Tại cuộc làm việc với UBND H. Tân Phú với các sở ban ngành mới đây, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị chính quyền huyện tiếp tục sử dụng phà của Vườn quốc gia Cát Tiên để đưa người dân qua sông, không thu tiền kể cả vận chuyển hàng hóa, nông sản. Sau đó, phải đóng phà mới để trả phương tiện cho vườn quốc gia. Trước mắt, ông Vĩnh đề nghị UBND H. Tân Phú tiến hành đổ bê tông phần lên xuống bến thật vững chắc để mũi phà có thể vào sâu bờ đưa người dân thuận tiện lên xuống qua sông; đồng thời phải đảm bảo việc phục vụ người dân đi lại bằng phà an toàn, không được chở quá tải và phải trang bị áo phao đầy đủ.
Sau khi cầu treo bị sập, việc đi lại của người dân ấp 4 (xã Tà Lài) phụ thuộc vào phà – Ảnh: Trung Nguyên
“UBND tỉnh cũng sẽ báo cáo nhanh với Bộ GT-VT nhằm xin cơ chế xây cây cầu mới. Cầu này phải được đầu tư xây dựng bằng bê tông kiên cố thay cho cầu treo bị sập”, ông Vĩnh cho hay.
Không sợ bị ngã khi qua cầu
|
|
Về vấn đề sập cầu Tà Lài, lãnh đạo Sở GT-VT tỉnh Đồng Nai cho biết, gần đây đã nhắc nhở các địa phương rà soát lại hệ thống cầu ở các khu vực đã được xây dựng từ nhiều năm nhưng đến nay thì lại xảy ra sự cố.
|
|
|
Cầu treo Tà Lài được khánh thành, đưa vào sử dụng vào ngày 26.4.2005. Cầu treo được bắt qua sông Đồng Nai nối ấp 4 (xã Tà Lài) với trung tâm xã, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số Mạ và S’Tiêng. Cầu có chiều dài 164m, rộng 4m với kinh phí đầu tư trên 3,6 tỉ đồng. Sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng, cầu treo Tà Lài bắt đầu xuống cấp khi nhiều thanh sắt trên mặt cầu bị gãy. Ông Nguyễn Văn Thanh (ngụ ấp 4, xã Tà Lài) nói: “Nhiều đoạn bật lên tạo thành những kẽ hở rộng rất nguy hiểm. Các loại xe máy có thể chạy qua cầu nhưng việc đi bộ vô cùng khó khăn, nhiều người không khỏi rùng mình mỗi khi di chuyển qua cầu, nhất là các em học sinh”. Vào đầu năm 2016, cầu được duy tu, sửa chữa nhưng sử dụng chưa được bao lâu thì xảy ra sự cố sập cầu.
Trước sự cố sập cầu Tà Lài, người dân ở khu vực này tỏ ra khá lo lắng vì Tết Nguyên đán đang cận kề, việc vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn. “Nếu cầu mới vẫn chưa được xây dựng kịp, thì việc vận chuyển nông sản phải qua lại bằng phà hết sức bất tiện và vất vả”, ông Trần Hoàng Long (ngụ ấp 4, xã Tà Lài) tỏ ra lo lắng. Trong khi đó, trước thông tin, UBND tỉnh Đồng Nai đang xem xét xây cầu bằng bê tông, ông K’Nghĩa (ngụ ấp 4) nói: “Nếu cầu mới được xây bằng bê tông vững chắc thì bà con ở đây rất vui mừng. Vì việc đi lại sẽ dễ dàng, nhất là vào mùa mưa bão, không bị ngã khi gặp gió to như lâu nay qua lại cầu treo Tà Lài”.
Giữ an toàn khi qua phà
Sau khi xảy ra sự cố sập cầu treo Tà Lài, chính quyền địa phương bố trí 2 phà hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm. Các vật dụng nặng như xe cộ, máy cày, phương tiện sản xuất sẽ được một chiếc phà chuyên dụng của tư nhân được đưa vào hoạt động chuyên chở. Lực lượng dân quân tự vệ của xã cũng được tăng cường, trực tiếp có mặt tại phà để hỗ trợ người dân vận chuyển nông sản, hàng hóa, cũng như phương tiện lên xuống bến được an toàn.
Chủ tịch UBND xã Tà Lài Phan Phú Khánh cho biết: “Sau khi địa phương huy động 2 phà lớn của Vườn quốc gia Cát Tiên và ca nô để giúp người dân có thể qua lại, thì đến nay việc giao thương cũng đã bình thường. Hai bên đầu cầu, chúng tôi đã cử người canh gác, kiên quyết không để xảy ra tình trạng người dân muốn sang phà mà phải chờ lâu dù bất kể thời gian nào”.
Như Thanh Niên đã phản ánh, vào khoảng 14 giờ ngày 15.11 cầu treo Tà Lài bị sập khiến 4 người gồm: ông Bùi Văn Phàn (76 tuổi), ông Nguyễn Khắc (56 tuổi), bà Phạm Thị Mến (38 tuổi) và bà Nguyễn Thị Liên (32 tuổi) bị rơi xuống sông. Cùng thời điểm anh Huỳnh Văn Tuấn, đang ngồi trong chòi cá (cách cầu treo khoảng 200m) nghe tiếng tiếng động lớn nên chạy ra xem thì thấy cầu đã sập. Lúc này, anh Tuấn bơi ra cứu được 2 người phụ nữ lên bờ an toàn. Còn 2 người đàn ông tự bơi được vào bờ. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến vụ sập cầu là do 1 dây cáp trong hệ thống cáp treo bị tuột dẫn đến sập toàn bộ cầu.
|
Gia Khánh (TNO)
Bình luận (0)