Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Khách quốc tế bay thẳng đến Cam Ranh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Theo kế hoạch, ngày 12-12 UBND tỉnh Khánh Hòa và Tổng công ty Cảng hàng không miền Trung sẽ khánh thành nhà ga mới và khai trương hoạt động cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Trở thành sân bay quốc tế, sân bay Cam Ranh mở ra cơ hội đặc biệt cho du lịch vùng Nam Trung bộ.
Từ ngày 12-12, sân bay Cam Ranh trở thành sân bay quốc tế – Ảnh: Thái Bình
Nhà ga mới của sân bay Cam Ranh với vốn đầu tư hơn 200 tỉ đồng sắp được khánh thành sẽ nâng công suất phục vụ gấp nhiều lần so với hiện nay (lúc cao điểm có thể thông qua 800 khách/giờ, trong đó ga quốc nội 600 khách/giờ và ga quốc tế 200 khách/giờ).
Cảng hàng không Cam Ranh có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nước. Theo tài liệu của Tổng công ty Cảng hàng không miền Trung, số lượt khách thông qua nhà ga Cảng hàng không Cam Ranh từ 500.000 lượt năm 2007 dự kiến tăng lên khoảng 700.000 lượt trong năm 2009, vượt qua Cảng hàng không Phú Bài (Huế) và chỉ đứng sau Đà Nẵng, Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Dự kiến đến năm 2010 sẽ có 1 triệu lượt khách qua sân bay Cam Ranh.
Ở thời điểm hiện tại, mỗi ngày có khoảng 1.800 lượt khách và 15 tấn hàng hóa thông qua sân bay Cam Ranh.

Chuẩn bị khai trương cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, mấy tháng qua lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và Tổng công ty Cảng hàng không miền Trung đã có nhiều cuộc tiếp xúc với các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành để tổ chức chuyến bay quốc tế đầu tiên và mở các tuyến bay thường xuyên sau đó.

Ông Nguyễn Quang Thắng, giám đốc Trung tâm dịch vụ du lịch Tictour, cho biết chuyến bay quốc tế đầu tiên từ Singapore của Silk Airlines (công ty con của Singapore Airlines) sẽ hạ cánh xuống Cam Ranh ngày 12-12.
Ngoài ra, ông Lê Văn Nghĩa, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH du lịch quốc tế Nhật Minh (doanh nghiệp đại diện ba hãng hàng không của Liên bang Nga là S7 Airlines, Vladivostok Avia và Transaero Airlines), cho biết chắc chắn sẽ mở ít nhất một đường bay từ Nga đến Cam Ranh trong khoảng tháng 2-2010.
Lượng du khách từ khu vực Cộng đồng các quốc gia độc lập SNG, đặc biệt là Nga, đến du lịch tại Nha Trang rất lớn, mấy năm qua số lượng năm sau tăng gần gấp đôi so với năm trước. Đến VN khách chọn Mũi Né, Nha Trang và Phú Quốc. Theo ông Huỳnh Khánh, phó giám đốc Công ty du lịch Phương Đông, với đường bay quốc tế đến Cam Ranh, du khách chỉ mất khoảng 35 phút đi taxi là đến Nha Trang, muốn vào Mũi Né cũng thuận tiện hơn so với từ TP.HCM ra. “Điều này làm giá tour mềm hơn do giảm một số chi phí” – ông Khánh cho biết.
Theo một số chuyên gia du lịch, việc mở các đường bay quốc tế chỉ là một trong các yếu tố tạo nên thành công của một điểm đến. Vì vậy, tại cuộc họp mới đây do UBND tỉnh tổ chức, hầu hết các doanh nghiệp như Công ty du lịch Khánh Hòa, Vinpearl Resort & Spa, các khách sạn Novotel Nha Trang, Yasaka Saigon – Nha Trang… đều cam kết giảm giá lưu trú 50-100% cho du khách đi trên các chuyến bay quốc tế đầu tiên đến cảng hàng không quốc tế Cam Ranh…
Một chuyên gia du lịch nói: “Chỉ giảm giá dịch vụ lưu trú không thôi chưa đủ sức níu chân du khách. Chính quyền của các điểm đến du lịch cần xây dựng một chiến lược dài hơi để đón nhận cơ hội vàng này”. Theo chuyên gia này, chính quyền cần hỗ trợ và dành nhiều ưu đãi cho các hãng hàng không để duy trì các chuyến bay quốc tế, song song đó cần phối hợp với các doanh nghiệp để nâng chất, giảm giá các dịch vụ, kêu gọi người dân cùng hành động góp tay xây dựng môi trường du lịch”.
* Nằm cách TP Nha Trang (Khánh Hòa) khoảng 35km về phía nam, sân bay Cam Ranh có diện tích 750ha, rộng hơn cả sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Với kích thước đường băng 3.048m x 45m, sân bay Cam Ranh là một trong các sân bay có đường băng rộng, dài nhất VN và đủ khả năng tiếp nhận các loại máy bay hiện đại cỡ lớn. Mặc dù vậy, sân bay này mới được đưa vào khai thác thương mại từ năm 2004. Trước thời điểm đó chỉ được sử dụng vào mục đích quân sự.
* Theo quy hoạch cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, sân bay Cam Ranh được khai thác cho cả hai mục đích quân sự và dân dụng. Ngoài đường băng đủ sức tiếp nhận các loại máy bay cỡ lớn (như A-321, A300-600, B-767, B-777…), đến năm 2020 sẽ xây thêm đường băng thứ hai, đầu tư hạ tầng cơ sở và trang thiết bị hiện đại để có thể tiếp nhận 5,5 triệu khách/năm và 100.000 tấn hàng hóa/năm. Tổng vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 10.000 tỉ đồng, đủ năng lực tiếp nhận 8 triệu khách/năm và 200.000 tấn hàng hóa/năm.
THÁI BÌNH/TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)