Sáng 18-9, Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lần VIII do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Thành ủy TP.HCM tổ chức đã khai mạc.
GS-TS Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và ông Nguyễn Văn Nên – Bí Thư thành ủy TP.HCM trao cờ lưu niệm cho đơn vị có thí sinh dự thi
Tham dự có GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; bà Vũ Thanh Mai – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Văn Nên – Bí Thư thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Hồ Hải – Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM cùng 130 giảng viên trên cả nước về tham dự hội thi.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trưởng ban chỉ đạo hội thi – cho biết, Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức định kỳ 5 năm 2 lần. Qua 7 lần tổ chức, hội thi đã trở thành sự kiện quan trọng, là ngày hội thi đua thao giảng lớn của các thầy cô giáo trường chính trị cấp tỉnh. Hội thi có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao nâng lực, xây dựng uy tín, hình ảnh mẫu mực của người giảng viên trường Đảng. Đây là diễn đàn quan trọng để các thầy cô giáo giảng dạy lý luận chính trị, nhất là những đồng chí giảng viên trẻ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật, bổ sung kiến thức, đổi mới phương pháp giảng dạy, trau đồi kỹ năng sư phạm.
130 giảng viên trên cả nước về tham dự hội thi
“Kết quả hội thi không chỉ là việc lựa chọn, công nhận giảng viên dạy giỏi mà còn là cơ sở khẳng định thành tích, kinh nghiệm trong tổ chức quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đó cũng là căn cứ đánh giá thực trạng giảng viên, giúp cho học viện, các tỉnh ủy, thành ủy, các trường chính trị có cái nhìn toàn diện, đầy đủ và chính xác hơn để chúng ta xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giảng viên phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Qua đó, phát hiện giảng viên tiêu biểu, triển vọng để xem xét sắp xếp, bố trí, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý”, ông Thắng chia sẻ.
Tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định, làm nghề giáo đã khó, làm giảng viên lý luận chính trị càng khó hơn. Để dạy giỏi, ngoài nội dung, phương pháp, giảng viên còn phải có sự truyền cảm. Truyền cảm không chỉ có kỹ năng mà còn ở tâm hồn. “Chúng tôi luôn tự hào về những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ thầy giáo, cô giáo giảng dạy lý luận chính trị vì giá trị của các đồng chí không thể đếm hết được”, ông Nên nhấn mạnh.
Ông Nên cho rằng, hội thi nào cũng sẽ kết thúc và xếp hạng cao thấp. Nhưng điều quan trọng hơn hết là những điều đọng lại sau hội thi, mỗi người học được những gì mới là giá trị đích thực của mỗi giảng viên. Yếu tố quan trọng không kém đó là các vị lãnh đạo địa phương, lãnh đạo trường chính trị sẽ rút ra được bài học bởi thành công của học viên hôm nay không chỉ có nỗ lực cá nhân mà còn có nhiều yếu tố khác nữa, trong đó có sự lãnh đạo, quản lý.
“Tôi xin gửi niềm tin tưởng và chúc các thí sinh tham dự hội thi phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, thể hiện tốt nhất năng lực, kiến thức chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm, bản lĩnh, tự tin và sự thuyết phục của mình. Tôi cũng tin tưởng Hội đồng giám khảo sẽ tìm thấy những “bông hoa” tươi thắm nhất trong “vườn hoa” đầy hương sắc”, ông Nên kỳ vọng.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại lễ khai mạc hội thi
Năm nay, lần đầu tiên hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức tại TP.HCM. Hội thi quy tụ 63 trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3 trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương có đào tạo chương trình Trung cấp lý luận chính trị đăng ký dự thi. Tổng số giảng viên dự thi là 130 người gồm: 127 thí sinh của 63 trường chính trị; 3 thí sinh của 3 trường bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.
Tham dự hội thi, giảng viên thực hiện 3 nội dung: Thi giáo án, thi viết và thi giảng. Kết quả thi là điểm trung bình của 3 phần thi, trong đó phần thi giảng được tính điểm hệ số 3, thi viết và thi chấm giáo án hệ số 1. Điểm khoa học là điểm quy đổi công trình khoa học được nghiệm thu hoặc công bố giữa hai kỳ hội thi của giảng viên dự thi, là điều kiện để Hội đồng giám khảo xếp loại danh hiệu “Giảng viên dạy giỏi”, “Giảng viên dạy xuất sắc”.
Trong khuôn khổ hội thi, các giảng viên sẽ được tham gia nhiều hoạt động như: Dâng hương, về nguồn thăm Bến cảng nhà Rồng, triển lãm ảnh, thành tựu của Học viện, của thành phố, trưng bày sách xưa và nay. Đặc biệt, các giảng viên còn được tham dự đêm gala với chủ đề “Kết nối – Chia sẻ – Phát triển” giữa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh với các trường chính trị. Các hoạt động này sẽ tăng cường sự kết nối, tạo sức lan toả, không khí sôi nổi cho hội thi, tạo sự gắn bó chặt chẽ giữa TP.HCM với các tỉnh ủy, thành ủy và các trường chính trị, trường bộ, ngành trên cả nước.
Hội thi diễn ra từ ngày 18 đến 20-9 tại Học viện Cán bộ TP.HCM.
Hồ Trinh
Bình luận (0)