Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Khai bút Nét đẹp ngày tết

Tạp Chí Giáo Dục

Quê tôi thuộc Tổng Gối (Hà Tây cũ) là vùng đất văn hiến, cũng là nơi duy nhất có hội hát Chèo Tàu nổi tiếng cứ 20 năm mới mở hội một lần (tương truyền lễ hội mô phỏng cuộc hành quân của Hai Bà Trưng).

Người dân quê tôi tự hào về truyền thống khoa bảng, từng có nhiều vị đỗ đạt cao qua các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình. Chính vì vậy nên việc khuyến học luôn được gia đình, làng xóm coi trọng. Tục khai bút đầu năm mới ở quê tôi có lẽ cũng bắt nguồn từ truyền thống hiếu học ấy.


Khai bút đầu năm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tôi nhớ hồi còn nhỏ, trước tết ít ngày anh chị em chúng tôi chuẩn bị sẵn những quyển vở mới thơm phức, rửa bút thật sạch, bơm mực mới rồi xếp ngay ngắn ở góc bàn thờ.

Sáng mùng 1 Tết, trong không gian thoang thoảng hương trầm, chúng tôi mang giấy bút xuống bắt đầu nắn nót viết những dòng chữ đầu tiên của năm mới. 

Khai bút không cần viết nhiều, đề tài viết tùy theo ý thích và sức học của từng người: Có thể là làm một đoạn văn, chép một bài thơ đã thuộc lòng hay giải bài toán. 

Viết xong, chúng tôi đưa cho bố xem. Bố tôi xem khá kỹ và thường không quên khen năm nay các con viết chữ tốt hơn năm ngoái. Sau đó chúng tôi hân hoan vui sướng được bố thưởng cho những bao tiền mừng tuổi nho nhỏ xinh xinh.

Những lần theo bố đi chúc tết trong làng, tôi thấy phần lớn các gia đình đều coi trọng tục khai bút. Nhiều nhà dán lên vách, lên cánh cửa những tờ hồng điều khai bút. Có nhà lồng hẳn những tờ khai bút vào khung kính thật đẹp và treo ở chỗ trang trọng. Có tờ viết bằng chữ Nho, có tờ viết chữ quốc ngữ.  Câu thơ cổ: “Ngày xuân khai bút, bút khai hoa…” được viết nhiều nhất.  

Trong ngày tết, đối với chủ nhà, nếu được khách đến chúc tết khen chữ khai bút đẹp thì đó là niềm tự hào, hãnh diện lớn nhất và khi ấy những tờ khai bút không chỉ đơn thuần là tờ giấy viết mà đã trở thành một biểu trưng cho sự học vấn của mỗi gia đình.

Lớn lên, đi công tác, tôi có dịp đến nhiều nơi và cũng đã đón những cái tết xa quê. Tôi thấy tục khai bút chỉ có ở những vùng, những gia đình có nền nếp học tập tốt.

Có một thời gian dài “Văn hay, chữ tốt” là cái danh, cái đích cao quý đối với những người đi học. Chữ viết là phương tiện giao tiếp, chuyển tải thông tin, cao hơn nữa chữ viết còn trở thành nghệ thuật thư pháp độc đáo. Biết bao nhà thư pháp xưa đã để lại cho nhân loại những tác phẩm vô giá.

Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng căn dặn: “Chữ viết là nết người”. Chữ viết đẹp, cẩn thận thể hiện tính cần mẫn, chăm chỉ của người có chí hướng phấn đấu, có nhân cách tốt.

Xa quê đã lâu, năm nay trước tết ít ngày tôi về thăm quê. Quê tôi đổi thay nhiều. Nhiều ngôi nhà tầng sừng sững che khuất những nếp nhà rêu phong cổ kính một thời là niềm tự hào của vùng quê văn hiến. Tôi vào thăm nhà bà bác. Bác tôi đang bày bàn thờ đón tết.

Một mâm ngũ quả, một cành đào cắm trong lọ lục bình đang khoe sắc hồng tươi và tôi thấy ở bên góc bàn thờ là tập vở mới, xấp giấy hồng điều và chiếc bút đã được đặt ngay ngắn. Niềm vui tràn ngập trong lòng tôi: Tục khai bút vẫn được làng quê tôi coi trọng.

Quách Tuấn Hương ( Theo SGGP )

Bình luận (0)