Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khắc khoải những làng nghề: Bài 2: Làng nghề heo đất cuối năm

Tạp Chí Giáo Dục

Chị Cẩm Nhung đang đưa heo ra phơi

Làng nghề làm heo đất truyền thống ở xã Thuận Giao, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương trước đây có hàng trăm hộ gia đình tham gia sản xuất, nay chỉ còn lại khoảng 50 hộ đeo bám với nghề. Họ bám trụ với nghề không chỉ vì “cơm áo gạo tiền” mà là để duy trì một nét văn hóa, một làng nghề truyền thống đã có từ hàng chục năm qua.
Duy trì nghề truyền thống
Một ngày cuối năm, tôi tìm về làng nghề (ấp Bình Thuận 1 và Bình Thuận 2, xã Thuận Giao) đúng lúc người dân đang vào giờ sản xuất chính. Không nhộn nhịp như những làng nghề khác, nhưng nhìn vào không khí làm việc hết sức khẩn trương của 5 lao động tại một xưởng sản xuất gia đình, tôi chợt mừng vì biết rằng: làng nghề vẫn “sống”.
Chỉ tay ra giàn phơi với hàng ngàn chú heo đất đang “sưởi nắng” ngoài sân, anh Ba Nhất, chủ hộ làm heo đất (tổ 5, ấp Bình Thuận 1) phân trần: “Mới nhận được đơn đặt hàng làm 5.000 con heo đất của Công ty Vĩnh Thịnh (Sài Gòn) nên cả nhà phải hối hả làm việc cho kịp thời gian giao hàng cho khách. Hơn tháng nay mới có một đơn hàng lớn như vậy, chứ thường ngày chủ yếu là tự sản xuất, tự mang đi bán kiếm sống qua ngày thôi anh ạ. Nhìn nhộn nhịp thế thôi nhưng làng nghề heo đất ở đây đã qua rồi cái thời vàng son”. Theo lời anh Ba Nhất, hiện nay bình quân một lao động ở làng nghề chỉ kiếm được khoảng 50 – 60 ngàn đồng/ngày cho 12 tiếng làm việc. Sản phẩm chủ yếu được người trực tiếp làm ra mang lên tận TP.HCM bán hoặc giao sỉ cho các tiệm tạp hóa trong và ngoài tỉnh. Số lượng lao động theo nghề cũng giảm đi rất nhiều. “Trước kia khi số lượng đơn hàng còn nhiều, mẫu mã và chủng loại đa dạng, người lao động còn có thể sống bằng nghề. Nhưng hiện nay số lượng đơn hàng giảm đi rất nhiều, thị trường cũng “kén” việc tiêu thụ heo đất hơn, nên đời sống của người lao động tại làng nghề cũng không còn dễ thở như ngày trước” – anh Ba Nhất tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung (tổ 6, ấp Bình Thuận 2) từng có 3 đời theo nghề cho biết: “Với một con heo đất sau khi người làm hoàn thành tất cả mọi khâu (nặn đất, đổ khuôn, nung, sơn màu đến giao cho thương lái) người lao động lời được 500 đồng/con. Do đó, việc 20 hộ gia đình của làng nghề ở Bình Thuận 1, 2 còn làm heo đất ở đây chủ yếu là yêu nghề hoặc do truyền thống của gia đình, chứ rất ít người xác định đây là một nghề để làm giàu”. Với việc đầu ra cho sản phẩm hiện nay hết sức nhỏ hẹp, mức thu nhập giảm hơn một nửa so với những năm về trước nên phần lớn lao động (chủ yếu là phụ nữ) chỉ tranh thủ làm thêm lúc nông nhàn hoặc đi làm thuê cho các cơ sở lớn như của ông Út Thương, bà Bảy Trầu kiếm tiền phụ giúp gia đình. Chị Lê Thị Lan, người làm công (sơn và vẽ cho heo đất) tại cơ sở của ông Út Thương cho biết: “Công việc hiện nay của tôi được ông Út Thương trả 50 – 70 ngàn đồng/ngày/10 tiếng nên có thể nói là không đủ lo cho 3 đứa con nhỏ còn đang đi học”. Trước kia, một ngày hai vợ chồng chị có thể kiếm được 200 – 250 ngàn đồng/ngày cho 12 tiếng làm việc, cuộc sống tương đối ổn định. Còn hiện nay do giá cả ngày càng leo thang, mức thu từ 100 – 120 ngàn đồng/ngày chi phí cho 5 nhân khẩu đối với gia đình chị là hết sức khó khăn.
Vượt khó cho một ước mơ
Cái nắng gay gắt không phải ai cũng chịu được, nhất là những người mới vào nghề. Đất sét trộn keo được xay nhuyễn thành bột sền sệt rồi đổ vào từng khuôn.
Sau mấy giờ, lớp thạch cao của khuôn tự động hút bột đất sét tạo thành hình dạng chú heo. Từng khuôn heo được dỡ ra để phơi nắng. Sau một cái nắng tốt là được. Cuối cùng chất vào lò nung trong vòng 8h là ra thành phẩm.
Khó khăn là vậy, nhọc nhằn là vậy nhưng phần lớn những người bám nghề tại làng nghề heo đất Thuận An đều ấp ủ một ước mơ cho riêng mình. Người thì ấp ủ làng nghề sẽ trở lại thời vàng son, người thì mong ước chú heo đất sẽ giúp cuộc sống gia đình bớt khó khăn hơn. Người thì mơ về một điều gì đó diệu kỳ hơn ở tương lai thông qua việc lấy ngắn nuôi dài cho các con, các cháu ăn học. Và những ước mơ giản dị ấy đã có những tín hiệu lạc quan khi hiện nay được sự giúp đỡ của CLB heo đất Thuận An, UBND và Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Thuận An… làng nghề đang có những bước chuyển mình hết sức đáng mừng. Bà Lê Thị Nghiệm, Chủ nhiệm CLB heo đất Thuận An cho biết: “Hiện nay, chỉ riêng thị trường Campuchia, làng heo đất Bình Dương đã cung cấp hơn 10.000 con heo đất mỗi ngày”.
Để có nguồn vốn đầu tư cho việc mua nguyên liệu cũng như mua những chiếc khuôn làm ra những chú heo đất không phải dễ. Từ việc sản xuất thủ công chỉ dựa vào sức lao động là chính, do đó nhiều hộ không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn: khó khăn nối tiếp khó khăn!. Thấy được nỗi vất vả ấy, vào tháng 8-2004, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thuận Giao đã tập hợp các chị em làm nghề heo đất và thành lập một CLB với tên gọi là “CLB làm heo đất”, với mục đích nhằm giúp đỡ các chị có thêm nguồn vốn vay đầu tư cho sản xuất mà không phải trả lãi suất cao như trước đây. Quả như ý định ban đầu, khi CLB được thành lập, được sự giúp đỡ của NHCSXH huyện Thuận An, tất cả những thành viên trong CLB đều được vay vốn. Nguồn vốn NHCSXH như một liều thuốc kích thích làng nghề. Từ nguồn vốn được vay, các chị đầu tư mua máy, mua ống cho việc trộn hồ. Giờ đây các chị không phải mua hồ làm sẵn hoặc mua đất về trộn thủ công như trước nữa mà chỉ mua đất về cho máy trộn, giảm được chi phí đầu vào sản phẩm. Hiện nay, mô hình này đã giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo. Nhờ có CLB này mà nhiều hộ nghèo trong xã đã có cuộc sống ổn định, nhiều chị vươn lên trở thành hộ khá ở địa phương”. Khi tạm biệt làng nghề để trở về với thành phố, chị Nhung đã nói với theo với tôi, chú có thể làm cho “heo đất” đi xa được không để chúng tôi đỡ khổ. 
Bài, ảnh: Nguyên Hải

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)