Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khắc khoải những làng nghề: Bài 1: Hắt hiu làng nghề thổ cẩm Bonnơ C

Tạp Chí Giáo Dục

Một trong những người già nhất làng bên khung dệt

Làng nghề thổ cẩm Bonnơ C- xã Lát, huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) là một làng nghề truyền thống có từ hàng chục năm qua. Từng là một trong những điểm tham quan nổi tiếng, điểm để du khách có thể tìm mua những sản phẩm thổ cẩm chính hiệu và bền đẹp. Tuy nhiên, hiện nay làng nghề thổ cẩm Bonnơ C đang có nguy cơ biến mất trong tương lai.
Vì sao làng nghề “chết”
Chúng tôi đến thăm làng nghề dệt thổ cẩm Bonnơ C – được xem là đỉnh cao văn hóa của người Cil (Lâm Đồng) vào một ngày cuối năm, khi gió mùa xuân đang đủng đỉnh vờn trên đỉnh Lang Biang tuyệt đẹp. Sau gần 45 phút vật lộn với đường sá kiểu chân sóng trong cái mờ mờ của sương núi, chúng tôi cũng vào tới được làng Bonnơ C. Hai bên đường làng cây cối um tùm, đất đá lởm chởm, không khí yên ắng đến lạ thường. Các xưởng dệt thổ cẩm của thôn (theo lời người dân địa phương) mà chúng tôi thấy khi đi ngang qua đã không hoạt động và được ngăn ra làm phòng học cho các em nhỏ trong làng. Chạy xe đi một vòng quanh làng, không một bóng du khách tham quan, các khung dệt không một bóng người. Xa xa một vài đứa trẻ trong bản đang nghịch đất dưới những gốc cây, đôi ba cụ già ngồi tước sợi đay làm lạt, thanh niên trai tráng gần như đã bỏ bản đi hết. Thời gian này không phải là thời gian bà con lên nương rẫy, chị em phụ nữ vẫn còn ở bản, nhưng mọi người cũng không còn mặn mà với khung dệt vì hiện nay theo như lời một vài người từng dệt thổ cẩm trong làng, giá bán sản phẩm rất thấp, không đạt ngày công bỏ ra. Hơn thế nữa, sản phẩm làm ra nhiều cũng không biết bán cho ai nên không mấy người làm. Cụ Hơ-ki An-một người Cil thuộc hàng cố cựu cho biết: “Làng nghề dệt thổ cẩm Bonnơ C gần như đã bị quên cách nay một năm rồi chú ạ. Dân trong bản tụi tôi giờ ít người mặc đồ thổ cẩm lắm vì hàng may công nghiệp giờ nhiều và được người trong bản ưa chuộng”. Anh Rơ ông Ha Thiên – Trưởng thôn Bonnơ C cho biết: “Người dân nơi đây đất đai ít chủ yếu sống bằng nghề dệt là chính. Những năm trước khách hàng nhiều, mối lái đến tận bản đặt dân làm nên cả bản gần như sống bằng nghề dệt thổ cẩm. Hiện nay do sản phẩm không có đầu ra nên rất nhiều gia đình tạm gác khung dệt đi làm thuê, làm mướn cho các làng khác để có cái ăn cái mặc trước mắt. Còn nghề dệt mà cha ông truyền lại bao đời nay thì không thể bỏ, lúc rảnh rỗi không tìm được việc gì làm hoặc những người già không đi làm nương làm rẫy được nữa họ vẫn tranh thủ dệt, đợi đến mùa qua các bản khác trao đổi, nhưng số này không nhiều”.
Hiện thôn có 57 hộ trong đó có 49 hộ là đồng bào Cil và bao đời nay, nghề dệt thổ cẩm là nghề chính của họ. Năm 2004 Nhà nước đã đầu tư xây dựng ở đây một nhà xưởng từ nguồn vốn phát triển ngành nghề nông thôn, để chị em có điều kiện làm việc tập trung và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau cũng như thuận lợi cho du khách tham quan làng nghề và mua bán sản phẩm thổ cẩm của làng. Hội Phụ nữ huyện Lạc Dương cũng đã tổ chức đào tạo nghề để chị em nâng cao tay nghề và làm quen với nhiều mẫu mã mới. Phòng Công thương huyện cũng như Sở Công thương Lâm Đồng đã hỗ trợ người dân làng nghề mua khung dệt, đăng ký giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại được tổ chức tại nhiều tỉnh thành trong nước, tổ chức cho bà con đi tham quan một số làng nghề dệt thổ cẩm ở các tỉnh khác để bà con giao lưu học hỏi lẫn nhau… Tuy nhiên, hiện nay trước những khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm khiến một nửa nhà xưởng trong làng đang trong tình trạng: Đóng cửa bỏ không.
Hướng ra nào cho làng nghề thổ cẩm Bonnơ C
Ghé vào thăm một nhà vẫn còn hai khung dệt trong bản của chị Cil Krơ Múp Ksong, chúng tôi thấy hàng thổ cẩm đang treo rất nhiều trong nhà và tại hai khung dệt vẫn đang có người ngồi dệt. Khi được hỏi, tại sao hàng còn nhiều chưa bán được mà vẫn còn dệt, chị nói: “Nhà có 6 người thì chồng và hai con trai đã lên TP làm thuê rồi, còn lại 3 mẹ con, rảnh không có việc gì làm thì dệt vậy thôi, chứ làm xong rồi đâu có người ghé mua đâu. Ngày trước một tuần, nửa tháng còn có mối lái tới tận nhà lấy hàng. Một năm trở lại đây sao hổng thấy ai tới nữa. Sản phẩm chúng tôi làm ra chủ yếu là 2 đứa con nó mang lên núi Lang Biang bán hoặc mang đến các điểm giao lưu văn hoá cồng chiêng ở thị trấn Lạc Dương giao cho mấy mối quen. Có hôm hai đứa đi cả ngày cũng chỉ bán được 1 – 2 cái áo hoặc cái túi mà thôi”. Anh Trần Trung Khanh, du khách đến từ TP.HCM chia sẻ: “Để sản phẩm thổ cẩm mang tính đặc trưng của địa phương như tỉnh Lâm Đồng thì cần phải có chiến lược phát triển và bán hàng một cách chuyên nghiệp hơn. Chứ tôi thấy cứ để cho người dân làng nghề tự “bơi” thì không sớm hay muộn làng nghề cũng bị xóa sổ. Vì muốn mua một sản phẩm thổ cẩm tôi có thể mua được ngay tại TP.HCM chứ chẳng cần phải ra đây làm gì. Điều khiến du khách như chúng tôi bỏ tiền ra mua khi đi du lịch ở đây chính là ở yếu tố lạ, sự độc đáo, ngộ nghĩnh, thậm chí là quái lạ của các sản phẩm”. Chính vì những nguyên nhân trên, chúng tôi thiết nghĩ để làng nghề dệt thổ cẩm của bà con dân tộc Cil ở đây tồn tại một cách bền vững thì cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện mẫu mã, hướng sản xuất đi vào tập trung. Đồng thời tìm ra tiếng nói chung để đưa sản phẩm thổ cẩm có được thương hiệu độc đáo, tạo được sự chú ý của khách hàng trong và ngoài nước. Tạm biệt làng, chúng tôi ra về khi ánh dương chiều đã ngả bóng. Mong rằng làng thổ cẩm Bonnơ C của người Cil – một biểu tượng văn hóa sẽ không bị mai một và mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con người dân tộc nơi đây.
Bài, ảnh: Nguyên Hải

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)