Là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, bão số 3 gây thiệt hại nghiêm trọng cho nước ta với trên 300 người thiệt mạng, mất tích và gần 2.000 người bị thương. Tổng thiệt hại về tài sản ước tính sơ bộ trên 50 nghìn tỷ đồng và dự báo có thể kéo giảm tốc độ tăng trưởng GDP năm nay của cả nước.
Những con số đáng chú ý trên đã được nêu trong Nghị quyết số 143 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Đặc biệt, khôi phục công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, công tác dạy – học tại các trường…
Có thể kéo giảm tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước
Nghị quyết nêu, bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ. Siêu bão này có cường độ rất mạnh, sức tàn phá rất lớn, phạm vi ảnh hưởng rất rộng, bao phủ toàn bộ 26 địa phương khu vực miền Bắc và Thanh Hóa. Đối tượng chịu tác động bởi bão số 3 nhiều, gây mưa lớn dài ngày dẫn đến thảm họa thiên tai về lũ, sạt lở nghiêm trọng tại nhiều địa phương.
Thống kê sơ bộ đến ngày 17-9, cả nước đã có 329 người chết, mất tích; 1.929 người bị thương; khoảng 234,7 nghìn căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; trên 307,4 nghìn hécta lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; gần 3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310 nghìn cây xanh đô thị bị gãy đổ… Tổng thiệt hại về tài sản ước tính sơ bộ trên 50 nghìn tỷ đồng; dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… có thể giảm trên 0,5% so với dự báo trước khi có bão.
Nghị quyết cũng chỉ ra, các vấn đề xã hội, nhất là y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch, lao động việc làm, đời sống người dân… cần đặc biệt quan tâm, ưu tiên nguồn lực và triển khai nhanh sau bão lũ.
Học sinh phải được đến trường sớm nhất có thể
Để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, tiếp tục phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 đạt 6,8-7%, Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các cơ quan khác ở Trung ương, chủ tịch UBND 26 tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trước hết, phải bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân; không để người bệnh thiếu nơi cứu chữa; không để người dân thiếu ăn thiếu mặc, thiếu chỗ ở, thiếu nước sạch; sớm nhất có thể, học sinh phải được đến trường.
Chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, hiệu quả, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra giám sát. Huy động mọi nguồn lực, quản lý và phân bổ hợp lý; chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách.
Chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong thời gian tới
Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các địa phương rà soát những thôn bản, gia đình bị vùi lấp nhà; tái định cư cho các bản làng, nhà ở cho người dân đến chỗ an toàn và hoàn thành chậm nhất trước ngày 31-12 năm nay. Rà soát các công trình thủy lợi, đê kè… bị hư hại, nguy cơ rủi ro để xây dựng phương án sửa chữa, gia cố, nâng cấp, xây mới; bảo đảm yêu cầu phòng chống, ứng phó với những tình huống thiên tai, bão lũ xảy ra thời gian tới, nhất là những tháng cuối năm 2024. Khẩn trương rà soát, tổng hợp những dự án bố trí, ổn định dân cư vùng thiên tai cấp bách do các địa phương đề xuất; trong đó có phương án xây dựng khu tái định cư và di dân xen ghép để di dân tại các địa bàn nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương rà soát, đánh giá hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông; trong đó, tập trung những cầu yếu trên tuyến đường bộ, đường sắt huyết mạch để có phương án đầu tư sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, xây mới, đảm bảo yêu cầu phòng chống, ứng phó với các tình huống thiên tai trong thời gian tới. Bộ GD-ĐT cùng các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường đào tạo, hướng dẫn, trang bị cho học sinh, sinh viên và người dân những kỹ năng cần thiết để ứng phó trước những thảm họa về thiên tai, dịch bệnh… |
Trong 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đó, Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các địa phương sử dụng dự phòng ngân sách Nhà nước để khẩn trương sửa chữa, sớm đưa vào sử dụng trở lại những công trình dân sinh, trường học, bệnh viện… Khẩn trương khôi phục công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, công tác dạy – học tại các trường. Đối với những công trình trường học, cơ sở y tế bị hư hại nặng không thể tiếp tục sử dụng, trước mắt dựng trường tạm để học sinh đến học ngay trong tháng 9 năm nay và dựng cơ sở y tế tạm để phục vụ khám chữa bệnh. Sau đó, lên kế hoạch xây dựng lại những công trình không thể sử dụng. Bộ GD-ĐT cùng các địa phương thực hiện miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão số 3 trong năm học 2024-2025.
Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các địa phương theo dõi sát tình hình, diễn biến nguồn cung, giá cả hàng hóa trên địa bàn; nhất là tại những khu vực vừa xảy ra lũ quét, sạt lở đất nặng nề. Kịp thời kiểm soát giá cả; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá, lợi dụng thiên tai bão lũ để trục lợi. Bộ Y tế phối hợp các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường và nguồn nước; tuyệt đối không để bùng phát dịch bệnh sau lũ; bố trí đầy đủ lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men.
Bộ Công an chủ động kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn, vô hiệu hóa các hội nhóm trên không gian mạng núp bóng danh nghĩa “hỗ trợ, cứu trợ, tình nguyện” để tập hợp lực lượng, kích động gây rối trật tự an ninh…
Thục Trân
Bình luận (0)