Tâm lý ỷ lại này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Khi trưởng thành trẻ sẽ rất hạn chế trong hòa nhập vào xã hội. Viêc giúp các bậc phụ huynh khắc phục tính ỳ không đáng có ở trẻ là điều rất cần thiết.
Cha mẹ hãy tạo cơ hội cho con được làm những việc phù hợp với khả năng. Ảnh: I.T |
“Con gái tôi rất thông minh, nhanh nhẹn, hoạt bát, nhưng đó chỉ là khi cháu làm những việc mà nó thích hoặc nổi hứng lên thì làm. Còn hằng ngày cháu rất “ỳ và luôn có tư tưởng ỷ lại, dựa dẫm vào người khác. Lên 6 tuổi rồi mà không đút cho từng miếng thì không muốn ăn, không có người ôm ấp thì kêu khóc, than vãn không ngủ được; chơi cùng các bạn cũng phải có cha mẹ đứng cạnh; không thể tự vệ sinh thân thể, tắm rửa là người lớn phải phục vụ từ đầu đến cuối; đi học quên sách vở cũng trách cha mẹ không nhắc nhở, kiểm tra… Nhưng khi cha mẹ muốn dạy cho bé tính độc lập, chủ động thì bé lại vùng vằng khóc lóc. Không lẽ để khắc phục bệnh ỳ cho con lại khó đến vậy?”. Đó là lời tâm sự tận đáy lòng của chị Hương ngụ ở Q.2, TP.HCM.
Tâm lý ỷ lại này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Khi trưởng thành trẻ sẽ rất hạn chế trong hòa nhập vào xã hội. Dưới đây là một số lời khuyên giúp cha mẹ khắc phục tính ỳ không đáng có ở trẻ.
Giao việc phù hợp với đặc điểm tâm lý và độ tuổi của trẻ
Cha mẹ hãy tạo cơ hội cho con được làm những việc phù hợp với khả năng, bồi dưỡng thói quen sống tự lập cho trẻ. Việc gì trẻ có thể làm, cần làm thì hãy cho trẻ được quyền thể hiện, không nên làm thay bất cứ giá nào. Nếu thật sự thương xót con, lo con không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì thay vì làm hết cho chúng, bạn hãy hướng dẫn và luôn bên con khuyến khích chúng làm tốt từng bước một. Giai đoạn nào khó nhất thì bạn hãy cùng trẻ thực hiện. Cha mẹ không nên tạo điều kiện cho trẻ quá quen với cuộc sống an nhàn. Hãy yêu cầu trẻ làm những việc ở các lĩnh vực khác nhau từ dọn dẹp nhà cửa, vườn tược cho đến nấu ăn, giặt áo quần…
Không đặt ra yêu cầu quá cao
Muốn khơi dậy tính tích cực và hứng thú, hạn chế sức ỳ của trẻ, cha mẹ cần đưa ra những nhiệm vụ, yêu cầu phù hợp với mức độ phát triển của lứa tuổi và năng lực của trẻ. Trong thực tế nếu yêu cầu quá cao hay quá thấp đều không khắc phục được sức ỳ của trẻ. Nếu đưa ra yêu cầu quá cao, công việc quá khó khăn, vượt quá khả năng hiện có sẽ làm cho trẻ có cảm giác lo sợ, tự ti và kết cục là bé nản chí, điều này khiến sức ỳ của bé còn tăng lên. Ngược lại, cha mẹ đưa ra yêu cầu, nhiệm vụ quá dễ dàng, trẻ không cần cố gắng cũng làm được, khiến chúng nảy sinh tâm lý thờ ơ, thiếu nghiêm túc, coi thường công việc cũng như người giao nhiệm vụ. Do đó, cha mẹ phải đưa ra yêu cầu phù hợp và kích thích bé hoàn thành tốt. Để làm được điều đó, cha mẹ phải thực sự thấu hiểu con, biết chắc chắn con có sở trường gì, con có thái độ như thế nào khi người lớn giao cho, con thường hứng thú với lĩnh vực nào (hoạt động chân tay hay trí óc). Thực tế, thời tuổi mầm non đến tiểu học, cùng với sự phát triển về mặt sinh lý, năng lực vận động của trẻ cũng tăng cường, các phẩm chất nhân cách tương ứng như chủ động, tự giác, tự trọng… cũng bắt đầu phát triển. Đây là thời điểm hợp lý để hình thành các thói quen tốt cho trẻ. Cha mẹ cần kiên trì giao và hướng dẫn cụ thể một số nhiệm vụ để chúng tự hoàn thành. Khi trẻ tự tay mình làm được nhiều việc chúng sẽ tự tin vào bản thân, có tinh thần trách nhiệm cao hơn và khắc phục đi sức ỳ cũng như tâm lý ỷ lại, dựa dẫm vào người khác.
Hành động kịp thời
Khi mới phát hiện bé con nhà mình có biểu hiện tính ỷ lại, cha mẹ phải nhanh chóng sửa chữa, khắc phục ngay. Hãy cho chúng trải nghiệm hệ lụy, hậu quả không đáng có từ thói ỷ lại gây ra. Chẳng hạn, nếu sáng ngủ dậy con không chịu tự giác vệ sinh sạch sẽ, không tự ăn sáng… thì cha mẹ hãy để trẻ trải nghiệm lấy hệ lụy của nó, bạn hãy để bé ra ngoài với khuôn mặt nhem nhuốc, bị bạn bè chê cười, ngồi học với cái bụng đói… bé sẽ “ngấm” ngay.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý
Trường ĐH Nguyễn Huệ)
Bình luận (0)