Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Kêu trời vì lãi suất

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Lãi suất từ 18%/năm trở lên thì những doanh nghiệp trung bình, vốn tự có ít sẽ rất khó sống.
Sau hơn 1 tháng Ngân hàng (NH) Nhà nước ban hành Thông tư 07/2010/TT-NHNN cho phép các NH thương mại được thực hiện lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung dài hạn (có hiệu lực ngày 26-2), lãi suất cho vay hiện đã lên đến 16% – 18%/năm, một số trường hợp lên đến 19%/năm. Lãi suất quá cao và chưa có dấu hiệu dừng khiến không ít doanh nghiệp (DN) vô cùng lo lắng. Tình hình này kéo dài, không ít DN sẽ “chết”.

Doanh nghiệp làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Hàng hải. Ảnh: Hồng Thúy
Lãi suất thỏa thuận vẫn có phí 
Ông Nguyễn Viết Quang, Phó Giám đốc Công ty Chế biến thủy sản Vĩnh Lợi, cho hay DN ông vừa nhận được thông báo của một NH thương mại đề nghị tăng lãi suất thỏa thuận lên 17,5% (lãi suất cũ là 13,5%) cho khoản vay gần 1 tỉ đồng trước đó. Với mức lãi suất cao như vậy thì không có cách nào sản xuất đủ trả lãi vì trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, lợi nhuận của DN đạt 20% là điều không tưởng. “Mấy ngày nay, tôi đang phải tìm mọi cách để lo tất toán nợ cũ cho xong chứ không thể tiếp tục vay được nữa” – ông Quang bức xúc.
Tổng giám đốc một công ty bất động sản rầu rĩ: “Đã khổ vì tình hình thị trường nhà đất chậm khởi sắc nay lại phải đối diện với lãi suất cao ngất ngưởng chúng tôi không biết còn chịu đựng được bao lâu. Với khoản vay 7 tỉ đồng, nếu chịu lãi suất từ 13% lên 18% thì mỗi tháng DN tôi phải trả thêm hơn 34 triệu đồng”.
Bà Nguyễn Thị Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Thị, chuyên sản xuất hàng mỹ nghệ, cũng cho biết: Có NH cho rằng lãi suất thỏa thuận hấp dẫn chỉ 13 % nhưng DN phải trả đủ các loại phí tổng cộng lên đến 19%. Hiện công ty của bà vay 500 triệu đồng, thời hạn 12 tháng, thỏa thuận lãi suất trả từng tháng nhưng phải trả trước các khoản phí khác là 6%. Trong trường hợp DN không chịu nổi lãi suất mà trả vốn trước thời hạn cũng phải mất khoản phí đã đóng…
Nhiều DN bức xúc: “Thỏa thuận chứ thực chất NH vẫn “áp đặt” lãi suất, DN chịu thì vay không thì thôi chứ làm gì có chuyện thỏa thuận. Đa số NH đều đưa ra lãi suất thỏa thuận dao động từ 12% – 13,5% nhưng DN vẫn phải cõng đủ các loại phí nên mức lãi suất thực mà DN phải gánh có khi lên đến gần 20%”.
Vay nhiều sẽ “chết”
Theo các DN, với mức lãi suất hiện tại, chỉ những DN cần tiền trong ngắn hạn, trả nợ… mới dám vay. Một đại diện của Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Hoàn Dương về lĩnh vực hàng nông nghiệp lo lắng bởi thời điểm này cực kỳ khó khăn vì phải đối mặt với hàng loạt tác động bất lợi: chi phí đầu vào tăng theo giá xăng, điện; thiếu vốn nhưng không dám mạo hiểm vay…
Nếu tính ra, vay vốn làm ăn thì lỗ lã là chắc hoặc nếu giỏi thì lợi nhuận cũng chỉ đủ để trả lãi NH. Không phải chỉ những dự án đầu tư mới phải tạm dừng mà ngay cả hoạt động sản xuất, kinh doanh hằng ngày của công ty cũng bị ảnh hưởng bởi thiếu vốn.
Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long, chuyên sản xuất kinh doanh nông sản, mức lãi suất mà các DN như công ty của ông có thể làm ăn hiệu quả là phải dưới 10%/năm; mức dưới 12% cũng có thể chấp nhận được nhưng DN hạn chế vay chừng nào tốt chừng ấy; còn mức lãi suất hiện tại là không thể chịu nổi. Từ khi NH nâng lãi suất lên 15%/năm, Hiệp Long đã không dám vay nữa.
Cùng có chung mối quan tâm này, ông Hoàng Văn Điều, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Văn hóa Tân Bình, băn khoăn: “Với khoản vay mà lãi suất trên dưới 1,5%/tháng thì quả thật không hình dung được nên kinh doanh gì để có lợi nhuận đủ trả”.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, nếu lãi suất 18% trở lên thì DN phải có ít nhất 50% vốn tự có trở lên mới hy vọng có thể trụ được;  những DN trung bình, vốn tự có ít rất khó sống. Trong khi đó,  theo giám đốc một NH, lãi suất đầu vào của các NH đã chạm ngưỡng 12%/năm, chi phí kinh doanh khoảng 3%-4% nên giá vốn của các NH phổ biến 15%-16%/năm nên lãi suất đầu ra không thể thấp hơn 17%/năm.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh Đh Ngân hàng TPHCM: Bài toán lãi suất kết hợp chính sách khác
Trong điều kiện hiện tại, nếu điều chỉnh lãi suất thỏa mãn vốn cho DN thì lạm phát sẽ bùng lên trên 10%, nếu tiếp tục giữ lãi suất thì DN sẽ “gay go”, DN nhỏ sẽ “chết” trước. Cho nên, Nhà nước phải tỏ thái độ rõ ràng về mặt vĩ mô từ lãi suất. Theo tôi, việc cần làm hiện tại là khống chế cho lãi suất đầu ra dưới 18%/năm. Muốn vậy, phải hạ lãi suất tiền gửi để DN tự phát hành trái phiếu thu hút vốn; áp dụng cho vay ngắn hạn thỏa thuận lãi suất, kèm theo đó là kiểm soát đối tượng vay, mục đích vay vốn… Phải kết hợp lãi suất với những bài toán khác (ví dụ kiểm soát giá vừa thực hiện). Về phần mình, DN cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để đối phó với những rủi ro từ chính sách, giảm lợi nhuận kỳ vọng, tiết giảm tối đa chi phí… thì sẽ có cơ hội tồn tại, trụ vững. 
Đ. Nghi
Thanh Nhân – Mai Vân / NLĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)