Năm 2025, TP.HCM thực hiện năm an toàn giao thông với chủ đề “Hành trình an toàn, kiến tạo tương lai”. Theo đó, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, nhất là học sinh, khắc phục “điểm đen” trên những tuyến đường có trường học… góp phần xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Kéo giảm số vụ tai nạn
Trong năm qua, các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn. TP đã xóa được 1 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông và kiểm soát tốt các điểm còn lại, xóa 7/9 điểm đen tai nạn giao thông. Tình hình tai nạn giao thông giảm rất sâu cả về số vụ trong đó có số vụ liên quan đến học sinh. Số người chết và số người bị thương với tỷ lệ giảm trên 15% mỗi tiêu chí so với năm 2023, nhất là số người chết do tai nạn giao thông giảm 193 người (giảm 28,9%); hạn chế được tối đa các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.
Với chủ đề năm 2025, TP.HCM quyết tâm thực hiện kéo giảm số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2024, giảm số vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ùn ứ cục bộ tại một số tuyến đường, giao lộ có mật độ giao thông cao. TP cũng tập trung chấn chỉnh và không để phát sinh phức tạp về tình trạng “xe dù”, “bến cóc”, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè để đảm bảo an toàn cho người dân TP, nhất là học sinh, sinh viên.
Ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, thời gian qua nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân có bước chuyển biến tích cực hơn. Công tác quản lý Nhà nước được tăng cường, hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư nhiều công trình, dự án giao thông trọng điểm được tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành và đưa vào vận hành sử dụng như tuyến Metro số 1, hầm chui Trần Quốc Hoàn, hầm chui Nguyễn Văn Linh, cầu Phước Long. “Trong năm 2025, TP.HCM sẽ xây dựng và triển khai mạnh các giải pháp giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, đầu tư phát triển giao thông liên vùng, khai thác hiệu quả giao thông đường thủy, phát triển đường sắt đô thị, các đường vành đai. Đồng thời, TP triển khai đảm bảo tiến độ Đề án xây dựng đô thị thông minh đồng bộ với phát triển kinh tế số và xã hội số”, ông Cường cho biết.
Để công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông diễn ra hiệu quả, lực lượng chức năng TP tăng cường và đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông, nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ của người tham gia giao thông, của đội ngũ lái xe khách, lái tàu, người điều khiển phương tiện thủy, của các cơ quan, doanh nghiệp vận tải. Đảm bảo an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, sửa chữa kịp thời các bất cập và khiếm khuyết trong hệ thống hạ tầng giao thông đô thị. TP cũng có phương án tổ chức, điều tiết giao thông, sẵn sàng giải tỏa, cứu nạn kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn, không để phát sinh ùn tắc kéo dài, không để bị động trong việc xử lý các tình huống bất ngờ liên quan đến trật tự, an toàn giao thông trong những ngày đầu và ngày cuối đợt nghỉ Tết trên các tuyến trục chính ra vào TP.
Khắc phục “điểm đen” gần trường học
Về an toàn giao thông trong học sinh, CSGT TP.HCM cho biết trong năm 2025, lực lượng tiếp tục tập trung xử lý các hành vi vi phạm đã được Bộ Công an xác định là những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông cho lứa tuổi học sinh. Đó là vi phạm về nồng độ cồn, ma túy khi điều khiển phương tiện; chạy quá tốc độ cho phép; chở quá số người quy định; không đủ tuổi điều khiển phương tiện; không có giấy phép lái xe; vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; giao, để phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện, phương tiện vận chuyển đưa đón học sinh không đảm bảo an toàn kỹ thuật, hết niên hạn sử dụng.
Đồng thời, lực lượng chức năng cũng sẽ khuyến khích học sinh sử dụng xe đạp, xe đạp điện và các phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là tuyến Metro số 1 (Suối Tiên – Bến Thành đã được đưa vào hoạt động) để giảm áp lực cho phụ huynh trong việc đưa, đón.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, đơn vị đang quản lý 1.070 chốt đèn tín hiệu giao thông. Trong đó, 843 chốt đèn tín hiệu giao thông hoạt động độc lập, 227 chốt đèn tín hiệu giao thông hoạt động kết nối điều khiển tại trung tâm điều khiển. Hệ thống đèn tín hiệu giao thông này do Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ và Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải TP) quản lý. |
Bên cạnh đó, TP tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường bộ cao tốc, quốc lộ và các tuyến đường đô thị trọng yếu, bảo đảm đạt điều kiện an toàn cao cho tất cả các đối tượng nói chung và lứa tuổi học sinh nói riêng khi tham gia giao thông. Khẩn trương khắc phục các “điểm đen” trên các tuyến đường có trường học theo phân cấp quản lý; đẩy mạnh phát triển mới các loại hình phương tiện giao thông công cộng; khai thông những tuyến đường thủy để phát triển đa dạng các hình thức đưa đón học sinh.
Trước tình trạng ùn ứ giao thông ở một số tuyến đường ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân cũng như học sinh, phụ huynh, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM phối hợp với lực lượng CSGT điều chỉnh linh hoạt đèn tín hiệu giao thông, theo từng thời điểm trong ngày. Đặc biệt là rà soát, nghiên cứu tiến hành lắp đèn cho phép rẽ phải khi đèn đỏ ở một số giao lộ đủ điều kiện an toàn.
Thúy Kiều
Bình luận (0)