhưng, việc ùn tắc vào giờ tan học khi phụ huynh đưa đón con tại đây lại rất hiếm khi xảy ra. Thầy Nguyễn Minh Trí, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Nhà trường chủ động phối hợp rất mật thiết với địa phương, đầu năm học luôn có văn bản gửi đến UBND P.2, Q.3 để nhờ hỗ trợ, giúp đỡ. Bên cạnh đó thì phụ huynh cũng tình nguyện bồi dưỡng cho lực lượng dân phòng từ 300-400 ngàn đồng/tháng. Số tiền ít nhưng mang tính chất chia sẻ, động viên là chính. Bảo vệ sắp xếp chỗ cho phụ huynh đứng. Giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn từng lớp tan học, cầm bảng tên lớp và đưa ra ngoài cổng trường”.
Trường Tiểu học Phan Văn Hân (Q.3), nằm trong con hẻm nhỏ 382/26 Nguyễn Thị Minh Khai. Đối diện cổng trường không hề có một gánh hàng rong nào. Tình trạng ùn tắc mỗi giờ đưa rước học sinh cũng hạn chế xảy ra. “Việc bán hàng rong trước kia là rất nhiều. Chúng tôi ra nhắc nhở ngon ngọt với từng người buôn bán mà họ không đi, nhờ địa phương can thiệp cũng chỉ được lúc đó, xong rồi họ quay lại bán tiếp vì còn có phụ huynh mua cho con. Vì vậy, nhà trường nhất quyết đề nghị phụ huynh, học sinh không được ăn hàng trước mặt tiền trường. Bảo vệ hay giáo viên nhìn thấy là phải nhắc nhở ngay. Vào mỗi sáng khi phụ huynh đưa con đến, nhà trường cử bảo mẫu ra đón từng em vào, để hạn chế phụ huynh mua quà vặt cho trẻ. Dần dần phụ huynh quen, tự động đưa trẻ vào tận cổng trường. Người bán hàng rong thấy không bán được nên bỏ đi nơi khác. Buổi chiều, khi đón trẻ thì phụ huynh đưa xe vào sân trường, giáo viên chủ nhiệm cho từng lớp tan. Đặc biệt, được sự hỗ trợ của địa phương, không cho xe hơi chạy vào trong hẻm…” – thầy Hoàng Đình Đoạn, Hiệu trưởng nhà trường cho hay.
Bài, ảnh: Đông Sa
 
Phụ huynh cần có ý thức hơn nữa
Ông Trần Khắc Huy – Trưởng phòng Công tác HSSV, Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ: “Năm học nào sở cũng có văn bản gửi đến các trường để có kế hoạch thực hiện công tác an toàn giao thông. Hiệu trưởng các trường bố trí lệch giờ tan học cho từng khối, thậm chí từng lớp, tăng cường lực lượng giáo viên hỗ trợ. Tại các cụm trường thì hiệu trưởng các trường ngồi lại với nhau để tìm biện pháp giảm ùn tắc giờ tan học. Đặc biệt, các trường cần phải có sự gắn bó, phối hợp với địa phương, lực lượng dân phòng, dân quân tự vệ, thậm chí cả công an khu vực”. Theo ông Huy, để xảy ra ùn tắc trước hết trách nhiệm thuộc về lãnh đạo các đơn vị trường. Đó là chưa thực sự chủ động nghĩ ra nhiều phương án để làm. Sau đó mới đến ý thức của phụ huynh học sinh. Hiệu trưởng các trường phải theo dõi tại cổng trường để xem phụ huynh nào của lớp nào làm ùn tắc mà nhắc nhở rồi phản ánh với địa phương tìm cách ứng phó, giải quyết. Tùy đặc thù khu vực mỗi trường mà có cách giải quyết khác nhau. Cần đề nghị gì, cần giúp đỡ như thế nào, nguyện vọng ra làm sao để giảm thiểu ách tắc thì phải làm văn bản gửi đến các ban ngành như UBND phường, quận, công an phường, ban an toàn giao thông quận… Đồng thời, phụ huynh học sinh cũng cần phải “chia lửa” với nhà trường. Cần phải có ý thức hơn nữa khi đậu xe đưa rước con. Nếu có thể thì khuyến khích con em mình đi xe đạp, đi bộ (trường gần nhà), đi xe buýt hay xe đưa đón học sinh. 
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)