Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Khai mạc Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe ngo năm 2024 tại Sóc Trăng

Tạp Chí Giáo Dục

Tối 13-11-2024, tại Quảng trường Bạch Đằng, TP.Sóc Trăng, trong không khí hân hoan, UBND tỉnh Sóc Trăng trang trọng tổ chức chương trình khai mạc Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe ngo Sóc Trăng, khu vực ĐBSCL lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024.

Lễ hội là sự kiện văn hóa lớn nhất trong năm và là hoạt động thường niên nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Nhiều năm qua, lễ hội luôn được đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh quan tâm. Tiếp nối thành công của Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe ngo Sóc Trăng, khu vực ĐBSCL lần thứ 5, năm 2022. Lễ hội năm nay là một bước tiến quan trọng để xây dựng thương hiệu lễ hội Sóc Trăng và đẩy mạnh quảng bá, kích cầu du lịch của tỉnh.

Quang cảnh lễ khai mạc

Với chủ đề “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, hội nhập và phát triển” Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe ngo Sóc Trăng, Khu vực ĐBSCL lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024 diễn ra trong 7 ngày (từ ngày 9-11 đến ngày 15-11-2024) với 11 hoạt động, trong đó có khai mạc giải đua ghe ngo; lễ cúng trăng; trình diễn Lôiprotip (thả đèn nước) và ghe Cà Hâu; hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Sóc Trăng và đặc sản vùng miền năm 2024; hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Sóc Trăng; liên hoan ẩm thực đường phố với chủ đề “Hương vị Sóc Trăng”; giới thiệu sản phẩm du lịch Sóc Trăng;…

Ông Nguyễn Văn Khởi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, đọc diễn văn khai mạc lễ hội

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Khởi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Năm 2024, dù kinh tế – xã hội vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; Sóc Trăng đã vượt qua khó khăn, tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị đạt được một số kết quả tích cực; nổi bật là tốc độ tăng trưởng năm 2024 ước đạt 7% (đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết). Lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ. Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất tinh thần của người dân được quan tâm, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc luôn được bảo tồn và phát huy, nhất là các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc, trong đó Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe ngo của đồng bào Khmer được duy trì tổ chức hằng năm.

“Cùng với lễ hội là chuỗi các sự kiện của Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và các tiết mục văn nghệ đặc sắc. Ngoài ra, quý khách được trải nghiệm mua sắm hàng hóa, sản phẩm OCOP; thưởng thức nhiều món ăn phong phú, đặc trưng khi đến với Liên hoan Ẩm thực đường phố “Hương vị Sóc Trăng”… Đây là những món quà ý nghĩa mà Sóc Trăng muốn gửi tặng nhân dân và du khách gần xa về trẩy hội.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tặng hoa và Bằng khen cho những đơn vị đồng hành cùng Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe ngo Sóc Trăng

Thông qua các hoạt động của lễ hội, tỉnh Sóc Trăng kỳ vọng sẽ để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng quý đại biểu và du khách gần xa. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc; tăng cường công tác quảng bá, liên kết hợp tác để phát triển về du lịch… Tôi hy vọng, thông qua lễ hội, Sóc Trăng sẽ tiếp tục được đón nhận là một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, ấn tượng trong lòng du khách và bè bạn gần xa trên hành trình khám phá văn hóa, vùng đất, con người phương Nam nói chung và vùng sông nước Cửu Long nói riêng” – ông Khởi trân trọng bày tỏ.

Tại lễ khai mạc, đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập Kỷ lục trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập Kỷ lục trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Nhạc ngũ âm là nét riêng của cộng đồng dân tộc Khmer Nam bộ. Dàn nhạc ngũ âm chính quy được chia làm 2 loại: Dàn nhạc trống lớn và dàn nhạc trống nhỏ. Nhạc ngũ âm là một dàn nhạc được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ được làm từ 5 loại chất liệu khác nhau tạo nên 5 âm sắc riêng biệt: Bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da.

Nhạc ngũ âm là loại hình âm nhạc hòa tấu đã gắn bó chặt chẽ với các nghi lễ và đời sống sinh hoạt Phật giáo trong các ngôi chùa và phum, sóc của người Khmer; và mang giá trị lịch sử – văn hóa, giá trị tâm linh, đạo đức, giá trị nghệ thuật – thẩm mỹ và sự gắn kết cộng đồng rất cao.

Buổi trình diễn nhạc ngũ âm vào tối ngày 11-11-2024, với 200 nghệ nhân, nhạc công, diễn viên Khmer tham gia, đã tạo nên một không gian văn hóa độc đáo, tái hiện sắc thái văn hóa âm nhạc dân gian đặc trưng của cộng đồng Khmer Nam bộ
Một tiết mục văn nghệ rất sinh động được trình diễn tại lễ khai mạc

Với những giá trị trên, nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer Sóc Trăng được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… Trong khuôn khổ lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe ngo Sóc Trăng, khu vực ĐBSCL lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024; vào buổi tối ngày 11-11-2024, tại Quảng trường Bạch Đằng, 200 nghệ nhân, nhạc công, diễn viên Khmer đã tham gia biểu diễn hòa tấu nhạc ngũ âm, xác lập kỷ lục Việt Nam về “Chương trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng quy mô lớn nhất Việt Nam”. Màn hòa nhạc ngũ âm này đã tạo nên một không gian văn hóa độc đáo, tái hiện sắc thái văn hóa âm nhạc dân gian đặc trưng của cộng đồng Khmer Nam bộ.

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)