Sau nhiều năm làm thương lái trái cây thua lỗ, nợ nần chồng chất, bà Trương Ánh Nguyệt chuyển sang nuôi ba ba, cua đinh và trở nên khá giả.
Bà Nguyệt (49 tuổi, ngụ ấp Láng Hầm B, xã Thạnh Xuân, H.Châu Thành A, Hậu Giang) kể khoảng năm 1995, bà làm thương lái thu mua trái cây chở ra phía bắc bán. Tuy nhiên, làm ăn không suôn sẻ, bà mắc nợ hàng chục triệu đồng. “Tình thế khó khăn quá nên tôi bàn với gia đình chuyển hướng làm ăn. Thấy thị trường chuộng ba ba, giá bán cao nên tôi quyết định đi mua ba ba thịt bán lại”, bà Nguyệt nói. Rồi trong những chuyến thu mua đưa hàng đi TP.HCM, Hà Nội bán, nhận thấy nhu cầu ba ba trên thị trường rất lớn, bà Nguyệt mua con giống về nuôi.
Lúc đầu bà nuôi 1.000 con giống, sau đó xây thêm 4 bể để đưa ra nuôi thương phẩm. Trong quá trình thu mua ba ba thịt, bà Nguyệt tìm hiểu thêm kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc, ấp trứng ba ba để làm giống… Cứ thế nở nồi, con ba ba trở thành vật nuôi chính. Bên cạnh đó, nhờ có uy tín cùng với kỹ thuật nuôi khá bài bản mà ba ba mang lại nguồn thu nhập đáng kể giúp bà trả nợ dần. Mỗi năm gia đình bà xuất bán gần 1 tấn ba ba thịt cùng với hơn 60.000 con giống khắp cả nước.
Tuy con ba ba mang lại thu nhập đáng kể nhưng theo bà Nguyệt, con cua đinh mới là vật nuôi mang lại cơ hội làm giàu. “Cách đây 8 năm, trong lúc thu mua ba ba, tôi gom được 48 con cua đinh trọng lượng từ 1 – 2 kg, lúc đầu định bán thịt nhưng sau đó chúng tôi quyết định để lại cho nuôi sinh sản. Bởi lúc này cua đinh giống rất khan hiếm, giá cua đinh thịt cũng cao ngất ngưởng, nếu nuôi thành công sẽ mở ra cơ hội làm giàu”, bà Nguyệt nói. Theo bà, tuy kỹ thuật nuôi ba ba và cua đinh tương tự nhau nhưng con cua đinh từng làm bà thất bại, có lúc hao hàng trăm con giống. Rồi sau hơn 1 năm, bà tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện dần kỹ thuật giúp tỷ lệ nuôi thành công ngày một cao hơn. Đặc biệt những con cua đinh lớn đẻ trứng, bà cho nở để nhân đàn và bán cua đinh giống.
Bà Nguyệt cho biết để cua đinh nuôi đạt kết quả phải thường xuyên thay nước. Khi còn nhỏ thì 3 – 4 ngày phải cho cua đinh tắm thuốc để phòng bệnh nấm da, mắt đỏ cho đến khoảng 2 tháng thì đưa ra ao nuôi thương phẩm. Thức ăn cho cua đinh khá đơn giản gồm ốc, tép, cá. “Nếu nuôi thương phẩm thì chú ý không di chuyển cua đinh nhiều hoặc dời điểm nuôi. Vì mỗi lần động như thế thì chúng mất khoảng 3 – 4 ngày mới ăn lại, sẽ chậm lớn”, bà Nguyệt nói.
Song song với nuôi cua đinh, bà Nguyệt còn chủ động thành lập HTX ba ba Thạnh Lợi với 11 xã viên là những người nuôi ba ba, cua đinh trong vùng. Bà chính là đầu mối cung cấp con giống, sau đó tư vấn kỹ thuật rồi thu mua lại để tiêu thụ cho các xã viên. Hiện mỗi năm cùng với nguồn cua đinh, ba ba nuôi tại gia đình, bà Nguyệt còn thu mua thêm để đưa ra thị trường hơn 10.000 con ba ba thịt có trọng lượng từ 1 – 1,5 kg, giá bán từ 220.000 – 320.000 đồng/kg tùy kích cỡ; 60.000 con ba ba giống; khoảng 700 kg cua đinh thịt với giá 600.000 đồng/kg và 3.000 con giống. Bà Nguyệt cho biết sắp tới bà sẽ xây dựng thương hiệu ba ba, cua đinh cho HTX, có như vậy sẽ thuận lợi trong quá trình mua bán làm ăn, cũng như tạo niềm tin cho khách hàng.
Nhờ con ba ba, đặc biệt là cua đinh mà từ cảnh nợ nần, đến nay gia đình bà Nguyệt trở nên khá giả. Do đó, bà cũng mong muốn mọi người có thể chọn nuôi 2 con vật này để tự tạo cơ hội cho mình. Khi bán con giống, bà Nguyệt thường tư vấn kỹ thuật cho người nuôi, sau đó sẽ ký giao kèo thu mua lại sản phẩm thịt hoặc cả con giống nếu hộ nuôi cho đẻ và ấp nở thành công. Người có nhu cầu có thể liên hệ với bà Nguyệt qua số điện thoại: 0909246465.
Nguyên Đạt (TNO)
Bình luận (0)