Hội chứng thời kỳ mãn kinh (MK) (Climacteric syndrome) là tập hợp một số triệu chứng và biểu hiện đặc biệt, xuất hiện trong giai đoạn MK ở phụ nữ – do chức năng của buồng trứng suy thoái, hoạt động của tuyến yên cang tiến (trên mức bình thường), và hàm lượng hormone sinh dục nữ (estrogen) trong cơ thể hạ thấp gây nên.
Biểu hiện hội chứng MK
Hiện tượng MK, còn gọi là tắt kinh, hay là tuyệt kinh. Thường xảy ra trong giai đoạn khoảng từ 45-55 tuổi, có thể sớm hay muộn hơn, tùy thuộc vào đặc điểm thể chất và tình trạng sức khỏe. Một số phụ nữ mới khoảng 40 tuổi đã tắt kinh, đó là hiện tượng MK sớm, nhưng cũng có khá nhiều phụ nữ phải tới ngoài 55 mới bắt đầu tắt kinh, đó là trường hợp MK muộn. Còn thời kỳ MK được tính từ khi kinh nguyệt sắp tắt cho đến vài năm đầu, sau khi tắt kinh, thường kéo dài từ 3-5 năm. Đó là giai đoạn “quá độ”, khi người phụ nữ chuyển từ tuổi sinh sản sang tuổi già – không còn hành kinh và cũng hết khả năng sinh sản.
Trong giai đoạn này, thường xuất hiện những rối loạn về nội tiết, tim mạch, thần kinh, chuyển hóa… dẫn đến hàng loạt những chứng trạng như: bốc nóng (bốc hỏa), mặt bừng đỏ, người lúc nóng lúc lạnh, vã mồ hôi, ớn lạnh, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, dễ gắt gỏng, bồn chồn, lo hãi vô cớ, mất ngủ, tăng huyết áp, rối loạn kinh nguyệt, mất hứng thú trong quan hệ vợ chồng, són tiểu… gọi chung là hội chứng thời kỳ MK.
Tần suất xuất hiện, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trên, nói chung có quan hệ mật thiết tới tình trạng sức khỏe, đặc điểm thể chất và tâm lý, môi trường sống, cũng như tố chất văn hóa ở từng người. Tuy nhiên, không hiếm phụ nữ lại trải qua thời kỳ MK mà không thấy có triệu chứng gì khác thường.
Ảnh có tính minh họa (Ảnh: gettyimages.com)
|
Lý luận theo đông y
Hiện tượng MK ở phụ nữ đã được Đông y biết đến từ rất sớm. Trên 2000 năm trước, Nội kinh – bộ sách lý luận kinh điển của Đông y, đã đề cập tới quá trình biến đổi sinh lý và hiện tượng MK ở phụ nữ như sau: “…Con gái 7 tuổi thận khí bắt đầu thịnh, răng thay, tóc mọc dài; 14 tuổi (2×7=14), thiên quý phát dục thành thục, mạch nhâm thông suốt, mạch thái xung thịnh vượng, hàng tháng có kinh nguyệt… Tới 49 tuổi (7×7=49), mạch nhâm trống rỗng, mạch thái xung suy vi, thiên quý kiệt, kinh nguyệt tắt, hình thể lão hóa, hết khả năng sinh con…”. Đoạn văn trình bày một cách khái quát quá trình sinh trưởng, phát dục, thành thục và thoái hóa chức năng sinh sản ở nữ giới. Nhấn mạnh mối quan hệ giữa quá trình đó, với tạng thận, thiên quý và 2 mạch xung, nhâm.
Trong Đông y không có tên bệnh hội chứng thời kỳ MK, nhưng các chứng trạng của bệnh và cách chữa trị, đã được đề cập trong phạm vi của các chứng như: tuyệt kinh tiền hậu chư chứng, tâm quý, huyễn vận, tạng táo, uất chứng, nguyệt kinh quá đa… Theo Đông y, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hội chứng MK là do thận khí suy kiệt, chức năng của 2 mạch xung và nhâm (gắn liền với chức năng sinh sản ở nữ giới) đã suy thoái, khiến âm – dương mất cân bằng, khí huyết không điều hòa, chức năng tạng phủ kinh lạc bị rối loạn gây nên.
Điều trị theo đông y
Để dùng thuốc chữa trị, có thể căn cứ vào những biểu hiện cụ thể ở từng người mà chọn dùng những bài thuốc thích ứng, theo nguyên tắc biện chứng luận trị như sau:
Can uất đảm hư
Biểu hiện: tinh thần u uất, hay than thở khóc lóc, hồi hộp, trống ngực, hoảng hốt vô cớ, bồn chồn, đứng ngồi không yên, ngực sườn hoặc 2 bầu vú đau tức, kinh nguyệt rối loạn, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng, mạch huyền tế (căng, nhỏ).
Phép chữa: sơ can giải uất, an thần định chí.
Bài thuốc tiêu biểu: sơ can an thần thang.
Thành phần, cách dùng: sài hồ 9g, chỉ xác 9g, hương phụ 9g, bạch thược 9g, xuyên khung 9g, cam thảo (nướng) 9g, phục thần 15g, viễn chí 5g, xương bồ 6g, mẫu lệ 30g. Nấu với 1.200ml nước, sắc lấy 300ml, chia ra uống 3 lần trong ngày, cách xa bữa ăn. Riêng vị mẫu lệ cần sắc trước khoảng 20 phút, sau đó cho các vị thuốc còn lại vào cùng sắc. Gia giảm theo chứng: nếu thường hay bồn chồn, hoảng hốt thêm toan táo nhân 12g, để tăng cường tác dụng an thần định chí. Kinh nguyệt rối loạn nặng: thêm đương quy 9g, ích mẫu thảo 15g, thỏ ty tử 15g, để tăng cường dưỡng huyết điều kinh.
Thận suy can vượng
Biểu hiện: đau đầu, váng đầu, choáng váng, tai ù, lòng bàn chân bàn tay hâm hấp nóng, nóng bừng từng cơn, vã mồ hôi, người bồn chồn, trống ngực, dễ nổi giận, mất ngủ, kinh nguyệt rối loạn, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch huyền tế sác (nhỏ nhanh).
Phép chữa: tư âm ích thận, bình can tiềm dương.
Bài thuốc tiêu biểu: tư âm trấn kinh thang.
Thành phần, cách dùng: tri mẫu 9g, hoàng bá 9g, sinh địa 15g, sơn thù du 9g, đan bì 9g, trạch tả 12g, thiên ma 9g, câu đằng 15g, thạch quyết minh, trân chu mẫu 30g, tang ký sinh 12g, đỗ trọng 12g. Nấu với 1.200ml nước, sắc lấy 300ml, chia ra uống 3 lần trong ngày vào lúc đói bụng, thạch quyết minh sắc trước khoảng 20 phút, còn câu đằng thì cho vào sau (trước khi bắc thuốc ra khoảng 5 phút).
Gia giảm tùy theo chứng: nếu kinh huyết quá nhiều thêm thiên môn đông 15g, a giao 9g, để tăng cường tác dụng tư thận, chỉ huyết (cầm máu). Chu kỳ kinh nguyệt không ổn định: thêm đương quy 9g, thỏ ty tử 15g, để tăng cường bổ thận điều kinh. Bồn chồn, hồi hộp, mất ngủ: thêm hoàng liên 5g, nhục quế 2g, toan táo nhân 12g, mẫu lệ 30g (sắc trước) để tăng cường tác dụng dưỡng tâm an thần.
Tâm tỳ lưỡng hư
Biểu hiện: trống ngực, bồn chồn, mất ngủ, hoảng hốt vô cớ, hay quên, tư tưởng khó tập trung, tinh thần uể oải, người mệt mỏi, đuối sức, ăn không ngon miệng, tiêu hóa kém, hoặc kinh nguyệt kéo dài, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch tế nhược (nhỏ yếu).
Phép chữa: ích khí bổ huyết, dưỡng tâm an thần.
Bài thuốc tiêu biểu: quy tỳ thang gia giảm.
Thành phần, cách dùng: đẳng sâm 15g, hoàng kỳ 20g, bạch truật 12g, cam thảo (nướng) 6g, đương quy 9g, long nhãn 9g, toan táo nhân 12g, phục thần 12g, viễn chí 6g, mộc hương 6g. Nấu với 1.000ml nước, sắc lấy 300ml, chia ra uống 3 lần trong ngày vào lúc đói bụng.
Gia giảm tùy theo chứng: kinh nguyệt dai dẳng thêm tiên hạc thảo 15g, ô tặc cốt 15g, để tăng cường tác dụng điều kinh, chỉ huyết (cầm máu). Trống ngực, tim loạn nhịp: tăng cam thảo lên 9g, thêm quế chi 9g, sinh địa 12g, mạch đông 12g, để ôn thông tâm dương, tư dưỡng tâm âm.
Thận âm, thận dương đều hư
Biểu hiện: váng đầu, hoa mắt, tai ù, hay quên, lưng gối mỏi yếu hoặc đau nhức, chịu nóng và chịu lạnh đều kém, tắt kinh sớm, ham muốn tình dục suy giảm, chất lưỡi đỏ nhạt, rêu lưỡi mỏng, mạch trầm tế vô lực (chìm nhỏ yếu).
Phép chữa: ôn thận ích tinh, điều lý âm dương.
Bài thuốc tiêu biểu: nhị tiên thang gia vị.
Thành phần, cách dùng: tiên mao 9g, tiên linh tỳ 9g, ba kích thiên 9g, tri mẫu 9g, hoàng bá 9g, đương quy 9g, thỏ ty tử 15g, thục địa 15g, sơn dược 15g, sơn thù du 9g, câu kỷ tử 12g, tang ký sinh 15g. Nấu với 1.000ml nước, sắc lấy 300ml, chia ra uống 3 lần trong ngày vào lúc đói bụng.
Gia giảm theo chứng: tinh thần ủ rũ, đuối sức thêm hoàng kỳ 15g, đẳng sâm 12g, để tăng cường bổ tỳ ích khí. Chân tay lạnh, chịu rét kém: thêm nhục quế (tán bột) 2g, lộc giác giao 10g (cả 2 thứ hòa vào nước thuốc), để tăng cường tác dụng ôn thận thông dương. Người hoặc chân tay phù nề: thêm phục linh 15g, trư linh 15g, bạch truật 15g, quế chi 9g, để thông dương lợi thủy. Lưng gối đau mỏi nhiều: thêm bổ cốt chi 15g, ngưu tất 15g, để bổ thận tráng cốt thông lạc.
Lương y Huyên Thảo (Theo SK&ĐS)
Bình luận (0)