Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024

Tạp Chí Giáo Dục

Tối 25-10-2024, trong không khí long trọng, tươi vui, Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 chính thức khai mạc tại Trung tâm Văn hóa TP.Cần Thơ. Liên hoan do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VH-TT&DL TP.Cần Thơ tổ chức.

Thứ trưởng Hồ An Phong phát biểu khai mạc    

Đến dự có Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Đỗ Văn Phớn; Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu; Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ An Phong và đại diện nhiều bộ, ngành liên quan.

Liên hoan năm nay có sự tham gia của gần 1.200 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 29 đơn vị, đoàn nghệ thuật với 33 vở diễn.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Hồ An Phong nhận định: Cải lương là loại hình nghệ thuật truyền thống rất đặc sắc đã hình thành và phát triển hơn trăm năm qua. Đó là những giá trị rất to lớn, độc đáo không chỉ của người dân các tỉnh ĐBSCL mà còn là những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam và của nhân loại… Tổ chức tại TP. Cần Thơ, liên hoan là dịp để bà con nhân dân trong cả nước và du khách gần xa được thưởng thức những vở cải lương hấp dẫn, với nhiều giá trị nghệ thuật.

Các vị đại biểu dự lễ khai mạc

“Ngoài nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao là chúng ta làm sao giữ gìn, phát huy và sáng tạo những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của nghệ thuật sân khấu cải lương… Liên hoan Cải lương toàn quốc còn là dịp để cơ quan quản lý văn hóa và các lãnh đạo tại các đơn vị nghệ thuật tìm kiếm, phát hiện những tài năng trẻ triển vọng, từ đó lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, định hướng phát triển phù hợp với nghệ thuật truyền thống của nước nhà. Đây đồng thời cũng là cơ hội để anh chị em nghệ sĩ yêu nghề được thể hiện, cống hiến; không chỉ là những gương mặt gạo cội, mà còn là lớp diễn viên trẻ, mang tới những luồng gió mới cho nghệ thuật cải lương. Từ đó góp phần duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật truyên thống quý báu này” – Thứ trưởng bày tỏ.

Ông Nguyễn Thực Hiện – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ phát biểu chào mừng

Thứ trưởng Hồ An Phong đề nghị Hội đồng nghệ thuật tham gia liên hoan làm việc công tâm, đánh giá khách quan, để lựa chọn những tác phẩm có giá trị, và những tập thể, cá nhân xuất sắc để tôn vinh; nhằm động viên và thúc đẩy nghệ thuật sân khấu cải lương phát triển.

Phát biểu chào mừng, ông Nguyễn Thực Hiện – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo liên hoan chia sẻ: “Cần Thơ vinh dự là một trong những cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử và sân khấu cải lương Nam bộ; và là quê hương của nhiều soạn giả, nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, trong đó có soạn giả Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền (1876-1953), người được suy tôn là Hậu Tổ nghệ thuật cải lương, là một trong những người đầu tiên lập gánh hát cho cải lương Nam bộ.

Ban tổ chức tặng hoa và quà các đơn vị nghệ thuật tham gia liên hoan

Liên hoan cũng là dịp để địa phương giới thiệu, quảng bá những giá trị, di tích lịch sử, văn hóa, du lịch, những hình ảnh đẹp về vùng đất và con người Cần Thơ; và những công trình kiến trúc tiêu biểu, danh lam thắng cảnh của thành phố đến với các tỉnh, thành trong cả nước, như: Đền thờ Vua Hùng, Nhà cổ Bình Thủy, đình Bình Thủy, Khu tưởng niệm soạn giả Mộc quán – Nguyễn Trọng Quyền, chợ nổi Cái Răng, bến Ninh Kiều…”.

Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ tin tưởng liên hoan sẽ để lại nhiều kỷ niệm, ấn tượng tốt đẹp trong lòng các nghệ sĩ, diễn viên các đoàn nói riêng và những người yêu nghệ thuật cải lương cả nước nói chung; và khẳng định: TP sẽ tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất để liên hoan thành công tốt đẹp.

Ngày sau lễ khai mạc, Nhà hát Tây Đô (TP.Cần Thơ) đã diễn dự thi tác phẩm Chất ngọc – Cầm thi giang của tác giả – đạo diễn: NSƯT Lê Nguyên Đạt.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu và Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ An Phong tặng hoa Hội đồng nghệ thuật

Vở diễn kể câu chuyện cuộc đời, với những dấu ấn quan trọng, của soạn giả Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền. Xuyên suốt vở diễn, khán giả như được sống lại thời kỳ hình thành sân khấu cải lương Nam bộ, với sự ra đời của gánh hát Tập Ích Ban tại Thốt Nốt, được xem là gánh hát đầu tiên của Cần Thơ. Gánh hát này đã chắp cánh cho sự nghiệp sáng tác của thầy giáo, thầy thuốc, thầy tuồng Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền, trong đó có những vở tuồng kinh điển làm lay động lòng người như Giọt máu chung tình, Phụng Nghi Đình, Hoa Mộc Lan, Võ Đông Sơ… Sân khấu nghệ thuật này cũng là nơi phát hiện và đào tạo các tài danh như Bảy Nhiêu, Ba Vân, Năm Nhỏ, Tư Dếnh, Sáu Tỷ, Tám Điều… Các nghệ sĩ Phùng Há, Năm Châu … cũng là học trò của thầy Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền.

Vở diễn Chất ngọc – Cầm thi giang còn xây dựng những tình tiết thể hiện sự trăn trở của người cầm bút trước thân phận người dân trong thời kỳ vận nước nghiêng ngửa; đồng thời đã sân khấu hóa tiến trình hình thành bộ môn nghệ thuật cải lương Nam bộ hiện nay, bắt đầu từ sự ra đời của đờn ca tài tử cho đến loại hình ca ra bộ, sự sáng tạo của soạn giả cải lương khi đưa vào tác phẩm Dạ cổ hoài lang của tác giả Cao Văn Lầu…

Hình tượng soạn giả Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền trong vở “Chất ngọc – Cầm thi giang”

NSƯT Lê Nguyên Đạt bộc bạch: “Soạn giả Nguyễn Trọng Quyền đã dành cả cuộc đời cho nghệ thuật. Và khi nhìn thấy đất nước bị xâm lăng, người dân thống khổ… ông đã đưa những nỗi niềm, sự phản kháng của người dân bị áp bức, bóc lột cũng như tinh thần anh dũng, hy sinh của những người dân yêu nước vào các tác phẩm sân khấu của mình; qua đó thể hiện tính cách trung nghĩa, lòng sắt son của một kẻ sĩ, người thầy, nhà nghệ thuật tài hoa hết mực yêu nước, thương dân đồng thời có vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu cải lương Nam bộ”.

Liên hoan diễn ra từ ngày 25-10-2024 đến ngày 15-11-2024 tại Trung tâm Văn hóa TP.Cần Thơ (khu Bãi Cát, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ).

Đan Phượng

Bình luận (0)