Vài năm gần đây, việc khai giảng năm học mới không mời lãnh đạo phát biểu đã làm cho nhà trường: ban giám hiệu, giáo viên, nhất là học sinh thở phào nhẹ nhõm. Điều này làm bớt đi “gánh nặng” cho nhà trường, còn học sinh không phải nghe những lời “đao to búa lớn”, thậm chí các em không hiểu gì từ những lời phát biểu cao siêu ấy. Bởi vậy, ở trên phát biểu, dưới nói chuyện, khó trách được học sinh. Các em cần những lời phát biểu giản đơn, gần gũi và thiết thực hơn. Không cần những lời phát biểu hoa mỹ mà sáo rỗng.
Lễ khai giảng là sự khởi đầu của một năm học mới. Thế nhưng lễ khai giảng chưa thực sự mang đến niềm vui cho học sinh. Nhiều năm qua, ngày khai giảng đã giảm đi sự háo hức của học sinh khi các em bị “tra tấn” bởi sự thích hoành tráng của ban giám hiệu, nhất là các trường có lãnh đạo tới dự và phát biểu. Chính vì thế, ngày khai giảng năm học mới đã vơi đi nhiều ý nghĩa.
Đối với những trường “điểm”, để có một buổi lễ hoành tráng, để được lãnh đạo hài lòng, đồng nghĩa với việc học sinh phải tập dượt nhiều. Không chỉ tập những tiết mục văn nghệ mà cả trường còn phải tập “kịch” khai giảng. Bởi vậy, buổi khai giảng ấy có một số “nhân vật chính” và hàng trăm, hàng ngàn “nhân vật quần chúng” (kể cả giáo viên lẫn học sinh). Chính vì được tập dượt cùng với “kịch” đã dàn dựng trước, thêm vào đó là nhiều đại diện phát biểu nên buổi lễ kéo dài lê thê khiến cho học sinh cảm thấy nản. Chương trình càng hoành tráng, buổi lễ càng lê thê càng khổ thầy trò.
Buổi lễ khai giảng rườm rà, máy móc, hình thức, nhàm chán và buồn tẻ là điều tồn tại bao lâu nay. Nó còn nặng phần lễ và thiếu đi tính chất phần hội, trong lúc đó ngày này phải là “Ngày hội đưa trẻ đến trường”. Từ đó thiết nghĩ, chúng ta cần tổ chức lễ khai giảng đúng nghĩa và thiêng liêng như vốn có. Buổi lễ là của thầy trò, nhất là học sinh – các em là nhân vật trung tâm. Để cứ đến năm học mới, học sinh lại háo hức về ngày khai giảng, và sau buổi lễ, các em sẽ luôn nhớ mãi kỷ niệm này.
Sông Hương
Bình luận (0)