Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) năm 2012 được tổ chức sáng nay 10-12, tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị. Đáng lưu ý, ngoài những thành phần tham dự theo thông lệ, CG năm nay còn có sự tham dự của Myanmar – một đất nước đang trên con đường hội nhập và xây dựng quan hệ đối tác.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ lời cảm ơn chân thành đối với sự hỗ trợ quý báu của các Nhà tài trợ đã dành cho Việt Nam thời gian qua và cho biết, Việt Nam bước vào năm 2012 trong bối cảnh trao đổi thương mại và tăng trưởng toàn cầu đều giảm; nền kinh tế của nhiều đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn. Ở trong nước, phải đối phó với lạm phát cao, tín dụng tăng trưởng thấp, sản xuất của các doanh nghiệp sụt giảm… Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá, tiền tệ chặt chẽ, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ đó, tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam đến cuối năm 2012 đã có chuyển biến tích cực. Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 5,2%; lạm phát đã được kiềm chế, dự kiến lạm phát cả năm ở mức khoảng 7,5%; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cơ bản được đảm bảo do thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách xã hội…
Đại lộ Võ Văn Kiệt – một công trình sử dụng vốn đầu tư nước ngoài đạt hiệu quả. Ảnh: CAO THĂNG
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, song nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và tồn tại, trong đó nổi lên là kinh tế vĩ mô và kết quả kiềm chế lạm phát chưa vững chắc; do nguồn lực có hạn nên việc mở rộng diện và nâng mức hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm và cải cách tiền lương chưa đáp ứng được yêu cầu; việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước còn chậm; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa được cải thiện nhiều…
Các khó khăn, thách thức nêu trên đòi hỏi Chính phủ phải điều hành linh hoạt, hiệu quả hơn, một mặt tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong ngắn hạn, mặt khác phải tích cực chuẩn bị các điều kiện đạt tăng trưởng cao hơn trong năm 2013 và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong dài hạn- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội 2013, Chính phủ tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ chủ như: tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP cao hơn và lạm phát thấp hơn năm 2012. Trong đó, tập trung đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững; từng bước nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; cải thiện môi trường kinh tế, xã hội để thu hút các nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển. Tạo nền tảng cho phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. Nâng cao hiệu lực chỉ đạo, điều hành gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính giảm chi phí và thời gian thực hiện các thủ tục cho công dân và doanh nghiệp; kiên quyết phòng chống tham nhũng, lãng phí; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực, Việt Nam trải qua năm 2012 với rất nhiều khó khăn nặng nề, nhưng với quyết tâm, sự nỗ lực, sáng tạo của mình và sự giúp đỡ quý báu của các Nhà tài trợ, Việt Nam đã giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát được lạm phát và nền kinh tế đạt tăng trưởng trên 5%. Việt Nam Tự tin vào những chính sách, biện pháp điều hành của mình, bước vào năm 2013 với quyết tâm mạnh mẽ và niềm tin vững chắc sẽ vượt qua thách thức, đạt kết quả phát triển cao hơn, tạo đà cho phát triển bền vững thời gian tới , Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các Nhà tài trợ quốc tế sẽ tiếp tục đồng hành và hợp tác với Việt Nam trên chặng đường phát triển.
Đồng chủ trì Hội nghị cùng Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thông báo với các nhà tài trợ, năm 2012, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế xã hội đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Trong đó, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng cả năm dự báo được kiềm chế ở mức 7,5%. So với đầu năm, lãi suất cho vay đã giảm, cơ cấu tín dụng có chuyển biến theo hướng tăng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, tỷ giá đã cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối tăng và đặc biệt là quá trình tái cơ cấu đã có những kết quả ban đầu.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2013 được dự báo vẫn sẽ còn khó khăn với Việt Nam cũng như cộng đồng các nhà tài trợ. Tuy nhiên, Việt Nam mong được cộng đồng tiếp tục hỗ trợ, vì đây là nguồn vốn quan trọng giúp xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội.
“Chính phủ Việt Nam cam kết hợp tác chặt chẽ, cải thiện phương thức đối thoại để sử dụng nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả hơn nữa”, ông Bùi Quang Vinh khẳng định.
Về lâu dài, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tới năm 2015 sẽ là một thách thức nhưng Việt Nam tin tưởng, với kinh nghiệm và sự hỗ trợ của các nước, Việt Nam sẽ thành công trong việc thực hiện những mục tiêu đặt ra.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhìn nhận, xu hướng tăng trưởng chậm lại của Việt Nam đã cho thấy những giới hạn về cơ cấu và tính năng động của nền kinh tế. Ngoài ra, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp Nhà nước và đầu tư công chưa tương xứng với yêu cầu. Việt Nam đã xác định rõ những nguyên nhân này nhưng điều quan trọng là cần có sự quyết tâm và hành động cụ thể.
Bà Victoria Kwakwa cũng cho biết: “Giai đoạn hiện nay Việt Nam cần chuyển đổi từ chính sách sang hành động cụ thể. Để làm được điều này, phải có nguồn lực và các đối tác cam kết hỗ trợ nguồn lực này cho Việt Nam”.
Những yếu tố quan trọng được bà Kwakwa đề cập đến là lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật giúp chuyển đổi sang nền kinh tế năng suất cao. Đặc biệt, bà Kwakwa khuyến nghị: “Việt Nam phải linh động hơn trong việc sử dụng đất nông nghiệp và có quy định rõ ràng trong việc đền bù đất. Trường hợp bắt buộc phải thu hồi đất thì phải đảm bảo cuộc sống cho người dân có đất bị thu hồi”.
Nhật Bản tiếp tục tài trợ cho Việt Nam 2,6 tỷ USD Ngày 10-12, phát biểu tại Hội Nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) năm 2012, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Tanizaki Yasuaki đã đưa ra con số 2,6 tỷ USD mà Chính phủ nước này cam kết dành cho Việt Nam trong năm 2013, tương đương mức của năm 2012. Trước đó, trong sáu tháng đầu năm 2012, Nhật Bản đã cam kết cung cấp khoảng 1,4 tỷ USD cho các dự án vay ODA mới. Trong cả năm tài chính 2012 nguồn vốn ODA cung cấp sẽ lên đến 2,6 tỷ USD, tuy nhiên con số cụ thể còn phụ thuộc vào tiến độ chuẩn bị dự án của Chính phủ Việt Nam. |
ANH PHƯƠNG
Bình luận (0)