Nhà trường là môi trường khuôn mẫu cho hoạt động giao tiếp ngôn ngữ một cách chuẩn mực. Thế nhưng, nhìn vào thực tế ta vẫn thấy việc sử dụng tiếng Việt còn nhiều chỗ thiếu trong sáng, mà biểu hiện dễ thấy nhất là viết sai quy tắc chính tả tiếng Việt.
Hiện nay, không chỉ có học sinh và mà cả giáo viên cũng viết sai quy tắc chính tả tiếng Việt. Trong ảnh: Học sinh lớp 5 trong giờ học luyện từ và câu. Ảnh: N.Trinh |
Muôn vàn kiểu sai chính tả
Việc giáo viên và học sinh sử dụng tiếng Việt sai chính tả trong hoạt động giáo dục ở nhà trường hiện nay là hiện tượng rất phổ biến từ cấp tiểu học cho đến phổ thông, ĐH; từ bộ môn tự nhiên cho đến xã hội; hầu như ai cũng mắc lỗi, kể cả giáo viên dạy bộ môn ngữ văn. Hiện tượng này có nguy cơ ngày càng phổ biến hơn trong bối cảnh giáo viên áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy. Theo đó, giáo viên không phải tỉ mỉ ngồi soạn giáo án bằng viết tay, nên từ chữ viết cho đến lỗi chính tả ít được chú ý cân nhắc gọt giũa khi sử dụng. Còn học sinh thì ít viết bài hơn vì tài liệu có sẵn. Rồi việc ảnh hưởng không tốt từ ngôn ngữ của các trang mạng xã hội, hay việc thay đổi hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt và kỹ năng tạo lập văn bản của học sinh…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến biểu hiện viết sai chính tả, như thói quen viết sai từ nhỏ, lỗi do ảnh hưởng của phương ngữ, thiếu hiểu biết thấu đáo về từ, hoặc ý thức sử dụng tiếng Việt chưa cao… Trong đó sai nhiều nhất là lỗi dấu hỏi và ngã (rảnh trong rảnh rỗi, rãnh trong cống rãnh, trên các trang mạng xã hội, từ này nhiều người dùng sai; trễ học chứ không phải trể học); không phân biệt chữ c và t (buộc thôi học chứ không phải buột); tr và ch (chiêm ngưỡng bị sai thành triêm ngưởng, lỗi này nhiều học sinh sai); l và n (lẫy nỏ bị sai thành nẩy lõ)… Phổ biến nhất là cách dùng không phân biệt giữa i và y. Mặc dù đây là các nguyên âm có cách dùng chung cho nhiều trường hợp (như tỷ phú giống tỉ phú). Nhưng phải dùng phân biệt các từ “kỳ thi” và “kì cục”. Nhiều giáo viên có thói quen thêm dấu chấm (.) trên chữ I (I hoa không có dấu chấm, chỉ i thường mới có). Ví dụ, trên quốc lộ 20, hướng lên Đà Lạt, qua đoạn huyện Định Quán, thấy có bảng ghi sai to đùng “HƯỚNG ĐI NGỌC ĐỊNH” mà trên 2 chữ I có 2 dấu chấm. Một số con hẻm ở TP.HCM bị ghi sai thành “hẽm” do người viết không phân biệt từ “hẻm” có tính thông dụng toàn dân, còn “hẽm” là từ dùng có tính phương ngữ…
Đáng nói là rất ít học sinh khi thấy giáo viên viết sai có phản ứng để thầy cô khắc phục, vì đa phần các em thấy ngại nên không lên tiếng. Một số em vô tư dùng sai theo giáo viên, và lỗi sai ấy trở thành thói quen sau này.
Cách khắc phục
Có nhiều cách để khắc phục lỗi sai về chính tả. Ngoài việc phải có sự hiểu biết về kiến thức tiếng Việt, thì quan trọng nhất là phải có ý thức sử dụng để cho tiếng Việt được trong sáng. Nhất là khi thấy nghi ngờ từ nào đó viết chưa đúng chính tả thì phải truy cho đúng. Thường xuyên tra từ điển cũng là một cách khắc phục lỗi sai. Ngoài ra nên có một số mẹo để sử dụng đúng.
Theo TS. Ngôn ngữ học Nguyễn Thế Truyền (Giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tác giả của cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt), lỗi sai về chính tả là khá phổ biến đối với nhiều đối tượng người sử dụng hiện nay. Để hạn chế thực trạng này, giáo viên và học sinh cần nắm chắc một số quy tắc về chính tả tiếng Việt. Cụ thể là: Thứ nhất, quy tắc viết hoa, gồm cách viết tên riêng – ví dụ Trần Hưng Đạo; cách viết tên cơ quan, tổ chức kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội – ví dụ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cách viết tên tác phẩm, văn bản – ví dụ Lão Hạc; cách viết tên riêng nước ngoài – ví dụ Hoa Thịnh Đốn/ Washington… Thứ hai, cách viết tắt – ví dụ UBND (Ủy ban nhân dân), TBT (Tổng bí thư), Ttg (Thủ tướng), TS (tiến sĩ), ThS (thạc sĩ)… Thứ ba, quy tắc ghi thanh điệu: Thanh điệu được ghi phía trên về bên phải âm chính của tiếng (ví dụ chính tả), riêng thanh “nặng” ghi bên dưới âm chính (ví dụ địa ngục). Các trường hợp nguyên âm đôi: nếu sau nguyên âm đôi trong từ có âm cuối thì ghi thanh điệu vào nguyên âm đứng sau của âm đôi (ví dụ luống cuống, thuận tiện…), nếu sau âm đôi không có âm cuối mà đứng một mình thì ghi thanh điệu ở âm trước trong âm đôi (ví dụ lúa gạo, chan chứa…).
Dùng một số mẹo để chữa các lỗi thông thường về chính tả, như lỗi về dấu thanh, phổ biến nhất là lỗi về dấu hỏi và dấu ngã; lỗi về vần, như lẫn lộn giữa iu, iêu, ưu và ươu; lỗi về phụ âm đầu, như lẫn lộn giữa l và n, tr và ch; lỗi về từ láy, từ Hán Việt… Chẳng hạn dùng mẹo về dấu thanh trong từ láy: “Chị Huyền mang nặng ngã đau/ Hỏi không sắc thuốc lấy đâu mà lành”. Theo đó, các từ láy có thanh điệu huyền – nặng – ngã và hỏi – không/không có dấu thanh – sắc thường đi liền với nhau, ví dụ nũng nịu, lừng lẫy, ngớ ngẩn, sáng sủa (ngoại lệ vẻn vẹn, ngoan ngoãn, khe khẽ, bền bỉ…).
Dùng mẹo “Mình nên nhớ viết là dấu ngã” áp dụng cho từ Hán Việt. Theo mẹo này, khi gặp những từ Hán Việt có phụ âm đầu là m, n, nh, v, l, d, ng…mà phân vân không biết viết dấu hỏi hay ngã, thì nên nhớ bao giờ cũng viết dấu ngã. Ví dụ mỹ lệ, nỗ lực, nhãn quan, vãng lai, viễn thị, lữ khách, kiều diễm, ngưỡng mộ…
Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
Bình luận (0)