Hàng trăm học sinh (HS) ở nhiều trường học thuộc huyện Quế Phong (Nghệ An) đã bỏ học hoặc không hề đến trường vẫn có tên trong danh sách nhà trường nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ.
Điển hình như trường THCS xã Tiền Phong, 148 HS đã bỏ học từ trước đó nhưng học kỳ 1 năm học 2008-2009 trong học bạ vẫn đầy đủ điểm thi các môn. Trong số đó, khối lớp 6 có 25 HS, khối lớp 7 có 38 HS, khối lớp 8 có 40 HS và khối lớp 9 có 45 HS. Giáo viên chủ nhiệm một số lớp thừa nhận với phóng viên, việc "tặng" điểm này là do lệnh của ban giám hiệu và hiệu trưởng nhà trường.
Theo Quyết định 112 của Thủ tướng Chính phủ, HS thuộc vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 140.000 đồng/tháng đối với bậc tiểu học và THCS, 70.000 đồng/tháng đối với bậc mầm non (hỗ trợ theo năm học và học sinh học tháng nào hỗ trợ tháng đó). Đây chính là nguyên nhân của việc học sinh bỏ học vẫn được nhà trường "tặng" điểm.
Năm học 2008-2009, trường THCS Tiền Phong được nhận số tiền hỗ trợ cho HS là 207.060.000 đồng. Do có cả phần truy lĩnh của năm học trước, nên mỗi HS (trừ lớp 6) được nhận đủ tiền hỗ trợ trong năm học là 1.820.000 đồng. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của Phòng GD-ĐT huyện Quế Phong đối với HS khối lớp 9 thì trường mới chi trả 1.260.000 đồng/HS.
Trong tổng số tiền hỗ trợ nhận được, HS "ảo" của trường Tiền Phong được nhận số tiền hỗ trợ từ Chính phủ là hơn 130 triệu đồng. Điều đáng nói là số HS "ảo" này vẫn có chữ ký ký nhận khi nhận tiền. Tuy nhiên, Thanh tra của Phòng GD-ĐT huyện Quế Phong xác định đó chính là chữ ký giả mạo của hiệu trưởng, kế toán, thủ quỹ trường.
Trong số 65 HS "được" ký nhận tiền, có 24 em đã bỏ học, 41 em không hề có tên ở bất kỳ lớp nào. Giải trình với Phòng GD-ĐT Quế Phong, bà Hà Thị Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết đã chi trả cho phụ huynh HS. Qua kiểm tra thực tế ở bản Na Phạng (xã Tiền Phong), có tên của 56 HS thuộc diện được hưởng hỗ trợ, trong đó có 11 HS đã bỏ học hoặc đã lên THPT. Theo danh sách chi trả của trường này thì các HS đã ký nhận đủ số tiền hỗ trợ là 1.820.000 đồng/HS.
Thế nhưng khi hỏi 11 HS này thì các HS và phụ huynh đều cho biết chưa nhận được đồng nào và cũng chưa ký vào bất cứ danh sách hỗ trợ nào. 24 HS khác trong bản Na Phạng cũng có tên trong danh sách nhận tiền hỗ trợ của trường nhưng chưa bao giờ học ở trường ngày nào và dĩ nhiên là chưa được nhận được đồng tiền hỗ trợ nào.
Kết quả kiểm tra các trường tiểu học và THCS trên địa bàn, Phòng GD-ĐT huyện Quế Phong còn phát hiện nhiều trường khác có sai phạm tương tự. Tổng số tiền nhận từ nguồn hỗ trợ bị khai khống là 560 triệu đồng. Trao đổi với phóng viên, ông Lữ Thanh Hà, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Quế Phong khẳng định: việc tự ý cho điểm khống HS là vi phạm nghiêm trọng quy định của ngành giáo dục.
Ông Lô Chí Kiêm – Bí thư Huyện ủy Quế Phong, thì cho biết: Huyện ủy đã chỉ đạo cho thu hồi 560 triệu đồng từ việc khai khống và sẽ xử lý nghiêm những trường hợp đã cố tình vi phạm.
Khánh Hoan (TNO)
Bình luận (0)