Tẩy chay bạn
|
|
|
Cha mẹ cần hướng dẫn cho con tự bảo vệ
bản thân và nhận thấy bạn không tốt thì không nên gia nhập nhóm. Cũng nên dặn con là nếu bị bắt nạt, cần báo ngay cho cha mẹ và nhà trường, chứ không nên bưng bít thông tin
|
|
|
Chuyên viên tâm lý NGUYỄN THỊ MỸ LINH – giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ VN tại TP.HCM |
|
|
Hải Nam, học sinh lớp 7 một trường THCS tại Q.3, TP.HCM, kể trong lớp mình có một bạn bị “tưng tưng” nên mọi người cứ nghĩ bạn đó xấu và tẩy chay bạn. Trong những lần sinh hoạt tập thể trong trường, chiếc micro lỡ phát ra những tiếng lụp bụp thì bạn ấy giơ mấy ngón tay lên kiểu như đang bắn súng vào người khác. Hải Nam nói: “Từ đầu năm học đến giờ, bạn ấy chỉ chơi một mình. Cô giáo chủ nhiệm bảo tụi con nên hòa đồng với bạn nhưng tụi con không thích”.
Là chuyên viên tham vấn học đường tại một số trường ở Q.4 trước đây và hiện đang tham vấn tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Q.5, TP.HCM), thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân khẳng định: một trong những vấn đề nổi cộm trong tham vấn học đường hiện nay là tình trạng bắt nạt. Ông Huân cho biết: “Một số học trò kể với tôi là lớp trưởng không thèm chơi với con và hù dọa những bạn khác không được chơi với con nữa”.
Theo ông Huân, đối với trẻ nhỏ, việc tẩy chay trong lớp như thế này cũng đã là một dạng bắt nạt. Do không thể chống lại một lớp trưởng hoặc trưởng nhóm có uy lực như trên, những học sinh cô độc ấy chỉ biết xuống phòng tham vấn khóc. Thậm chí, đã từng có học sinh nằng nặc đòi mẹ chuyển trường với lý do: “Ở đây không có ai chơi với con, họ ghét con. Có đứa ném đồ vào người con, giật đồ của con, có đứa lừa tiền con…”.
Đề cập đến nguyên nhân khiến học sinh bị tẩy chay trong trường, thạc sĩ Lê Minh Huân cho rằng nhiều khi bắt nguồn từ những điều tưởng chừng rất nhỏ nhặt, như: tiếng nói của em đó quá nhỏ hoặc quá to; lời nói hơi “chua chua” một chút, hoặc cách nói hơi bị sốc một chút… Từ đó, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn là đứa trẻ dễ bị cô lập không chỉ trong lớp mà còn ở ngoài lớp, do những học sinh rỉ tai nhau không chơi với em này.
Sống trong sợ hãi
|
|
Trên lớp bị ức hiếp, về nhà bị la mắng
Đêm 8.4, một nữ sinh lớp 11, H.Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã tử vong do uống thuốc diệt cỏ. Nữ sinh này bị hai học sinh cùng trường đánh và hất nước vào người do có mâu thuẫn từ trước. Cho rằng con gái mình ở trường đánh nhau nên cha em đã la mắng khi em về nhà khiến nữ sinh này cảm thấy uất ức và quyên sinh.
|
|
|
Cũng từng tham gia tư vấn học đường nhiều năm qua, thạc sĩ – chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh, giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ VN tại TP.HCM, nhìn nhận hậu quả của tình trạng “bo xì”, bắt nạt là rất nặng nề. Đặc biệt, khi các nạn nhân không chia sẻ với gia đình, các em sẽ sống trong nỗi sợ hãi triền miên. Bên cạnh đó, có những em không có tiền cống nộp cho bạn đã về nhà ăn cắp tiền của cha mẹ…
Thạc sĩ Mỹ Linh cho biết cô từng tiếp xúc một học sinh viết thư định tự tử. Qua tìm hiểu, cô biết được trên trường, em này bị lớp trưởng ghét bỏ, ức hiếp và lôi kéo bạn bè cùng tẩy chay. Vì vậy, em thu mình lại, học hành sa sút. Về nhà, em bị mẹ tiếp tục la rầy. Bế tắc, em định tìm đến cái chết.
Để hạn chế nạn bắt nạt, chuyên viên tư vấn Mỹ Linh chia sẻ: “Cha mẹ cần hướng dẫn cho con tự bảo vệ bản thân và nhận thấy bạn không tốt thì không nên gia nhập nhóm. Cũng nên dặn con là nếu bị bắt nạt, cần báo ngay cho cha mẹ và nhà trường chứ không nên bưng bít thông tin”.
Ở góc độ khác, cô Mỹ Linh cảnh báo: “Không ít phụ huynh luôn bảo vệ con mình một cách mù quáng, chối bỏ con là thủ phạm bắt nạt. Từ đó, đứa trẻ sẽ quen dần với việc làm sai trái, khi lớn lên sẽ tiếp tục những cái sai ấy. Chính những đứa trẻ này sẽ gánh chịu thiệt thòi, dễ gặp thất bại trong cuộc sống do thái độ và cách hành xử của mình”.
Từ kinh nghiệm tham vấn học đường, thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân cho rằng chuyên viên phòng tham vấn cần phải chủ động nói chuyện chuyên đề với học sinh về những vấn đề liên quan đến các em, trong đó có đề tài bắt nạt. Không những vậy, cần tận dụng hộp thư tâm lý để học sinh có thể cởi mở chia sẻ với chuyên viên về những vấn đề mình đang gặp phải (tùy nhu cầu mà học sinh để lại địa chỉ tên, lớp hoặc ẩn danh).
“Chúng tôi thường viết thư ngỏ cho phụ huynh thông báo rằng nếu gặp vấn đề gì đó hãy đến phòng tham vấn. Thế nhưng sự hưởng ứng của phụ huynh không nhiều. Họ chưa sẵn sàng hoặc nghĩ đơn giản là con nít mà, nó đánh nhau cãi nhau là chuyện bình thường”, anh Minh Huân tâm tư.
Như Lịch (TNO)
Bình luận (0)