Tòa soạnThư đi – tin lại

Khách khổ sở vì nhà ga tung chiêu

Tạp Chí Giáo Dục

Rất đông người dân mua vé tàu trước Tết Giáp Ngọ. Ảnh: I.T
Đối với các “thượng đế” của vận tải đường sắt Việt Nam (ĐSVN), những điều không hài lòng về các chuyến tàu nối hai miền đất nước là “chuyện dài nhiều tập”. Và 2014 là năm ĐSVN phải đương đầu với những khó khăn lớn nhất từ trước tới nay, nguyên nhân bắt nguồn từ chính câu chuyện đối xử tệ với hành khách…
Dư luận từ lâu đã râm ran chuyện hầu hết vé tàu Tết bị “hô biến” thành vé chợ đen thông qua các đại lý và qua “cò”. Đi đến đâu cũng nghe người dân truyền miệng nhau rằng nếu không có người thân làm việc trong các nhà ga thì sẽ rất khó mua vé tàu Tết khi không chấp nhận “giao dịch” với “cò” hoặc đại lý. Thoạt nghe thì thấy phi lý ở chỗ, bán vé qua đại lý là phương pháp hợp lệ, hợp lý và hợp lòng người, tuy tốn thêm chút tiền hoa hồng nhưng nhanh gọn, không mất nhiều thời gian và phải vật vã ở các nhà ga để chờ đợi mỏi mòn cho nên chẳng thể xếp chung vào phương thức bán vé chợ đen. Thế nhưng đối với những hành khách buộc phải lên tàu bằng vé đại lý những ngày cao điểm trong các dịp Tết, đặc biệt là Tết Giáp Ngọ 2014 lộ trình từ TP.HCM ra các tỉnh phía Bắc thì hoàn toàn không đúng như vậy.
Vờ làm nghiêm để tha hồ tuồn vé cho “cò”
Theo qui định mới thì trong thời gian vận chuyển hành khách dịp Tết, vé đi tàu của khách từ Ga Nha Trang trở ra phải có tên và ba số cuối CMND, nếu không trùng khớp giữa vé và CMND sẽ không được lên tàu, nhưng hầu hết những ai mua vé qua “cò” và đại lý đều vi phạm qui định này. Con số hàng ngàn người phải chen lấn xô đẩy nhau để “hợp thức hóa” vé không hợp lệ tại Ga Sài Gòn dịp cận Tết Giáp Ngọ 2014 đã khẳng định thực tế không thể chối cãi này. Công đoạn “hợp thức hóa” đối với các vé không hợp lệ thực ra chỉ đơn giản là nhân viên nhà ga yêu cầu khách xuất trình vé và CMND rồi ghi tên khách cùng 3 số cuối CMND của họ vào phía sau vé và đóng dấu, ký tên. Như vậy, đây chẳng qua chỉ là động tác thừa, ngoài việc trấn an hành khách thì không đem lại hiệu quả nào khác để giúp siết chặt khâu quản lý vé. Tuy là động tác thừa nhưng lại “hành” khách phải khổ sở, lo lắng.
Bên cạnh đó là hoạt động rầm rộ, công khai của các “cò” vé. Có thể nói, “cò” vé tàu được xếp vào loại “chảnh” nhất so với tất cả các loại “cò”, ít khi cho mặc cả mà tha hồ chặt chém vì “con mồi” hiếm có cơ hội lựa chọn trong tình trạng quá khó để mua được tấm vé về quê ăn Tết. Lãnh đạo Ga Sài Gòn cũng thừa nhận rằng rất khó dẹp bỏ triệt để tệ nạn này. Cứ đến hẹn lại lên, trong những ngày giáp Tết, “cò” hoạt động công khai, ngang nhiên ngay tại cổng ga và cả trong sân ga. “Nếu công an mặc thường phục đi một vòng thì có thể nhận mặt và bắt được hàng tá “cò”.
“Ngày 21-1-2014, khi nghe thông tin những ai mua phải vé không hợp lệ thì không được lên tàu, tôi đã chạy ra ga ngay nhưng đâu có đổi được vé. Tôi đành phải mua ngay vé ghế phụ để thay thế, mất trắng 1.271.000 đồng tiền vé cộng với 250.000 đồng tiền công cho “cò”. Mà đâu phải mình tôi, hôm đó nhiều người vì sợ lỡ việc và bực tức nên đã xé bỏ vé không hợp lệ, mua vé mới ngay. Vài ngày sau, khi biết do nhiều người gây áp lực nên Ga Sài Gòn buộc phải “hợp thức hóa” vé không hợp lệ, chúng tôi tiếc muốn đứt ruột. Nhà ga làm ăn kiểu này thì chết tụi tôi rồi” – chị Lê Thị Chung (quận 3, TP.HCM) tỏ ra vô cùng bức xúc. Còn bà Nguyễn Thị Thanh (TP.Bắc Ninh) thì hụt hẫng vì không mua được vé dù đã đến ga ngay sau khi có thông báo bán vé tàu Tết chỉ một ngày. “Chắc chắn là nhân viên tuồn vé ra ngoài chứ làm gì mà bán nhanh được như vậy. Nhiều người lên mạng hoài nhưng cũng có ai mua được đâu, nhà ga nói bán hết rồi ai mà tin…”, bà Thanh nói trong bực bội.
Hô ế vé để thoải mái nhồi nhét khách

Không tìm được chỗ trong toa, người cha này phải đưa con nhỏ ra “tá túc” tại khu vực có biển cấm đứng giữa toa số 9 và số 10 tàu TN18. Ảnh: H.Lài
Hòa trong hành khách về quê ăn Tết, chúng tôi lên tàu TN18 lộ trình Sài Gòn – Hà Nội. Tàu xuất phát lúc 13 giờ 15 ngày 24-1-2014 (tức ngày 24 tháng chạp 2013).  Toa số 9 vắng hoe, ghế trống chiếm hơn phân nửa, nhưng đến Ga Biên Hòa thì tình hình thay đổi hẳn. Khách ào lên tàu như ong vỡ tổ. Không còn một ghế trống, lối đi cũng chật cứng người ngồi. Nhiều người phải “tá túc” ở khoảng nối giữa hai toa tàu, ngay cạnh lối lên xuống.
Anh Nguyễn Văn Nam (thị trấn Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa) mua cho em trai (tên là Nguyễn Mong Đợi) một ghế chính để con trai (gần 7 tuổi) ngồi “ké” còn bản thân anh thì đi vé “chui”, làm giá trước với nhân viên toa nhưng chừng nào sắp xuống Ga Thanh Hóa mới phải trả tiền. “Không có vé, làm sao anh ra được cổng ga, nhân viên họ soát vé kỹ lắm?”. “Thì nó (nhân viên toa tàu) đưa vé cho tôi hoặc sẽ có người dắt tôi ra ga”. “Vậy là nhân viên trên tàu “ăn rơ” với nhân viên nhà ga à?”. “Không chỉ với nhân viên nhà ga mà cả thanh tra, trưởng tàu và nhiều bộ phận khác nữa. Nếu không thì làm sao toa tàu chật cứng như vậy. Cô không thấy buồng nhân viên cũng chật ních người à?”. Quả đúng như lời anh Nam, buồng nhân viên của toa số 9 có tới 2 người nằm chen chúc ở “tầng trệt” và một người ở “lầu 1”. Theo những người này (đều quê ở Nông Cống, Thanh Hóa), họ sẽ phải trả cho nhân viên 6 triệu đồng trước khi xuống Ga Thanh Hóa.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong số hàng trăm hành khách của toa số 9, số người mua được vé tại Ga Sài Gòn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết những người còn lại đều phải chịu chi mức hoa hồng ít nhất là 200 ngàn đồng/vé trở lên cho đại lý hoặc cho “cò”. Trong số này, “đau khổ” nhất là ông Đặng Văn Sử (quê Quảng Bình) ngồi ở ghế số 65. Tuy xuống ở Ga Đồng Hới nhưng ông Sử phải mua vé Sài Gòn – Hà Nội vì nhân viên nhà ga cho biết không còn vé cự ly ngắn, và trong khi giá vé gốc là 1.271.000 đồng thì ông Sử phải chi cho đại lý 1.700.000 đồng. “Mất thêm mấy trăm ngàn nhưng nếu được phục vụ đàng hoàng một chút cũng chẳng tính làm gì. Đằng này họ xem thường hành khách quá chừng. Cô nghĩ xem tôi thân già mà ngồi cũng chẳng yên vì mấy người mua vé ghế phụ leo lên “ké” suốt để tránh người qua kẻ lại, chẳng lẽ mình không nhường. Toa này còn đỡ, cô sang thử toa số 7, số 8 mà xem, đông còn hơn cái chợ, buồng nhân viên toàn chứa hành khách, nhân viên không có chỗ nghỉ đàng hoàng thì chất lượng phục vụ chẳng ra gì là đương nhiên. Nhà ga nói còn ế cả ngàn vé, chẳng qua là ế ảo thôi. Nói thật chứ cái “anh” xe lửa này là sướng nhất, nhồi khách thoải mái mà chẳng thấy ai xử lý, mấy “anh” xe khách hay máy bay đâu có được như vậy, chỉ cần chở quá một người là bị phạt nặng ngay” – ông Sử tỏ ra vô cùng bức xúc.
Buồn bực, thất vọng là tâm trạng chung của đa số hành khách toa số 9 trong lộ trình “xe lửa hành” về quê ăn Tết. Anh Trần Quang Văn (một trong 3 hành khách mua chỗ ở buồng nhân viên toa số 9 tỏ rõ sự mệt mỏi, uể oải do thiếu ngủ: “Cô xem, nhà tàu bán đĩa cơm 35.000 đồng mà loe ngoe vài cọng rau với chút thịt, con nít còn không đủ no chứ đừng nói chi người lớn. Tụi tôi chấp nhận tốn thêm tiền mua buồng nhân viên để được nằm thẳng cái lưng, ai dè cũng bị hành xác như thường, tối qua, cả trăm người lấy nước để ăn mì tôm cứ xì xụp ở cái máy nước nóng ngay bên cạnh, tôi đâu có chợp mắt nổi. Đi đứng kiểu này mà không đổ bệnh mới lạ, nếu không vì an toàn tính mạng thì tôi đã bái bai “anh” xe lửa này từ lâu rồi”.
Hầu như mọi hành khách chúng tôi tiếp xúc đều cho “điểm liệt” đối với chất lượng, cung cách phục vụ của ĐSVN hiện nay. Tuy nhiên, mọi người đều cho rằng nếu có “ý kiến ý cò” thì cũng chẳng thay đổi được điều gì, vì “chảnh” đã trở thành căn bệnh mãn tính của ĐSVN, và trên thực tế, căn bệnh này vẫn có rất nhiều cơ hội để tồn tại lâu dài. Bằng chứng là tình trạng ế vé ảo, đặc biệt là trong dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua. Người dân vẫn chưa thực sự quay lưng đối với loại hình vận tải này, và ĐSVN vẫn khỏe re khi hoạt động dưới sự đầu tư khổng lồ từ kinh phí Nhà nước. Thế nhưng, nếu không nhanh chóng điều chỉnh để nâng cao hiệu quả hoạt động và uy tín thì tương lai rất gần “đại gia chảnh” này sẽ phải đối mặt với tình trạng ế vé thật và mất dần sự sống…
Hương Lài
Cận Tết Giáp Ngọ, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, Ga Sài Gòn công bố bị ế hàng ngàn vé tàu Tết. Tuy nhiên, tình trạng nhồi nhét khách vẫn diễn ra trên tàu. Chắc chắn nguồn doanh thu không thể sụt giảm, chỉ có điều phần lớn doanh thu đó trôi tuột vào túi của những cá nhân vụ lợi thay vì quay lại phục vụ hoạt động đường sắt. Khe hở quản lý này đã đẩy ĐSVN tới bờ vực “phá sản” về chất lượng phục vụ và uy tín, từ đó đe dọa nghiêm trọng sự sinh tồn, phát triển của hệ thống vận tải xương sống đối với đất nước…
 

Bình luận (0)