Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Khai mạc chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề- Sáng tương lai” lần thứ 12 năm 2020

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 51, tại Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM), Báo Giáo dục TP.HCM, Sở GDĐT TP đã tổ chức khai mạc chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 12 năm 2020.

Ông Hồ Như Duyến – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam – Bộ GD-ĐT tặng hoa cho đại diện các đơn vị tham gia chương trình tư vấn

Chương trình có sự đồng hành của ĐH Quốc gia TP.HCM, các trường ĐH-CĐ cùng các đơn vị. Ông Hồ Như Duyến – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam, Bộ GD-ĐT); ông Phạm Anh Thắng – Trưởng đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH tại TP.HCM); ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)… cũng đã đến dự.

Kênh thông tin của ngành giáo dục TP

Qua 11 năm tổ chức, chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” đã thực sự trở thành thương hiệu của Báo Giáo dục TP.HCM, hỗ trợ hàng chục ngàn học sinh tại TP và các tỉnh, thành lân cận tiếp cận thông tin và chọn được các ngành nghề phù hợp.

Nhà báo Nguyễn Thanh Tú – Tổng biên tập, Trưởng ban tổ chức Chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai lần thứ 12 năm 2020” phát biểu khai mạc

Ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM phát biểu tại chương trình

Năm thứ 12, chương trình sẽ đi qua trên 100 trường THPT tại TP cùng các trường THPT tại 10 tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ, cung cấp những thông tin về kỳ thi THPT Quốc gia đến học sinh, giáo viên. Đồng thời tạo điều kiện để học sinh được tìm hiểu về các ngành nghề, môi trường đào tạo, chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh…

Học sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 12 năm 2020

Phát biểu khai mạc chương trình, nhà báo Nguyễn Thanh Tú – Tổng biên tập Báo Giáo dục TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức chương trình) cho hay, mỗi năm cả nước có hơn 1 triệu học sinh THPT bước vào ngưỡng cửa chọn ngành nghề. Bên cạnh bộ phận học sinh tìm hiểu được các ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích, sở trường, điều kiện kinh tế gia đình từ những tư vấn của giáo viên thì vẫn còn không ít học sinh, phụ huynh thiếu thông tin, có góc nhìn phiến diện, mơ hồ về những giá trị công việc, tạo nên áp lực nặng nề trong học tập. Hậu quả là nhiều em chọn sai ngành nghề, ngồi nhầm ghế ở giảng đường ĐH, ra trường không có việc làm.

Đại diện Báo Giáo dục TP.HCM  nhận hoa chúc mừng của lãnh đạo Bộ GD-ĐT; Bộ LĐ-TB&XH và Sở GD-ĐT TP.HCM

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP và Báo Giáo dục TP.HCM tặng hoa cho các chuyên gia tư vấn

“Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi người học phải hội đủ các kỹ năng để trở thành công dân toàn cầu hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới. Năm 2020 cũng là năm kỳ thi THPT Quốc gia có thể có những điểm mới. Chương trình trước hết sẽ là kênh thông tin để các em nắm rõ những điểm mới của kỳ thi THPT Quốc gia 2020, cùng với đó là hỗ trợ giải đáp cho các em thông tin về các ngành nghề đào tạo, phương thức tuyển sinh của các trường ĐH – CĐ, từ đó có cơ sở để chọn đúng ngành nghề”, ông Tú nhấn mạnh.

Ông Phạm Anh Thắng – Trưởng đại diện Bộ LĐ-TB&XH tại TP.HCM tặng hoa cho các trường tham gia chương trình tư vấn

Đánh giá cao vai trò, ý nghĩa của chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề- Sáng tương lai”, ông Nguyễn Văn Hiếu (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) khẳng định, chương trình nhiều năm qua với sự tư vấn của các chuyên gia giáo dục hàng đầu tại TP – là kênh thông tin hữu ích đồng hành cùng ngành GD-ĐT TP định hướng cho học sinh tìm hiểu các ngành nghề phù hợp.

Đội ngũ chuyên gia tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 12 năm 2020

“Tác động của cuộc cách mạng 4.0 đã thay đổi trào lưu nghề nghiệp, tạo ra thêm nhiều ngành nghề mới. Học sinh TP có lợi thế là có nhiều trường ĐH, các em là nguồn lực xây dựng TP và xây dựng đất nước. Vì thế, việc chọn được một ngành nghề phù hợp với bản thân là điều rất quan trọng. Muốn chọn đúng, các em phải nhận định bản thân mình phù hợp với ngành nghề nào, đưa ra những định hướng tương lai rõ ràng. Nếu chọn sai, các em sẽ không chỉ tốn thời gian, công sức, tiền bạc mà còn là tuổi trẻ, mất cơ hội nghề nghiệp…”.

TS.Lê Thị Thanh Mai –Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM

Thông tin về kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH – CĐ năm 2020, TS. Nguyễn Đức Nghĩa – Nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, kỳ thi THPT Quốc gia 2020 sẽ là kỳ thi cuối cùng theo luật giáo dục hiện hành. Sau đó, các năm tiếp theo, kỳ thi sẽ áp dụng thay thế bằng luật giáo dục bổ sung sửa đổi năm 2019, có hiệu lực từ 1/7/2020. “Đến thời điểm này chưa có quy chế thi THPT Quốc gia 2020 hay tuyển sinh ĐH – CĐ 2020, học sinh cần phải theo dõi bởi các thông tin hiện tại chỉ mang tính chủ chương. Kỳ thi về cơ bản vẫn ổn định. Khâu tổ chức thi vẫn do Sở GD-ĐT chủ trì với sự phối hợp các trường ĐH, dự kiến sẽ diễn ra vào 1/4/2020. Kiến thức thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12”.

Về việc xét tốt nghiệp THPT, TS. Nghĩa khẳng định năm nay sẽ tiếp tục áp dụng công thức 7:3 (70% điểm thi THPT Quốc gia và 30% điểm học bạ). Tuy nhiên, học sinh không nên lo lắng vì dù áp dụng công thức này, tỷ lệ đậu tốt nghiệp toàn quốc năm 2019 chỉ giảm nhẹ.

Năm 2020, các trường tuyển sinh theo những phương thức nào?

Cung cấp thông tin xét tuyển ĐH-CĐ cho học sinh, TS. Nguyễn Đức Nghĩa cho biết năm 2020 vẫn có 3 phương thức được các trường ĐH – CĐ sử dụng chủ yếu: điểm thi THPT Quốc gia; kết quả học bạ THPT; kỳ thi đánh giá năng lực và một vài phương thức xét tuyển khác sẽ được riêng từng trường ĐH áp dụng. “Riêng phương thức sử dụng kỳ thi đánh giá năng lực có thể sẽ “nở rộ” trong năm 2020. Năm 2019, có tới 70 ngàn thí sinh sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển ĐH – CĐ, trong đó có tới 50 ngàn thí sinh sử dụng kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Năm 2020, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục được áp dụng với 2 đợt vào tháng 3 và tháng 7. Hiện có 45 trường ĐH đăng ký để áp dụng tuyển sinh, học sinh cần lưu ý để tăng thêm cơ hội trúng tuyển”, TS. Nghĩa chia sẻ.

Tiết mục văn nghệ của ca sĩ Sĩ Luân

Học sinh tham gia trò chơi bên lề chương trình tư vấn

Ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng biên tập, Trưởng ban tổ chức chương trình tư vấn “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 12 năm 2020 tặng hoa cho đại diện các trường

ThS. Trần Duy Can – Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thông tin, năm nay là năm đầu tiên trường sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM làm phương thức tuyển sinh. Phương thức này sẽ chiếm 10% chỉ tiêu tuyển sinh theo từng ngành đào tạo. Bên cạnh đó, trong tổng chỉ tiêu 5 ngàn thí sinh sẽ có 30% chỉ tiêu áp dụng hình thức xét tuyển thẳng và chỉ tiêu còn lại sử dụng điểm thi THPT Quốc gia với các tổ hợp xét tuyển. “Riêng chưong trình cử nhân tài năng, thí sinh phải tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức”, ThS. Can lưu ý.

Mùa tuyển sinh năm nay, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) xét tuyển theo 4 phương thức: điểm thi THPT Quốc gia; điểm 3 môn tổ hợp xét tuyển trong học bạ lớp 12 (từ 18 điểm trở lên); xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM; kỳ thi đánh giá năng lực do HUTECH tổ chức.

Bền bỉ trong nỗ lực định hướng ngành nghề

Góp phần cùng ngành GD-ĐT và toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, trong suốt nhiều năm qua, Báo Giáo dục TP.HCM đã thực hiện nhiều hoạt động, chương trình nhằm đưa ngành nghề đến gần với học sinh. Bằng nhiều hình thức như: định hướng qua truyền thông báo giấy, báo mạng, các tạp chí của báo; cung cấp thông tin qua các Hội thảo, ngày hội. Riêng chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai”, qua 12 năm tổ chức, mỗi năm chương trình đi qua gần 250 trường THPT tại TP.HCM và các tỉnh, thành lân cậnChương trình truyền hình trực tiếp “Cùng bạn quyết định tương lai” phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM, Đài phát thanh và truyền hình 20 tỉnh, thành từ miền Trung trở vào. Với chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề- Sáng tương lai”, qua 11 năm tổ chức đã hỗ trợ cho hàng chục ngàn học sinh TP và các tỉnh, thành tiếp cận sớm về các ngành nghề đào tạo, xu hướng ngành nghề, phương thức tuyển sinh của các trường ĐH – CĐ…

Tương tự, ThS. Lê Dũng – Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF)) cho biết, năm 2020 trường cũng dự kiến áp dụng đồng thời 4 phương thức tuyển sinh, bao gồm: điểm thi THPT Quốc gia; xét tuyển theo học bạ lớp 12 với tổ hợp 3 môn; xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 5 học kỳ và xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.

TS. Bùi Quang Tín – Phó phòng đào tạo, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho hay, năm 2020, trường sử dụng 2 phương thức xét tuyển: điểm thi THPT Quốc gia và tuyển thẳng theo các trường hợp quy định của Bộ GD-ĐT, học sinh giỏi và khá 3 năm THPT kèm điều kiện chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Trường ĐH Hoa Sen dự kiến sẽ áp dụng 5 phương thức tuyển sinh, cụ thể: điểm thi THPT Quốc gia; kết quả 5 học kỳ THPT; xét tuyển học bạ dựa trên tổ hợp môn; xét tuyển dựa trên điểm học bạ 3 năm và phương thức riêng dành cho một số ngành đặc biệt.

Bài: Yến Hoa. Ảnh: T.Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)