Điều quan trọng nhất trong quá trình khắc phục tính nhút nhát của trẻ là giúp bé phát triển các kỹ năng. Khuyến khích trẻ rèn luyện một thú vui nào đó mà trẻ thích cũng là cách để trẻ học cách làm quen, tương tác với người khác.
Theo chuyên gia tâm lý Minh Nhật, “cha mẹ chính là người thầy, người bạn đầu tiên của con mình. Hơn ai hết, chính cha mẹ phải động viên, khích lệ để trẻ tự nhiên. Nếu cha mẹ cứ dùng những lời lẽ trách móc, chê bai sẽ chỉ làm trẻ thêm buồn, tự ti hơn”.
Chị Kim Hoa (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) kể lại: “Bé nhà tôi đã 6 tuổi nhưng mỗi lần dẫn bé đi siêu thị hay đi chơi công viên là bé nhất định đòi bế. Nếu tôi đặt xuống thì bé khóc nức nở”. Trong thực tế, rất nhiều phụ huynh rơi vào hoàn cảnh như chị Hoa thường hay lấy những hình ảnh hung dữ như ma quỷ, “ông kẹ” ra để dọa con, mục đích muốn con sợ mà làm theo ý mình. “Việc dọa này sẽ dễ làm trẻ bị tổn thương. Nhiều trẻ còn bị ám ảnh trong cả giấc ngủ vì ban ngày hay nghĩ đến những hình ảnh đáng sợ này. Thay vì hù dọa, phụ huynh hãy nhẹ nhàng khuyến khích trẻ. Khi được động viên, trẻ sẽ tìm thấy niềm vui, tự nâng cao kỹ năng của bản thân. Việc khen ngợi trẻ khi trẻ đạt được tiến bộ cũng là một điều cần thiết để trẻ được khích lệ, tinh thần trẻ sẽ thoải mái hơn rất nhiều”, chuyên gia tâm lý Minh Nhật chia sẻ.
Việc khắc phục tính nhút nhát ở trẻ đòi hỏi phụ huynh phải nhẹ nhàng và dành nhiều thời gian quan tâm đến trẻ. Ảnh: M.H |
Có rất nhiều trẻ khi lần đầu tiên gặp người lạ, các em thường có thái độ e dè hoặc có những phản ứng như nói trống không, bỏ chạy, không chịu chào hỏi… Trong những tình huống như vậy, nhiều phụ huynh thường hay la mắng, trách phạt trẻ. Việc la mắng, ép buộc trẻ có thể sẽ gây tác dụng ngược khiến lần sau trẻ lầm lì hơn. “Thay vì ép buộc, cha mẹ hãy làm tấm gương trước để trẻ học theo, dành nhiều thời gian hơn cho trẻ. Khi gặp người lớn, phụ huynh phải dạy trẻ cách khoanh tay, chào hỏi lễ phép. Khi ở đám đông, trẻ có thể chậm hơn khi thực hiện các hành động. Do đó, không nên hối thúc mà hãy nhẹ nhàng bảo trẻ để trẻ nghe lời. Không chỉ cho trẻ chơi ở nhà mà phải dẫn trẻ đến công viên, siêu thị, cho trẻ tập làm quen với những nơi đông người để giúp trẻ mạnh dạn hơn”, chuyên gia tâm lý Minh Nhật cho biết.
“Việc khắc phục tính nhút nhát ở trẻ đòi hỏi phụ huynh phải nhẹ nhàng và dành nhiều thời gian quan tâm đến trẻ. Hãy giúp trẻ tự tin với những gì mình làm. Điều này sẽ giúp trẻ bớt ngại ngùng, nhút nhát. Cho dù đó là việc nhỏ như múa hát, chơi ô tô… hãy để trẻ làm những điều trẻ thích để các em có thể tự phát triển kỹ năng của mình”, chuyên gia tâm lý Minh Nhật nhấn mạnh.
Yên Hà
Bình luận (0)