Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Kêu nhiều, biết có ai nghe?

Tạp Chí Giáo Dục

Các nước khi đến giao lưu với Việt Nam, họ đều mang nghệ thuật truyền thống để giới thiệu với công chúng Việt Nam. Song, khi dự Ngày hội văn hóa ở các nước trên thế giới, nghệ thuật sân khấu truyền thống của Việt Nam chẳng mấy khi được đoái hoài.
Đó là một trong những bất cập được NSND Lê Tiến Thọ – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nêu ra trong Hội thảo “Giải pháp bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống” do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sĩ sân khấu tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan Sân khấu chèo diễn ra từ 26-11 đến 5-12 tại Thái Bình.
Thiếu tác giả, vở diễn…
Mở đầu cuộc hội thảo về sân khấu truyền thống lần này được tổ chức, ông Nguyễn Đăng Chương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) nhấn mạnh, nhiều năm rồi, hầu như năm nào vấn đề bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống cũng được ngành văn hóa đưa ra bàn luận, hội thảo. Nhưng sau mỗi cuộc hội thảo khép lại, các loại hình nghệ thuật sân khấu không thấy “tươi sáng” lên, thậm chí “tối” hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc vẫn chưa có giải pháp, phương cách rõ ràng để vực dậy nền sân khấu truyền thống đang ngày một “xuống dốc”. 
Cảnh trong vở chèo “Thương nhớ trầu cau” của Nhà hát Quân đội.
Nói “xuống dốc”, vì đến thời điểm hiện nay tính riêng nghệ thuật chèo thì đếm trên đầu ngón tay không có quá 5 người viết kịch bản, không quá 5 đạo diễn chuyên nghiệp cho chèo. Nhìn vào danh sách 16 vở chèo về đề tài hiện đại của 13 đơn vị chèo tham dự liên hoan lần này hầu hết là vở cũ và những cái tên tác giả, đạo diễn cũng quen thuộc của tất thảy các loại hình sân khấu, cả truyền thống và hiện đại như: Hà Đình Cẩn, Bùi Đắc Sừ, Trần Đình Ngôn, Lê Hùng, Doãn Hoàng Giang, Hà Quốc Minh… Riêng NSND Bùi Đắc Sừ đã đạo diễn cho 5 vở/16 vở, NSND Lê Hùng đạo diễn 3 vở.
Có hai gương mặt tác giả là Triệu Trung Kiên và Trần Đình Văn đều thuộc thế hệ đầu 7X, hiện nay được coi là hai tác giả trẻ của nghệ thuật sân khấu truyền thống. Tác giả Hà Văn Cầu lo lắng, nhiều năm rồi sân khấu đang trong độ khủng hoảng đội ngũ tác giả, nếu sau những gương mặt trẻ kể tên này, không có những gương mặt tiếp nối nữa, thì e rằng nghệ thuật sân khấu truyền thống sẽ bị “xóa sổ” trong  chục năm tới mất thôi! 
Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn (tỉnh Bình Định) – Nguyễn Ngọc Đình bày tỏ lo âu, chèo dù sao vẫn còn là thứ “đặc sản” của công chúng phía Bắc, chèo đi biểu diễn phía Nam vẫn còn được công chúng hồ hởi đón nhận, nghệ sĩ hát chèo không diễn theo vở thì họ tắt ngang hát văn, hát phục vụ lễ hội, phục vụ tua du lịch… nhưng tuồng thì khó khăn hơn gấp bội. Ở tỉnh Bình Định – nơi được coi là cái nôi của hát tuồng truyền thống, nhưng chưa có riêng biệt một cơ sở đào tạo, sáng tác cho tuồng. Ông Nguyễn Ngọc Đình cho biết, hiện tỉnh có Trường Trung học Văn hóa-Nghệ thuật chỉ mở lớp đào tạo khi đơn vị nghệ thuật nào có hát tuồng và ca kịch bài chòi yêu cầu. Trong nhiều năm qua, Nhà hát Tuồng Đào Tấn hầu hết dựng lại vở cũ, trích đoạn cũ và luôn đối mặt với thực trạng khó khăn trong tuyển sinh, đào tạo và tuyển thêm diễn viên trẻ. Không có diễn viên trẻ, càng khó có thể tìm tài năng trẻ nghệ thuật tuồng. Bên cạnh đó, Nhà hát luôn phải đối mặt với nguy cơ mất đi những gương mặt nghệ sĩ đã thành danh trong nghề. Đời sống khó khăn đã khiến không ít nghệ sĩ bỏ nghề, dù có người đã cống hiến cho nghề 10-15 năm.
Không thể cứ mãi thờ ơ!
NSƯT Trần Quang Hùng – Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội ví von, trước khi thấy con thuyền của mình bị gió bão vùi dập, thì người lái thuyền phải cố tìm cách mà bẻ lái chuyển hướng. Vận vào Nhà hát Cải lương Hà Nội, Rạp Chuông vàng tọa lạc ở số 72 Hàng Bạc, Hà Nội nhiều năm trước khóa cài im cửa, nhưng hai năm trở lại đây đã thấy rạp đỏ đèn. Nghệ sĩ Trần Quang Hùng cho biết, có thời gian tưởng như Nhà hát đã “xóa sổ”, không có kinh phí, không có vở diễn, diễn viên bỏ sàn diễn… Nhờ vào sự ủng hộ kịp thời của lãnh đạo TP Hà Nội, ban lãnh đạo Nhà hát đi tới các cơ quan, doanh nghiệp… xin tài trợ dựng vở. Đầu mùa thu vừa qua, Nhà hát tiếp tục với thử nghiệm mới: Dựng vở “Yêu là thoát tội” (kỳ án Lệ Chi Viên đã được sử hóa trong cải lương) thu âm và dịch sang tiếng Anh để diễn phục vụ du khách quốc tế. Việc làm này được coi là táo bạo trong tiếp thị và giới thiệu nghệ thuật sân khấu truyền thống với du khách quốc tế, nhưng đến giờ kết quả thu lại không nhiều vì không phải ngay lập tức mà những suất diễn được đặt ngay vào tua của các công ty du lịch.
Cảnh trong vở chèo “Oan khuất một thời” của Nhà hát Chèo Hà Nội.
“Không có khán giả bất thành sân khấu” có lẽ luôn luôn đúng, vậy nên PGS Lê Thị Hoài Thương (Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam) đề xuất cần phải có phương án đào tạo khán giả cho sân khấu truyền thống. Bà Hoài Thương khẳng định, dự án “Sân khấu học đường” thực hiện từ 10 năm nay là một hướng đi đúng, nhưng cần hơn nữa sự quan tâm của các cấp, các ngành để xúc tiến mạnh hơn nữa, nhân rộng ra nhiều địa phương, nhiều trường học và cần có biện pháp giữ cho tác dụng của dự án có tính lâu bền. 
Những giải pháp đưa ra nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống nhiều năm nay và lần này vẫn được các nghệ sĩ, lãnh đạo nhà hát đề cập đến như: Đề nghị Nhà nước quan tâm đến chế độ, lương bổng của nghệ sĩ, diễn viên; đầu tư trọng điểm các lớp đào tạo tài năng viết kịch bản, diễn xuất; đầu tư khâu tuyên truyền, quảng bá… Tuy nhiên, những giải pháp đó vẫn bị người trong cuộc cho là chung chung. Nhiều câu hỏi đặt ra: Bảo tồn và phát huy những gì? Bảo tồn, phát huy như thế nào, ở đâu?… Hay chỉ sau mỗi kỳ liên hoan, người diễn nhận giải thưởng được tính theo từng màu sắc của Huy chương-thành tích hữu ích nhất để nghệ sĩ kê khai cho những đợt xét danh hiệu NSND, NSƯT. Trở về đoàn, về sân khấu họ lại tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức với một sân khấu thiếu vắng khán giả.
Hầu hết những cuộc hội thảo tương tự tổ chức lâu nay hội tụ rất nhiều lãnh đạo nhà hát, nghệ sĩ ở nhiều vùng miền của đất nước có tâm huyết với nghệ thuật sân khấu truyền thống, đưa ra những tâm tư nguyện vọng hòng vực dậy sân khấu nước nhà. Nhưng tiếc thay, ít thấy cấp lãnh đạo – những người có quyền ký, ban hành những quyết định chính sách quyền lợi cho nghệ sĩ sân khấu truyền thống đến dự hoặc ngồi nghe ý kiến, tâm tư của nghệ sĩ. Vậy là hội thảo tổ chức cũng chỉ… để người trong nghề kể lể, than thở cho nhau nghe. 
Nghệ thuật truyền thống rất cần có bước đột phá!
Theo VƯƠNG HÀ
(QĐND)

Bình luận (0)