Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khách du lịch quay trở lại Cần Thơ còn thấp

Tạp Chí Giáo Dục

Chợ nổi Cái Răng

Ngày 9-6, Trường CĐ Cần Thơ đã tổ chức Hội thảo khoa học “Cần Thơ – Điểm đến du lịch ĐBSCL”.

Tại đây, PGS.TS Lưu Thanh Đức Hải, Trưởng khoa Kinh tế, ĐH Cần Thơ, cho biết: Lượng du khách trong và ngoài nước quay trở lại Cần Thơ rất thấp. Những người quay lại chủ yếu là kết hợp du lịch với công tác, học tập và thăm người thân. Điều này chứng tỏ Cần Thơ chưa đủ sức hút…

Hạn chế chung và lớn nhất của du lịch ĐBSCL nói chung, Cần Thơ nói riêng là sản phẩm du lịch trùng lặp, tương đồng vì có cùng điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý – đặc trưng sông nước với hệ thống kênh rạch chằng chịt. Sự tương đồng về sản phẩm du lịch rất dễ làm du khách nhàm chán. Ông Đào Hồng Quân, Giám đốc Công ty du lịch Đất Nước Việt, tâm tư: “Một tour du lịch của Cần Thơ thường là tham quan chợ nổi Cái Răng, đến vườn sinh thái. Kết thúc tour là thăm những ngôi nhà cổ. Các dịch vụ trải nghiệm thì nghèo nàn, chủ yếu tát đìa bắt cá, làm bánh xèo, bánh in. Trải nghiệm mang tính đơn giản và chưa bố trí được không gian rộng để du khách có thể cắm trại ngủ qua đêm. Những dịch vụ trải nghiệm này các tỉnh nào của ĐBSCL cũng có. Do vậy nhiều du khách nhận xét, đến một tỉnh, thành của ĐBSCL là biết được cả khu vực”.

Nhiều đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế của du lịch Cần Thơ. Cụ thể, dù là vùng sông nước nhưng Cần Thơ còn yếu trong các tour du lịch bằng tàu qua nhiều tỉnh; một số điểm du lịch còn hạn chế về cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn nhỏ hẹp, thiếu các dịch vụ cần thiết (như y tế, nhà nghỉ tại khu du lịch; chưa có nhà vệ sinh công cộng, ngân hàng, thu đổi ngoại tệ, internet)…

Từ những hạn chế này, nhiều đại biểu cho rằng để có bước đột phá Cần Thơ phải nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nội tại; tạo liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng với TP.HCM và các tỉnh, thành trong cả nước để đa dạng hóa sản phẩm. Theo đó, đẩy mạnh du lịch đường thủy, trước tiên là liên kết những nơi có hệ thống chợ nổi để nối chợ Cái Răng với các chợ nổi khác như chợ Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), chợ Ngã Bảy Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), chợ nổi Long Xuyên, chợ nổi Châu Đốc (tỉnh An Giang)…

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Phúc, Học viện Chính trị khu vực IV, phân tích: “Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, lượng cán bộ công chức, viên chức đến công tác, học tập ngày càng tăng. Du lịch Cần Thơ cần phát triển loại hình MICE và xem là sản phẩm đặc thù để phát triển dài hạn. Loại hình này còn giúp thành phố tăng khả năng liên kết về du lịch với các tỉnh trong vùng và tạo sự thuận tiện cho du khách. Nghĩa là Cần Thơ phải định hướng trở thành điểm dừng chân thân thiện, hiện đại, hấp dẫn đối với du khách”.

Song song đó, cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực. Các cơ sở đào tạo cần trang bị cho người học những kỹ năng có tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, trong đó chú trọng đào tạo ngoại ngữ…

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)