Đại diện một số trường ĐH cho rằng, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường hiện nay chỉ mới là con số tham khảo và dự đoán các em sẽ điều chỉnh nhiều ngay sau khi có kết quả thi THPT quốc gia 2017.
Thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm trước. Ảnh: T.Trân |
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, qua đợt đăng ký dự thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ nhóm ngành sư phạm vừa qua, cả nước có 13% thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng, 30% thí sinh đăng ký 2 nguyện vọng. Còn lại, phần lớn thí sinh đăng ký từ 4-5 nguyện vọng.
Năm nay, thí sinh ngay khi trúng tuyển nguyện vọng 1 vẫn có thể không nhập học và tham gia các đợt xét kế tiếp. Thêm vào đó, dù năm nay đăng ký xét tuyển cùng lúc với đăng ký dự thi nhưng lựa chọn của thí sinh cũng không phải “bất di bất dịch” vì các em được phép điều chỉnh nguyện vọng thêm một lần sau khi có kết quả thi. Do vậy, các trường cho rằng, số lượng đăng ký hiện tại mới chỉ mang tính tham khảo, chưa chắc chắn.
Thống kê của Bộ GD-ĐT, qua 20 ngày, cả nước có 859.835 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó thí sinh đăng ký xét tuyển là 643.151 (chiếm hơn 74%); thí sinh tự do là 79.714 (chiếm gần 10%). Tỉ lệ chọn các bài thi của thí sinh cụ thể như sau: Số thí sinh đăng ký chọn bài thi khoa học tự nhiên là 321.451 (chiếm hơn 37%); khoa học xã hội là 417.334 (chiếm hơn 48%); số thí sinh đăng ký cả 2 bài thi là 71.046 (chiếm 8%). |
Ông Nguyễn Minh Hà (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM) cho rằng, số lượng nguyện vọng đăng ký vào các trường không hẳn quá đông đảo. Chẳng hạn tại Trường ĐH Mở TP.HCM, số lượng thí sinh đăng ký ở các nguyện vọng 1, 2, 3 chiếm 50-60% với xấp xỉ 20.000 lượt. Nếu tính cụ thể ra thì số lượng vào mỗi nguyện vọng 1, 2 hoặc 3… chỉ từ khoảng 6.000 đến 7.000. Con số này cũng là không phải quá nhiều.
Cũng theo ông Hà, hiện thí sinh mới chỉ đăng ký dựa trên sở trường, sở thích… là chính chứ chưa dựa vào mức điểm thi thực tế của bản thân. Khả năng sau khi có kết quả thi, nhiều em sẽ điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp mức điểm thực tế. Bên cạnh đó, sau khi có kết quả thi, các em cũng sẽ căn cứ mức điểm, lựa chọn lại tổ hợp xét tuyển, tổ hợp nào cao sẽ dùng đăng ký.
ThS. Trần Kim Phước (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định) cũng dự đoán, việc nhiều thí sinh điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi năm nay là khó tránh khỏi. Đây càng là mối lo lắng với những trường hiện có lượng đăng ký ít. Tại Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, hiện mới chỉ có gần 250 lượt đăng ký xét vào các nguyện vọng 1, 2, 3. Trường cũng đang lo sắp tới, con số này sẽ tiếp tục trồi sụt, khó kiểm soát mặc dù năm nay, trường xét chỉ 20% chỉ tiêu bằng kết quả thi THPT quốc gia và dành tới 80% chỉ tiêu xét học bạ.
Trong khi đó, ThS. Phạm Thái Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) nhìn nhận, trường tốp giữa sẽ phải hứng chịu tình hình thí sinh điều chỉnh nguyện vọng nhiều nhất. Tuy nhiên, ông Sơn dự đoán, việc thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng từ chối nhập học để xét tiếp sẽ không diễn ra nhiều vì năm nay, từ thời điểm đăng ký xét tuyển đến lúc công bố kết quả khá dài, thí sinh có thời gian cân nhắc. Đáng lưu ý, phần lớn chỉ tiêu được các trường xét tuyển ở nguyện vọng 1, nên thí sinh sẽ không còn nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề ở các đợt xét bổ sung.
Thục Trân
Bình luận (0)