Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Kha “gà” và chiếc máy mô phỏng đồ thị hình sin

Tạp Chí Giáo Dục

Ít ai ngờ với gương mặt “tiểu thư” này, Kha “gà” nhiều lần rinh giải từ môn vật lý khô khan

Không phải ngẫu nhiên mà biệt danh Kha “gà” được bạn bè gán cho em Nguyễn Ngọc Trâm Kha (SV năm nhất ngành vật lý, Trường ĐHSP Đà Nẵng – cựu HS Trường THPT Phan Chu Trinh, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) ngay từ những ngày còn học tiểu học. Bởi 12 năm qua, hễ Kha “gà” đi thi – hàng chục cuộc thi cấp trường, quận và thành phố – đều giật giải.
Lần này, với chiếc máy mô phỏng đồ thị hình sin Kha “gà” đã xuất sắc vượt qua nhiều công trình sáng tạo để đoạt giải nhì cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2011.
1. Gặp Nguyễn Ngọc Trâm Kha, thật khó hình dung cô bé có khuôn mặt rất “tiểu thư đài các” lại là đối thủ nặng kí tại các cuộc thi trong lĩnh vực vật lý.
Ông Nguyễn Duy Khánh – ba của Kha – cho biết: “Tuy là con gái nhưng ngay từ nhỏ cháu rất đam mê khám phá các vật dụng về điện tử. Ngoài giờ học hễ có thời gian rỗi là cháu mày mò, phá phách từ quạt cho đến ti vi. Nhiều khi đồ dùng bị phá hỏng cũng bực lắm nhưng thấy con ham mê nên đành để cho cháu tìm hiểu”.
Kha kể, từ khi lên cấp 2, học môn vật lý và hóa học với nhiều thí nghiệm thú vị em đã tự hỏi “Tại sao không sáng chế ra những mô hình cụ thể để thí nghiệm thay vì chăm chú lắng nghe cô thầy giáo giảng bài qua sách vở”. Là học sinh giỏi vật lý nhưng Kha vẫn thấy rất mơ hồ khi học theo kiểu này, đó là chưa kể nhiều bạn có học lực yếu thì tỏ ra chán nản, lơ là việc học. Ý tưởng sáng tạo chiếc máy đồ thị hình sin được hình thành vào một tiết học vật lý năm lớp 12 về dao động điều hòa. “Thú thực lúc đó em hiểu bài rất mơ hồ. Thế là em nghĩ nên làm một cái máy để mô phỏng thực tế sẽ dễ hiểu hơn”, Kha nói. Một phần khác nữa thôi thúc Kha là em nghĩ ở thành thị các bạn có điều kiện học qua máy tính, còn ở nông thôn, miền núi khi không có máy tính chắc chắn các bạn khó có thể hiểu được nguyên lý dao động điều hòa.

Máy đồ thị mô phỏng hình sin đoạt giải nhì của Kha

2. Ấp ủ ý tưởng, mãi đến gần cuối năm học lớp 12 Kha mới bắt tay thực hiện công trình. Thời gian này chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và ĐH nên để làm được mô hình này Kha phải thức trắng đêm. Kha cho biết suốt gần hai tháng (từ tháng 5 đến tháng 7) em phải làm đi làm lại mô hình máy này đến ba lần. “Ban đầu là làm bằng chất liệu giấy cứng. Cũng mất rất nhiều thời gian mới làm thành hình hài chiếc máy nhưng em nhận ra với giấy cứng, các chi tiết không khớp theo đường vuông góc, ma sát lại lớn, thế là thất bại. Lần thứ hai, em chuyển sang làm bằng chất liệu mica. Chất liệu này cứng, tay em yếu nên nhiều đêm ba phải thức cùng em đến sáng để giúp em cưa, cắt mica. Nhưng rồi, lại thêm một lần… thất bại. Lúc đó em gần như buông xuôi. Bao nhiêu tiền dành dụm được từ tiền ăn sáng mẹ cho em đều dành mua chất liệu làm hai lần trước. Nhưng hễ nhắm mắt ngủ là hình ảnh chiếc máy cứ đập vào mắt em. Thế là em đánh liều trình bày ý tưởng với các bác ở Quỹ Hồ Nghinh (Quỹ Hỗ trợ sáng tạo trẻ thành phố). Được đồng ý, em mừng lắm. Rút kinh nghiệm, em học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm từ thầy giáo dạy thêm môn lý. Lần này, em chọn nhôm và sắt làm vật liệu. Hơn một tháng miệt mài, cuối cùng chiếc máy cũng lên hình hài và hoạt động tốt”, Kha chia sẻ.
3. Trải qua nhiều cực nhọc, bằng niềm đam mê và tinh thần làm việc cao, công trình làm ra của Kha (đạt giải nhì toàn quốc) là phần thưởng xứng đáng, ghi nhận nỗ lực sáng tạo miệt mài của em. Nói về thành tích của mình, Kha khiêm tốn: “Thành công này không chỉ của riêng em mà có sự giúp sức rất lớn từ ba mẹ, thầy Lê Trung Tiến – thầy giáo dạy thêm môn lý của em và Quỹ Hỗ trợ Hồ Nghinh. Điều may mắn nhất với em là lên ĐH em lại tiếp tục được học với thầy Tiến, đây là điều kiện tốt để em thực hiện tiếp các ý tưởng sau này”.
Khi được hỏi về dự định trong tương lai, Kha bật mí: “Hiện em đang ấp ủ ý tưởng làm mũ bảo hiểm thông minh. Theo em, ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa vắng người qua lại, nếu chẳng may người đi xe máy bị ngã bất tỉnh cũng chẳng ai biết để đưa đi cấp cứu. Từ đó, em nghĩ ra ý tưởng sẽ làm chiếc mũ bảo hiểm thông minh. Mũ gắn bộ cảm biến, khi bị ngã, mũ va đập mạnh xuống đất, điện sẽ hoạt động phát ra sóng báo cho người thân hoặc công an. Nhờ sự kết hợp với Google Map sẽ nhanh chóng xác định được vị trí người tai nạn.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
“Chiếc máy mô phỏng đồ thị hình sin do em Kha sáng chế rất có ích, giúp học sinh nắm bắt bài dễ dàng hơn. Ngoài ra, chiếc máy này còn có thể làm ví dụ cho môn toán trong các bài giảng về hàm số lượng giác. Máy dễ sử dụng, chỉ cần cắm điện là chạy. Chất liệu làm máy lại dễ và rẻ tiền, gọn nhẹ, chỉ hơn 1kg nên có thể xách tay lên lớp. Thiết nghĩ, nó hữu ích cho các trường làm thiết bị giảng dạy sinh động”, thầy Lê Phú Kỳ – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Chu Trinh – nhận xét.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)