Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Khai mạc Chương trình Tuyển sinh, Hướng nghiệp học sinh sau THCS lần thứ 10

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 4-1, tại Trường THCS Điện Biên (quận Bình Thạnh), Chương trình Tuyển sinh, Hướng nghiệp học sinh sau THCS lần thứ 10 năm học 2024-2025 đã chính thức được khai mạc, với sự tham gia của đông đảo học sinh, phụ huynh khối 9 Trường THCS Điện Biên.

Ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM phát biểu khai mạc chương trình

Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM cùng Phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức và các quận huyện tổ chức.

Nhiều hướng đi sau tốt nghiệp THCS

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM thông tin, thực hiện Đề án phân luồng hướng nghiệp học sinh của Thủ tướng Chính phủ, trong nhiều năm qua Tạp chí Giáo dục TP.HCM đã phối hợp với Sở GD-ĐT TP triển khai các chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh và phân luồng học sinh sau THCS, trở thành kênh thông tin, hỗ trợ uy tín, kịp thời cho phụ huynh, học sinh lớp 9 trên toàn thành phố trước ngưỡng cửa lựa chọn các hướng đi sau THCS…

Ông Lê Duy Tân – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM phát biểu tại chương trình

Năm nay chương trình được tổ chức tại hơn 200 trường THCS trên địa bàn thành phố và một số cụm, đồng thời sẽ có 2 ngày hội tại quận 12 và huyện Bình Chánh, định hướng cho học sinh nắm những thông tin cơ bản về các hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS, việc chọn trường THPT phù hợp…

Ông Trần Thanh Phong – chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý đến phụ huynh học sinh khối 9 những điểm mới ở bậc THPT theo Chương trình GDPT 2018

Theo ông Lê Duy Tân – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM, học sinh lớp 9 đứng trước việc chọn hướng đi sau THCS. Trong quá trình lựa chọn hướng đi, chắc chắn các em sẽ có nhiều tác động, từ bạn bè, gia đình, thầy cô… Để có chọn lựa tốt, trước tiên các em phải nỗ lực hết sức để đánh giá được năng lực bản thân, tập nhìn xa và đặt yêu cầu cao với mình. Bởi không xa nữa các em là nguồn nhân lực của thành phố. Nếu chọn lựa đúng, các em sẽ phát huy được hết năng lực của mình ở cấp học sau, giúp các em có kết quả tốt.

“Vai trò của các em trong giai đoạn từ nay đến cuối năm học là cần có trách nhiệm, cố gắng học tập, nghiên cứu các thông tin để trao đổi với bạn bè, biết mình có khả năng gì, xem xét xem bản thân nên học tiếp lên THPT hay lựa chọn giáo dục nghề nghiệp. Không có ngành nghề nào là không vinh quang với người lao động thực sự toàn tâm toàn ý và có đạo đức nghề nghiệp. Do đó, lựa chọn giáo dục nghề nghiệp ở cuối THCS không phải là lựa chọn sai mà là lựa chọn phù hợp… Ngay cả khi đậu vào THPT thì các em vẫn phải đứng trước thử thách chọn nhóm môn học lựa chọn như thế nào. Chọn trường THPT nào, chọn môn học nào thì cũng không bằng nỗ lực của các em trong việc xác định môn học đó, nơi học đó…” – ông Tân khuyên.

Ban tư vấn chương trình sáng 4-1 đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích đến phụ huynh, học sinh

Ông Đào Phi Trường – chuyên viên Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp và Đại học, Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, sau THCS học sinh có thể chọn tiếp tục học THPT hoặc lựa chọn hướng đi giáo dục nghề nghiệp. Với hướng đi về giáo dục nghề nghiệp, học sinh sẽ được học giáo dục văn hóa và nghề nghiệp. Trong đó, nếu học văn hóa với 4 môn trong trường nghề thì sẽ nhận giấy xác nhận hoàn thành văn hóa, tiếp tục học ở các trường CĐ nghề; còn nếu học 7 môn văn hóa tại các trung tâm GDNN-GDTX, GDTX thì các em sẽ được tham gia thi tốt nghiệp THPT cùng với học sinh THPT, giá trị bằng tốt nghiệp THPT là tương đương nhau.

Ông Trường nhấn mạnh, tùy theo nhu cầu học tập và nghề nghiệp tương lai mà các em quyết định tiếp tục học THPT hay lựa chọn hướng giáo dục nghề nghiệp.

Học sinh lớp 9 đặt câu hỏi trong chương trình

Theo TS. Đào Lê Hòa An – chuyên gia tư vấn tâm lý, mỗi học sinh sẽ đều có thế mạnh, năng lực riêng, vấn đề là cần nhận ra được sự khác biệt để chọn được hướng đi sau THCS phù hợp, chọn được môn học ở bậc THPT phù hợp.

“Mỗi bạn sẽ có tố chất và hướng đi phù hợp. Môi trường nào cũng có thể giúp các bạn phát huy được tố chất đó. Đơn giản như chú rùa, nếu đặt chú trong môi trường nước, chú có thể trở thành vận động viên bơi lội xuất sắc nhưng nếu đặt trên môi trường cạn thì lại trở thành con vật vô cùng chậm chạp…”- TS. An khẳng định.

Phụ huynh, học sinh cần lưu ý gì khi chọn trường THPT?

Thông tin đến phụ huynh, học sinh khối 9 về những điểm mới của Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT, ông Trần Thanh Phong – chuyên viên Phòng  Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, khi vào lớp 10, các em sẽ học 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, nội dung giáo dục địa phương và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp; Cạnh đó các em sẽ được chọn 4 môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp trong số các môn học sau: hóa học, vật lý, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế pháp luật, công nghệ, tin học, nghệ thuật. Sau khi hoàn thành xong bậc THPT, các em sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT với 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn học còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm 4 môn học lựa chọn các em đã chọn). Việc chọn lựa các ngành nghề cũng sẽ gắn với việc chọn môn học lựa chọn ở bậc THPT…

Trong suốt hơn 2 giờ chương trình diễn ra, phụ huynh khối 9 chăm chú theo dõi

“Những điểm mới này đòi hỏi ngay khi chọn nguyện vọng trường THPT sau tốt nghiệp THCS, các em đã phải cân nhắc, lưu ý chọn môn học lựa chọn phù hợp với năng lực học tập, theo định hướng nghề nghiệp” – ông Phong lưu ý.

Đồng thời ông khuyên rằng, thời điểm này học sinh lớp 9 cần nhìn lại, xây dựng kế hoạch học tập, có chiến lược và cố gắng để sau khi tốt nghiệp THCS sẽ nhìn nhận ra bản thân mình đang ở đâu, có những thế mạnh gì để chọn hướng đi phù hợp. Bắt đầu từ chính các môn học ở bậc THCS các em đều có thể nhìn thấy năng lực của mình, có thể thấy được nghề nghiệp của mình, vạch ra kế hoạch để thực hiện ước mơ…

Năm nay, chương trình sẽ đi đến hơn 200 trường THCS và một số cụm trên địa bàn TP.HCM

“Về phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2025, TP.HCM sẽ kiên quyết kiến nghị Bộ GD-ĐT giữ tiếng Anh là môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Để chuẩn bị cho kỳ thi, các em cần chiến lược ôn tập, học tập, có định hướng nghiên cứu chọn các môn học lựa chọn phù hợp ở bậc THPT” – ông nói thêm.

Tại chương trình tư vấn, thầy Đào Văn Tám – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu nhấn mạnh đến phụ huynh, học sinh lớp 9 về vai trò định hướng được nghề nghiệp ngay từ bậc THCS, đặc biệt là với học sinh khối 9. Vì thế, việc chọn trường THPT không chỉ là quan tâm đến điểm chuẩn của trường mà còn cần quan tâm đến việc tổ chức nhóm môn học lựa chọn của trường.

Thầy chỉ rõ: Khi chọn trường THPT, phụ huynh học sinh phải chú trọng về sự phù hợp: phù hợp với năng lực chung (thể hiện qua điểm chuẩn) và năng lực đặc biệt của từng học sinh thông qua môn học lựa chọn; cạnh đó còn là phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình và điều kiện di chuyển từ nhà đến trường…

Yến Hoa

Bình luận (0)