Chiều 29-12, tại Trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh) Tạp chí Giáo dục TP.HCM đã khai mạc chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề-Sáng tương lai” lần thứ 14 năm học 2022-2023.
Chương trình diễn ra với hình thức trực tuyến với sự tham dự của ông Nguyễn Văn Hiếu (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM), bà Nguyễn Đặng An Long (Chánh văn phòng Đảng ủy, Sở GD-ĐT), ông Lê Thắng Lợi (Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam, Bộ GD-ĐT), ông Nguyễn Hồng Tây (Phó Trưởng cơ quan đại diện, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tại TP.HCM)…
Chương trình có sự phối hợp của Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐHQG TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam, Bộ GD-ĐT cùng sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM
Nhà báo Nguyễn Thanh Tú – Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM, trưởng ban tổ chức chương trình
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Hiếu (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) đánh giá cao chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức. “Trong các năm qua, chương trình đã mang đến nhiều thông tin chính thống, bổ ích cho học sinh TP trong việc định hướng chọn nghề, chọn ngành, chọn trường phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu thị trường lao động. Những đóng góp mà chương trình tạo ra rất đáng trân trọng, đó là công sức không chỉ của cán bộ, phóng viên, nhân viên của ban tổ chức mà còn của nhiều thầy giáo, cô giáo, chuyên gia, báo cáo viên đến từ ĐHQG TP.HCM, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP.HCM, các trường ĐH, CĐ, các sở ban ngành, các trung tâm… nhằm giúp các em học sinh bước vào ngưỡng cửa tương lai”, ông Hiếu đánh giá.
Theo ông Hiếu, nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước luôn chú trọng đến việc hướng nghiệp nhằm phân luồng học sinh sau THCS-THPT. Từ năm 2011 đã có chỉ thị về tăng cường hướng nghiệp phân luồng học sinh. Đến năm 2018 Nghị quyết 522 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông 2018-2025”. Riêng TP.HCM, Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 về Chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa TP.HCM cũng đưa ra 8 nhóm ngành trọng điểm phát triển nguồn nhân lực mũi nhọn cho TP. Điều đó khẳng định vai trò và nghĩa to lớn, cấp thiết của công tác hướng nghiệp, tuyển sinh hiện nay là rất cần thiết.
Mỗi năm có khoảng 800 ngàn học sinh thi, xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, riêng TP.HCM có khoảng 60-70 ngàn em mỗi năm. Trong khi đó, theo thống kê của các Bộ ban ngành thì hàng năm có hàng trăm ngàn học sinh ra trường không tìm được việc làm phù hợp, hoặc nhiều sinh viên phải học ngành nghề chưa phù hợp ở các giảng đường do chọn sai nghề, sai ngành, sai sở thích, năng lực của bản thân. Vì vậy, việc định hướng nghề nghiệp sớm sẽ giúp các học sinh chọn được hướng học, hướng nghề, hướng trường phù hợp hơn. Đặc biệt là thông tin về kỳ thi THPT; các phương thức xét tuyển CĐ, ĐH… để các em chọn được ngành nghề phù hợp, trường học vừa sức. “Chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề -Sáng tương lai” do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức là một chương trình có qui mô lớn, truyền thống với đội ngũ thầy cô giáo, chuyên gia nhiều tâm huyết, chuyên môn sâu chính vì vậy chúng tôi sẽ chỉ đạo các trường THPT ở TP.HCM tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban tổ chức để thực hiện chương trình ngày càng tốt hơn”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Tham dự lễ khai mạc, ông Lê Thắng Lợi (Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam, Bộ GD-ĐT) cho rằng với tình hình dịch bệnh công tác tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có thuận lợi vì chương trình diễn ra trực tuyến không chỉ giúp học sinh TP mà còn giúp học sinh vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận được những thông tin chính thống về việc lựa chọn ngành nghề, hướng đi, các phương thức tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ để từ đó có hướng đi phù hợp.
Ông Lợi khẳng định, trong những năm qua chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề -Sáng tương lai đã có nhiều đóng góp, giúp các thế hệ học sinh lựa chọn đúng ngành, đúng nghề. Ông hy vọng sắp tới chương trình sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa để góp phần tạo ra thị trường lao động chất lượng cao.
Chương trình tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 14 năm học 2022 dự kiến diễn ra khoảng 100 trường THPT trên địa bàn TP.HCM và hơn 1.300 trưởng ở 32 tỉnh thành từ An Giang, Kiên Giang ra Thanh Hóa; Ninh Bình… |
Nhân dịp này, Nhà báo Nguyễn Thanh Tú (Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM, trưởng ban tổ chức chương trình) gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc nhất đến Sở GD-ĐT TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam, Bộ GD-ĐT, các chuyên gia tư vấn cũng như sự phối hợp của nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP trong việc góp phần tạo nên thành công cho chương trình. Ông Tú khẳng định chương trình đã giúp các em học sinh THPT chọn được ngành nghề, trường học, bậc học phù hợp từ đó có được hướng đi đúng đắn, tránh trường hợp lựa chọn sai ngành nghề, phải chọn lại mất nhiều thời gian, công sức.
Ngay sau lễ khai mạc, chương trình đã tư vấn cho hàng ngàn học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu. Các chuyên gia: TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng Ban công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM), TS. Phạm Tấn Hạ (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV, ĐHQG TP.HCM), ông Trần Anh Tuấn (Chuyên gia Dự báo Nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động) cùng đại diện các trường ĐH: Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Việt Đức, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Luật TP.HCM, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, Trường ĐH Kiến trúc, ĐH Văn Hiến… đã tư vấn cho các em học sinh.
Hồ Trinh
Bình luận (0)