Một cảnh ngập sau cơn mưa ở TP.HCM. Ảnh: V.V |
TP.HCM đang bước vào đợt cao điểm của mùa mưa và triều cường dâng cao. Tuy nhiên, năm nay tần suất cũng như vũ lượng mưa lại lớn hơn những năm trước khiến công tác thoát nước chống ngập úng của TP gặp nhiều khó khăn.
Ông Đỗ Tấn Long – Trưởng phòng Quản lý thoát nước, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP – cho biết: Hiện TP còn 68 điểm ngập úng do mưa. Trong đó, tại trung tâm có 20 điểm, ngoại thành 19 điểm và 29 điểm ngập phát sinh. UBND TP cũng đã giao trung tâm tập trung xử lý 51 điểm ngập úng trong năm nay, những điểm còn lại sẽ giải quyết năm 2016. Nhưng với tình hình hiện nay, không những khó hoàn thành giải quyết các điểm ngập úng hiện hữu, khả năng nhiều điểm ngập mới, tái ngập sẽ tăng cao khi TP xuất hiện những đợt mưa lớn.
PV: Nguyên nhân của những vướng mắc trong việc chưa giải quyết được các điểm ngập, các điểm ngập tái và phát sinh là gì, thưa ông?
Ông Đỗ Tấn Long: 33 điểm ngập có 4 nguyên nhân chính: Ảnh hưởng thi công gồm 7 điểm thuộc lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm, mưa lớn tập trung thời gian ngắn và ảnh hưởng của rác làm hạn chế khả năng thoát nước của hệ thống, trong thời gian qua mới giải quyết bằng giải pháp cấp bách như phân vùng tách mạng, đấu nối cống tạm, tăng cường bơm, do hệ thống thoát nước ở hạ lưu nhỏ. UBND TP đã chỉ đạo cho các đơn vị liên quan xử lý 27/33 điểm, còn 6/33 điểm tiếp tục xử lý sau năm 2015. Đối với 29 điểm ngập ngoài danh mục (gồm 13 điểm vùng trung tâm và 16 điểm vùng ngoại vi), ngoài những nguyên nhân trên còn có nguyên nhân khác là do quá trình phát triển đô thị (đường Võ Văn Kiệt), sau khi đưa vào sử dụng, với sự hình thành các khu dân cư hai bên đường đã làm cho hệ thống thoát nước bị quá tải do không có hướng thoát. UBND TP đã chỉ đạo cho các đơn vị liên quan xử lý 21/29 điểm, còn 8/29 điểm tiếp tục xử lý sau năm 2015.
Nhiều tuyến đường của TP như đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), Đỗ Xuân Hợp (Q.9) cứ mưa là ngập, tồn tại rất nhiều năm nay. Việc giải quyết ngập úng tại các điểm này có vướng mắc gì, thưa ông?
Đây là các tuyến đường thấp, đường ống thoát nước đã quá tải. Trong thời gian qua, công trình chống ngập úng tại đường Đỗ Xuân Hợp đã bị dừng lại do thiếu vốn, vừa qua UBND TP đã quyết định đầu tư 137 tỷ đồng để triển khai lại dự án chống ngập tại tuyến đường này. Còn tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh thì phải dựa vào các giải pháp cấp bách và các dự án đang được triển khai.
Trong trận mưa lịch sử chiều ngày 15-9 làm hầu hết các tuyến đường trung tâm TP ngập, có lẽ nào TP đã chưa trù bị được những phương án lâu dài trước thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng gây ra mưa và triều cường lớn?
Trước hết phải nói là, các hệ thống đường ống thoát nước trước đây chỉ đáp ứng được vũ lượng mưa tối đa 3 giờ là 95,91mm, đỉnh triều là +1,32m. Trong khi đó, hiện giờ có khi 1 giờ mưa đã đạt vũ lượng 100-122mm, đỉnh triều +1,68m. Trong trận mưa lịch sử chiều 15-9, việc xuất hiện tổ hợp bất lợi (mưa lớn diện rộng, triều lớn) đã gây ngập 62 tuyến đường với vũ lượng phổ biến từ 92-142mm chiều sâu ngập từ 0,10m đến 0,60m; diện tích ngập từ 400m2 đến 31.301m2, 4 điểm ngập nặng, như đường Nguyễn Hữu Cảnh, Kinh Dương Vương, Quốc Hương, Thảo Điền. Công tác dự báo chưa lường hết được biến đổi khí hậu, thông số thiết kế theo quy hoạch đã không còn phù hợp với tình hình thực tế, dẫn đến một số tuyến cống dù mới được đầu tư trong thời gian qua cũng trở nên quá tải.
Ông Đỗ Tấn Long – Trưởng phòng Quản lý thoát nước, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP |
Các giải pháp lâu dài của TP để ứng phó với tình trạng ngập úng hiện nay là gì, thưa ông?
Thời gian tới, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện đồ án quy hoạch hồ điều tiết, TP.HCM sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng 8 công trình cống kiểm soát triều gồm: Vàm Thuật, Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và Rạch Nước Lên để kéo giảm tình trạng ngập. Xây dựng, cải tạo 200km cống thoát nước, 3 hồ điều tiết Gò Dưa, Bàu Cát, Khánh Hội sẽ giải quyết ngập cho khu vực rộng 550km2. Bên cạnh đó sẽ tiến hành nạo vét, cải tạo kênh Tham Lương, Bến Cát, Rạch Nước Lên. Triển khai xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao Bàu Hưng, Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tham Lương, Bến Cát, Tân Hóa – Lò Gốm, Tây Sài Gòn, Bắc Sài Gòn và Bình Tân.
Để giải quyết ngập bền vững, TP sẽ tập trung đẩy nhanh thực hiện các dự án thuộc Quyết định 1547/QĐ-TTg ngày 28-10-2008 (Quy hoạch 1547) quy hoạch hồ điều tiết và điều chỉnh tần suất thiết kế cống trong Quyết định 752 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 752/QĐ-TTg ngày 19-6-2001 (Quy hoạch 752), để phù hợp với tình hình mưa, triều, biến đổi khí hậu hiện nay và trong tương lai.
Xin cảm ơn ông!
Yến Hoa (thực hiện)
Bình luận (0)