Tết này, giáo viên sẽ tiếp tục chờ đợi phụ cấp thâm niên
|
Cách đây hơn 3 tháng, Nghị định 54/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 4-7-2011 đã có hiệu lực.
Với nghị định này thì bắt đầu từ ngày 1-5-2011 những nhà giáo đang công tác tại các trường công lập có thời gian giảng dạy đủ 5 năm (60 tháng) đều được tính phụ cấp thâm niên. Như vậy, tết này, ngoài lương, liệu giáo viên có được nhận tiền phụ cấp thâm niên để lo cho gia đình có một cái tết giống tết…
“Dài cổ” chờ phụ cấp
Theo Nghị định 54, cách tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung. Từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%. Như vậy, trung bình mỗi tháng, tùy thâm niên ngắn dài mà giáo viên được tăng thêm khoảng vài trăm ngàn đến khoảng 2 triệu đồng. Cứ tưởng như vậy đồng lương ít ỏi của đội ngũ nhà giáo sẽ khá hơn một chút. Nào ngờ…
Cô Kim Lan, một giáo viên THCS cho biết: “Tôi đã công tác trong ngành giáo dục hơn 20 năm. Như vậy là mức phụ cấp thâm niên mà tôi được hưởng tương đương với trên 20% lương/tháng. Điều đó cũng có nghĩa mỗi tháng thu nhập của tôi tăng thêm gần 1,5 triệu đồng. Từ tháng 9 đến nay tôi cứ khấp khởi chờ nhưng càng chờ càng không thấy”.
Nỗi niềm của cô Kim Lan cũng là tâm tư của hàng chục ngàn giáo viên đang công tác tại các trường công lập. Một giáo viên tiểu học ở Q.3 tâm tư: “Chúng tôi đã rất vui khi Nghị định 54 ra đời nhưng phải chờ đợi quá lâu mà không thấy tiền đâu. Nhiều lúc không muốn nghĩ đến số tiền này nữa nhưng đó là quyền lợi của mình, không lý nào lại không mong”…
Phải chăng ban giám hiệu các trường không quan tâm đến hiệu lực của Nghị định 54?
Trên thực tế thì, cô Vũ Thị Thu Hà – Hiệu trưởng Trường Mầm non Bến Thành, Q.1, TP.HCM cho biết: “Theo chỉ đạo của Phòng GD-ĐT Q.1 nhà trường đã tính phụ cấp thâm niên cho giáo viên, sau đó gửi danh sách lên phòng. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có ai được lãnh tiền”…
Thầy Ngô Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, TP.HCM cũng cho biết: “Kế toán của trường đã tính xong phụ cấp thâm niên cho giáo viên thuộc diện được hưởng. Nhưng hiện nay nhà trường vẫn không biết lấy kinh phí ở đâu để trả cho giáo viên”.
Vì đâu nên nỗi?
Giáo viên huyện Bình Chánh, TP.HCM cân nhắc trong việc chi tiêu hàng ngày. Ảnh: Q.Huy |
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì chưa có trường nào trên địa bàn TP.HCM thực hiện chi trả tiền phụ cấp thâm niên cho giáo viên. Nguyên nhân là do chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện.
Theo Nghị định 54 thì: Nguồn kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo được sử dụng từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị và nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Với những trường tự chủ tài chính như Trường Mầm non Bến Thành, Q.1 thì nguồn thu từ học phí không đủ trả lương cho giáo viên chứ nói gì đến phụ cấp thâm niên. Còn những trường hoạt động bằng ngân sách Nhà nước như Trường THPT Ngô Quyền thì: “Nếu không có thông tư hướng dẫn cụ thể, kho bạc sẽ không bao giờ xuất tiền”, thầy Hải cho biết thêm.
Vậy bao giờ sẽ có thông tư hướng dẫn?
Trả lời câu hỏi này, ông Văn Công Sang – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Chưa biết đến khi nào sẽ có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 54”.
Chỉ còn hơn một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, trong khi thông tư hướng dẫn thì vẫn chưa thấy đâu. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, tết này giáo viên vẫn chưa có tiền phụ cấp thâm niên.
Cô Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 khẳng định: “Lâu nay không có phụ cấp thâm niên, nhà giáo vẫn sống”. Vâng, đội ngũ nhà giáo vẫn sống nhưng đó là cuộc sống khá chật vật. Đặc biệt là những gia đình cả hai vợ chồng cùng làm nhà giáo thì còn khó khăn hơn nhiều.
Nghị định 54 ra đời, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo. Theo đó, những giáo viên gắn bó với trường, với lớp đều có thêm một phần thu nhập – dù rất nhỏ nhoi. Song, thật đáng buồn khi phần thu nhập này vẫn cứ mãi nằm trên giấy.
Nghị định 54 quy định rõ: Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành nghị định này.
Vậy, Bộ GD-ĐT và các bộ liên quan đã và đang làm gì để Nghị định 54 thật sự có hiệu lực chứ không phải là hiệu lực trên giấy. Và chỉ khi đó, hàng triệu giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục công lập trong cả nước mới hết khắc khoải chờ đợi phụ cấp thâm niên…
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)