Y tế - Văn hóaThư giãn

Khắc khoải ca trù

Tạp Chí Giáo Dục

Những đào nương, kép đàn chân lấm tay bùn ở vùng Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang cố níu giữ lấy ca trù trong bối cảnh loại hình hát ả đào này bị mai một. 

 
CLB ca trù Nguyễn Công Trứ đang sinh hoạt tại nhà thờ Nguyễn Công Trứ – Ảnh: Khánh Hoan

Mỗi tuần 2 buổi vào chiều thứ ba và thứ năm, tiếng sênh phách và trống chầu lại nổi lên tại khu di tích cụ Nguyễn Công Trứ ở thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân.

Bà Trần Thị Cảnh, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện, phụ trách câu lạc bộ (CLB) ca trù Nguyễn Công Trứ, cho hay đây là một trong số ít CLB ca trù của cả nước đang duy trì được sinh hoạt đều đặn. Có thời điểm CLB lên đến trên 40 người, nhưng sau 15 năm hoạt động, các thành viên rơi rụng dần do phải lo cơm áo. Hiện còn hơn chục người nặng lòng với ca trù vẫn đang cố vượt qua gánh nặng ấy để đều đặn tham gia hát, tập luyện.
“Anh em sinh hoạt ở CLB đều là những người đam mê ca trù chứ không có thu nhập gì từ loại hình ca hát này, ngoài một số ít buổi đi biểu diễn ở các lễ công nhận di tích, khánh thành nhà thờ, mỗi người được hỗ trợ vài trăm ngàn đồng”, bà Cảnh nói.
Tại nhà thờ cụ Nguyễn Công Trứ, thi thoảng có một vài đoàn du khách đến viếng cụ, đề nghị được thưởng thức ca trù thì CLB sẵn sàng phục vụ. Nhưng những du khách có nhu cầu thưởng thức ca trù không nhiều. 
Trong cái nôi truyền thống ca trù Nghi Xuân, CLB ca trù Cổ Đạm (xã Cổ Đạm) cũng đã có ngót 20 năm tuổi. Vùng đất này từng nổi tiếng hát ca trù, có đền xứ thờ tổ sư ca trù. Hiện, hai vợ chồng nghệ nhân Dương Thị Xanh và Trần Văn Đài đang gánh vác chức chủ nhiệm và phó chủ nhiệm CLB. Chị Xanh là ca nương, anh Đài là kép đàn, cũng là hai thành viên tích cực của CLB ca trù Nguyễn Công Trứ.
Thời cao điểm, CLB ca trù Cổ Đạm có năm, sáu chục thành viên với nhiều thế hệ, trong đó lớp nhỏ tuổi chiếm phân nửa. CLB sinh hoạt mỗi tuần vài buổi, rất khí thế. Tuy nhiên, kể từ khi ca trù được UNESCO công nhận là di sản cần bảo vệ khẩn cấp vào năm 2009, ca trù ở đây có nguy cơ bị rã đám. Hiện CLB ca trù Cổ Đạm chỉ còn gần 20 thành viên, trong đó có 2 cụ cao tuổi.
Dù bỏ cả việc đồng áng, ki ốt bán hàng điện, nước trước nhà luôn đóng cửa vì bận đi hát, đi luyện, nhưng tâm huyết với ca trù của vợ chồng nghệ nhân Dương Thị Xanh cũng không níu được nhiều người đến với loại hình nghệ thuật dân gian này.
“Người già thì mất gần hết, lớp trẻ bận học hành, người lớn bận làm ăn nên việc duy trì sinh hoạt đều đặn CLB là rất khó khăn. Nhiều bậc cha mẹ không muốn cho con em lao vào ca trù vì sợ mê, khó dứt ra vì mê rồi thì khổ lắm, hát ca trù không có cát sê như hát nhạc trẻ”, nghệ nhân Trần Văn Đài thở dài.
Bà Trần Thị Cảnh cho biết, để có lớp kế cận tiếp tục đến với ca trù, ngành văn hóa huyện cũng phải rất dày công tìm kiếm. Hiện trong CLB ca trù Nguyễn Công Trứ, thành viên trẻ nhất là em Nguyễn Thị Thu Hà, 12 tuổi, ở xã Xuân Hồng, được phát hiện từ hội thi ca trù của huyện. Nhưng, bố mẹ Hà lại đang lo lắng nhiều hơn vui do sợ con “dính” vào ca trù rồi không dứt ra được.
Nghệ nhân Trần Văn Đài tâm tư: Ở vùng đất như Nghi Xuân này, ca trù ít có không gian để biểu diễn kiếm sống nên với các nghệ nhân, đặc biệt những người được giao nhiệm vụ truyền dạy ca trù cho thế hệ trẻ, cần có chút đãi ngộ để họ an tâm cống hiến. Vì dù có mê đến mấy, các đào, kép cũng không thể chỉ sống với việc hát. Khi những người yêu quý ca trù nhất cũng nản lòng thì nguy cơ tiếng sênh phách biến mất khỏi vùng đất ca trù này là điều khó tránh khỏi.
Theo TNO

 

Bình luận (0)