Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Khách mua chung cư đồng loạt kêu cứu

Tạp Chí Giáo Dục

Tranh chấp diện tích chung, bất bình về các khoản phí, thiếu chỗ gửi xe, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy… là những nguyên nhân khiến khách hàng mua chung cư liên tục kiện chủ đầu tư trong thời gian gần đây.

Nóng bỏng nhất là cuộc chiến giữa khách hàng và chủ đầu tư để giành lại lối đi, mặt tiền, tầng hầm, trệt, lửng trong chung cư cao cấp. Hàng chục hộ dân Botanic (quận Phú Nhuận, TP HCM) gửi đơn kiện Công ty Phú Hưng Gia sau hơn một năm dọn về đây sinh sống.

Người dân khiếu nại chủ đầu tư đang chiếm dụng diện tích chung của tòa nhà bằng cách đột ngột thêm một điều khoản vào hợp đồng mua bán để hợp thức hóa quyền sở hữu tầng hầm, trệt, lửng. Nội bộ Ban quản trị chung cư Botanic chẳng ai đại diện dân đứng ra đấu tranh việc này.

Sự kiện Botanic còn chưa ngã ngũ thì người dân chung cư Screc Tower (phường 12, quận 3, TP HCM) lại “tố” Công ty xây dựng và kinh doanh nhà Sài Gòn sử dụng tài sản chung sai mục đích. Theo khiếu nại của dân cư, chủ đầu tư đã biến vườn trẻ trong tòa nhà thành văn phòng làm việc của một ngân hàng; phòng sinh hoạt cộng đồng, sân chơi đáng lý ra phục vụ quyền lợi chung của cư dân trong tòa nhà cũng bị chủ đầu tư kinh doanh, bỏ túi riêng.

Hiện nay, hầu như chủ đầu tư nào cũng cho rằng, phần diện tích ngoài căn hộ thuộc quyền sở hữu riêng của họ. Cách tính lấy diện tích còn lại của tòa nhà sau khi khấu trừ số căn hộ đã bán là tài sản chung và tự doanh bỏ túi riêng đang khá phổ biến tại nhiều chung cư ở Sài Gòn. Thậm chí sau khi bán nhà xong, doanh nghiệp không ngần ngại thông báo với khách hàng nếu không thuận thì cứ kiện ra tòa hoặc trả nhà lại.

Trong khi đó, khách hàng cho rằng họ đã bị lừa. “Nếu lúc đầu bán căn hộ chung cư không có tầng hầm để xe và tiền sảnh ra vào, thiếu siêu thị, vườn trẻ và các tiện ích phục vụ bên trong thì đừng hòng bẫy được dân mua nhà”, một khách hàng mua căn hộ Botanic nói.

Khách hàng mua chung cư Botanic triệu tập cuộc họp bất thường vì mâu thuẫn tranh chấp tài sản chung và phí quản lý đột ngột tăng cao. Ảnh: Vũ Lê.

Hàng trăm người dân chung cư Phú Lợi (phường 7, quận 8, TP HCM) đang phải chịu trận vì chất lượng dịch vụ tại đây không đúng như hứa hẹn. Hoạt động được gần 2 năm, chung cư Phú Lợi vẫn chưa có hệ thống phòng cháy chữa cháy cho tòa nhà theo đúng quy định. Tương tự, hệ thống bảo vệ chống sét chỉ được chủ đầu tư hứa mà không thi công. Các tuyến đường nội bộ trong khu vực này cũng còn dở dang.

Dân chung cư Phú Lợi còn bức xúc vì hằng tháng phải đóng khoản phí bảo trì cố định nhưng khi nhà hư hỏng thì không ai sửa chữa, dân phải tự bỏ tiền túi tu bổ. Thậm chí, 2 nhà để xe cũng bị chủ đầu tư dồn lại làm một, gây ùn ứ, thiếu chỗ gửi, bà con phải để xe tràn cả ra lề đường.

Lãnh đạo Công ty Hai Thành cho hay, vì đang gặp khó khăn trong việc tìm đối tác cung cấp dịch vụ nên tòa nhà chưa được vận hành tốt như mong đợi. Chủ đầu tư hứa hẹn cuối tháng 10 sẽ cải thiện tình hình an ninh, dịch vụ, quản lý. Tuy nhiên, Công ty Hai Thành lại không đề cập gì đến những vấn đề dân khiếu nại, kể cả việc bức thiết nhất là điện kế, bảo trì tòa nhà, phòng cháy chữa cháy và thiết bị chống sét để đảm bảo an toàn cho cư dân.

Quá bức xúc trước cách hành xử của chủ đầu tư một số khu chung cư tại TP HCM hiện nay, khách hàng đi từ mức độ đề nghị, kêu cứu đến gửi đơn kiện và nặng nhất là tố cáo chủ đầu tư để đòi quyền lợi. Tuy nhiên, cách hành xử của doanh nghiệp thường là đùn đẩy cho ban quản trị hoặc chấp nhận ra tòa.

Trao đổi với VnExpress.net, Trưởng phòng nghiên cứu phát triển đô thị Viện Kinh tế TP HCM Dư Phước Tân nhận xét: “Văn hóa chung cư còn xa lạ với chủ đầu tư và cả người dân. Vì vậy những tình huống khó xử mà căng nhất là dắt nhau ra tòa thường khiến đôi bên đi vào bế tắc“.

Theo ông Tân, lỗ hổng lớn nhất trong quá trình vận hành các tòa chung cư hiện nay là chưa phát huy tối đa vai trò của ban quản trị. Đội ngũ này lẽ ra phải đấu tranh đến cùng cho quyền lợi của cư dân, điều tiết thu chi, tính các khoản phí, kể cả trường hợp phải ra tòa tranh chấp với chủ đầu tư.

Về tài sản chung, ông Tân cho rằng, doanh nghiệp xem xét lại cách phân chia diện tích chung trong hợp đồng đã đúng với pháp luật hiện hành hay chưa. Từ đó chủ đầu tư phải công khai việc quản lý tài sản chung và bàn giao lại cho ban quản trị để họ tự quyết. Để đảm bảo công bằng, chủ đầu tư nên chia đều tài sản chung cho các hộ theo tỷ lệ tương ứng với diện tích riêng mà họ sở hữu và cấp giấy chứng nhận tài sản chung kèm theo hợp đồng cho khách hàng. Đây là cách được nhiều nước lân cận như Singapore, Malaysia từng làm.

Các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản dự báo, trong một vài năm nữa, nhà chung cư sẽ chiếm thế thượng phong và trở thành yếu tố chủ đạo trong không gian đô thị tại Sài Gòn. Vì vậy, cần quan tâm hơn nữa đến các luật định và chế tài nghiêm ngặt về quy chế quản lý, sử dụng chung cư nhằm để bảo vệ người mua nhà.

“Những xung đột, tranh chấp quanh việc mua và sử dụng căn hộ nếu không được phân giải thỏa đáng có thể trở thành rào cản kéo lùi sức tiêu thụ và sự tăng trưởng của thị phần này trong tương lai”, một chuyên gia bất động sản nhận định.

Vũ Lê (Theo VNE)

Bình luận (0)