Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khác biệt luôn là điều thú vị

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối giờ của một tiết học, tôi hay tổ chức một trò chơi nhỏ để các em học sinh trong lớp gắn kết với nhau, tăng tính tương tác trong hoạt động đội nhóm. Một hôm, có hai em học sinh từ trước đến giờ chưa nói chuyện với nhau vì một em thì hoạt bát và một em trầm tính ít nói trở thành một cặp đôi. Em học sinh hoạt bát có đề nghị tôi đổi bạn chơi vì không hợp và khó phối hợp để chơi có kết quả tốt. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ quan điểm sắp xếp ngẫu nhiên để các em chơi một cách hết sức khó khăn, và quả nhiên hai em trên thua cuộc.

Sau buổi học tôi đã giải thích cho các em hiểu về việc tôi áp đặt cặp đôi không hợp nhau: “Nếu các em chơi cùng nhau, nhóm bạn luôn cùng sở thích thì đó là điều tuyệt vời. Các em sẽ chia sẻ được nhiều cho nhau, cùng hiểu nhau và giải quyết các vấn đề khúc mắc một cách đồng thuận. Thầy rất mừng khi thấy các em biết xây dựng tình bạn để cùng nhau học tập. Các em xứng đáng với việc duy trì tình bạn thân thiết trong nhóm của mình”.

Thấy học sinh yên lặng lắng nghe, tôi đưa ra thêm các tình huống để khơi dậy tính độc lập và kết nối với những người mới. “Nhưng thầy giả sử vào một ngày nào đó, các em được giáo viên chủ nhiệm chuyển chỗ ngồi cùng một người bạn không cùng sở thích, không cùng tâm tính thì các em sẽ như thế nào?”. Dừng lại ít giây để học sinh lắng đọng, tôi lại tiếp tục: “Các em không thích bạn mới và cũng có thể bạn mới cũng không thích tính cách của các em. Chịu đựng những gì mình không thích chưa bao giờ dễ dàng nhưng kiềm chế sự bất hòa luôn được khuyến khích và hoan nghênh các em ạ”. Hay, “Một ngày nào đó các em đi vào một nơi xa lạ, một môi trường mới hơn…, nhưng các em luôn giữ ý kiến của mình một cách bảo thủ, thích tìm người cùng tính cách để giao lưu; và nếu các em không tìm được thì có thể các em sẽ chán nản vì chẳng ai hiểu mình, chẳng có ai làm mình vui hơn. Vậy, các em có bao giờ tự hỏi, nhiều người cũng đang ở trạng thái như mình không?”…

Thông qua nhiều hoạt động, tôi cố gắng để cho các em học sinh thấy rằng, mỗi người luôn khác biệt nhau. Khi bắt buộc cũng như vô tình rơi vào tình trạng không cùng sở thích thay vì tránh né, phán xét nhau thì sao không tiến tới gần nhau để khám phá thêm những điều hay từ người khác. Mỗi cá nhân là một kho tàng đáng để ta học hỏi và tìm thấy nhiều điều thú vị. Dù con người ấy có thể hiện tính cách tích cực hay tiêu cực, có phù hợp hay không thì ta cũng có thể rút ra những gì hay lượm lặt được từ họ. Đó gọi là nguyên tắc bổ túc cho nhau. Nếu chỉ mãi ở trong mối quan hệ quen thuộc ta sẽ ù lỳ, khó phát huy cái mới, nhưng sẽ khám phá ra nhiều điều từ người bạn khác tính cách. Ta sẽ biết nhiều hơn, thay đổi suy nghĩ và hành động để phù hợp hơn với mọi người và mọi hoàn cảnh.

Kết lại, tôi kể câu chuyện trên trang thể thao của một tờ báo về cô sinh viên 20 tuổi Katie Ledecky – vận động viên bơi lội xuất sắc nhất trong lịch sử nước Mỹ – để minh chứng cho những điều tôi đã nói với các em học sinh: “Thầy nhớ tới một chi tiết trên báo có nói về quy định của ĐH Stanford (Hoa Kỳ) rằng: sinh viên năm 1 khi ngày đầu tiên vào sống ở ký túc xá sẽ không được biết bạn cùng phòng của mình là ai. Việc ghép bạn cùng phòng của trường này là không có điểm chung, không cùng đam mê, không cùng ngành học, không cùng địa phương… nhằm mục đích giúp các sinh viên bổ khuyết cho nhau về kinh nghiệm sống”.

Minh Quân

Bình luận (0)