Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Khách sạn: lao động phổ thông cũng khó tìm

Tạp Chí Giáo Dục

Thị trường lao động cho ngành khách sạn đang rất “nóng” với hàng loạt đợt tuyển dụng rầm rộ. Doanh nghiệp hiện không chỉ đau đầu tìm nguồn nhân lực quản lý cấp trung, cao cấp mà còn phải lo tìm lực lượng lao động phổ thông và giữ người để không bị nơi khác lấy mất.

Đến tuổi hưu vẫn chưa được nghỉ

Nửa năm trước, kế hoạch nghỉ hưu lần hai của ông N., tổng giám đốc một khách sạn 4 sao ở Khánh Hòa, lại không thành. Trước sự mời chào quá nhiệt tình của chủ đầu tư một khách sạn cùng hạng ở tỉnh này, thay vì về TPHCM đoàn tụ với gia đình khi hết hạn hợp đồng lao động, ông lại tiếp tục làm việc, tương tự như ba năm trước ông đã ra Khánh Hòa làm việc chỉ vài ngày sau khi nhận quyết định nghỉ hưu ở một khách sạn cao cấp tại TPHCM.

“Ở tuổi này, việc kiếm tiền không còn quá quan trọng nhưng tôi quyết định làm việc tiếp vì thấy người ta cần người quá mà tìm không ra”, ông nói và cho biết ở thời điểm này vẫn nhận được những lời chào mời của các khách sạn khác, trong đó có một khách sạn 5 sao sắp mở cửa ở Phú Quốc.

Ông N. chỉ là một trong nhiều quản lý khách sạn tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu. Thị trường khách sạn phát triển sôi động đã khiến nguồn nhân lực khan hiếm và tuổi hưu của những người có kinh nghiệm quản lý tăng dần, cứ sắp nghỉ nơi này lại được nơi khác, đặc biệt là những trung tâm du lịch như Phú Quốc, Nha Trang chào mời.

Với lực lượng lao động phổ thông và quản lý cấp thấp hơn, nhu cầu tuyển dụng cũng cực kỳ cao. Không chỉ rao tuyển qua các kênh như trang web tìm việc làm, trung tâm cung ứng lao động, nhiều doanh nghiệp còn tự tổ chức những đợt tuyển dụng lớn nhưng vẫn không thể tìm đủ nguồn nhân lực. Những trang web tìm việc trong ngành khách sạn cũng đang hoạt động rất nhộn nhịp, chẳng hạn như trang hoteljob.vn đang rao tuyển đến hơn 9.500 việc làm từ vị trí thực tập sinh, cho đến buồng, bếp, lễ tân, làm vườn, quản lý điều hành… Gần đây, nhiều khách sạn ở một số thành phố du lịch lâu năm như Vũng Tàu phải “ngậm ngùi” mất người trước các đợt tuyển dụng rầm rộ ngay tại địa phương do khách sạn ở những trung tâm du lịch mới như Phú Quốc tổ chức.

Ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng giám đốc Khách sạn Rosaka Nha Trang, cho biết doanh nghiệp khách sạn đang tranh giành nguồn nhân lực dù yêu cầu của người lao động ngày càng cao. Riêng tại Khánh Hòa, trong vài năm gần đây, do lượng khách du lịch tăng trưởng đều đặn vài chục phần trăm nên gần như tháng nào, thậm chí tuần nào cũng có khách sạn mới mở khiến doanh nghiệp không thể tìm đủ người làm việc. Trước đây, nhân viên được tuyển phải qua trường lớp nhưng nay do trường đào tạo không kịp nên doanh nghiệp phải hạ tiêu chuẩn mà chưa chắc đã giữ được người. Thêm vào đó, người lao động cũng nhảy việc nhiều hơn dù đã được đáp ứng yêu cầu cao hơn về lương, thưởng. Có những người vào khách sạn 4-5 sao làm việc vài tháng trong các bộ phận như buồng, bếp chỉ để có hồ sơ tốt nhằm “nhảy” sang nắm giữ các vị trí như giám sát, trợ lý ẩm thực hay trợ lý buồng ở khách sạn cấp thấp hơn.

“Hiện giờ, câu chuyện thường nhật của những người làm quản lý như tôi là tìm người. Tháng nào, khách sạn tôi cũng phải rao tuyển, rồi nhiều đồng nghiệp cũng liên tục nhờ tìm người. Như sáng nay, một đồng nghiệp nhờ tìm gấp vài nhân viên bán hàng nhưng tôi không giúp được”, ông Vũ nói.

Lao động nước ngoài “đổ” vào

Nhiều ý kiến cho rằng sự thiếu hụt lao động trong ngành này có nguyên nhân khách quan từ sự tăng trưởng nóng về lượng khách du lịch làm cho những dịch vụ cần thiết để phục vụ khách không theo kịp. Bên cạnh đó là nguyên nhân chủ quan từ việc hoạch định chiến lược phát triển du lịch nhưng lại thiếu những kế hoạch tương ứng cho nguồn nhân lực. Thiếu nhân lực khiến doanh nghiệp tốn thêm nhiều thời gian, chi phí để tìm người làm việc và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng bền vững của ngành. Tình trạng này cũng đang mở cánh cửa lớn cho nguồn lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.

Doanh nghiệp khách sạn đang tranh giành nguồn nhân lực dù yêu cầu của người lao động ngày càng cao.

Bà Nguyễn Thị Hoa Lệ, Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Du lịch Hòa Bình, cho biết công ty phải rao tuyển khắp cả nước rồi mời chuyên gia từ các trung tâm du lịch lớn ra huấn luyện thêm thì mới tìm đủ lao động phổ thông cho khách sạn ở Phú Quốc. Với đội ngũ quản lý, việc tìm nhân sự còn khó khăn hơn, phải chi lương cao, đãi ngộ tốt hơn các khách sạn ở TPHCM thì mới có người, hoặc phải thuê lao động nước ngoài. Phú Quốc được hoạch định sẽ trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, đón hàng triệu lượt du khách mỗi năm nhưng cả đảo chỉ có một trường nghiệp vụ du lịch.

“Dù tiền lương cho nhân viên ở Phú Quốc cao hơn ở đất liền khoảng gấp rưỡi, người lao động còn được bao trọn gói ăn ở nhưng lại rất dễ mất người. Chi phí cho tiền lương cao đẩy giá dịch vụ cao và do quá thiếu người nên nhiều nơi phải tìm nguồn nhân lực nước ngoài thay thế”, bà nói.

Theo bà Lệ, hiện nguồn nhân lực nước ngoài đang đổ đến Phú Quốc khá nhiều. Trong đó, nhiều nhất là nhân viên phục vụ mảng giải trí và cấp quản lý. Nếu như ở những nơi khác, vị trí CEO của khách sạn 5 sao quốc tế thường là người nước ngoài thì ở đảo này nhiều CEO của khách sạn 4 sao cũng là người nước ngoài, với mức lương cỡ 100 triệu đồng mỗi tháng.

Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp khác cũng có thông tin tương tự. Hiện tại, các tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế thường tiến cử người từ Indonesia, Malaysia… làm quản lý khách sạn chứ không phải là người Việt Nam. Hồ sơ ứng cử của người nước ngoài ở cấp quản lý trung và cao cấp cũng ngày càng tăng và các khách sạn dễ dàng chấp nhận vì số lượng cơ sở lưu trú mở ra ngày càng nhiều trong khi nguồn cung lao động thì ngày càng thiếu.

Ông Tào Văn Nghệ, một chuyên gia trong ngành khách sạn, cũng lấy Phú Quốc làm ví dụ khi nói về sự khan hiếm nhân lực trong ngành khách sạn. Theo đó, có nhiều khách sạn phải thuê đến mấy chục người nước ngoài làm việc, từ cấp quản lý cao nhất đến trưởng, phó bộ phận và cả những vị trí trước đây chỉ do người trong nước đảm nhiệm như giám đốc nhân sự hoặc kế toán trưởng. Không phải các tập đoàn quản lý chỉ muốn tuyển người nước ngoài làm việc mà là vì tìm không ra người người Việt giỏi, có kinh nghiệm làm việc ở những khách sạn quốc tế.

“Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Phú Quốc mà những nơi khác, thậm chí tại TPHCM. Hiện giờ, nhiều khách sạn tìm kế toán trưởng không ra và những người có thể đảm nhận vị trí này cứ chạy vô chạy ra liên tục ở các khách sạn, tùy vào chế độ đãi ngộ”, ông nói.

Mới đây, trong sự kiện ký kết hợp tác đào tạo nhân lực giữa một doanh nghiệp Việt Nam với trường Đại học Niagara (Mỹ), ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cũng cho rằng nguồn nhân lực đang là thách thức cho sự phát triển của ngành khách sạn nói riêng và du lịch nói chung. Hiện tại, nguồn nhân lực du lịch đang thiếu khoảng 40%. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, người lao động từ các nước như Singapore, Thái Lan, Philippines… đã qua Việt Nam làm việc và đảm nhiệm nhiều vị trí cao trong các khách sạn. 

Đào Loan/TBKTSG

Bình luận (0)