Đêm qua, xứ sở Triệu Voi tựa như “cô công chúa ngủ” trong rừng được đánh thức. Cũng phải thôi bởi chưa bao giờ họ tổ chức một sự kiện hoành tráng như thế. Thủ đô Vientiane ngập chìm trong lễ hội, sắc màu, ánh sáng, âm thanh và tình thân ái.
Xứ sở của múa hát
Sáng qua, Vientiane vẫn bình lặng, không ồn ào. Chỉ cận giờ G, những dòng xe từ trung tâm thủ đô mới nườm nượp đổ theo đường Kay-xỏn Phôm-vi- hẳn, ra quốc lộ 13 Nam rồi tiến vào SVĐ QG. Người Lào đón nhận SEA Games theo cách của mình. Không vồ vập và phô trương. Họ coi sự kiện này như một lễ hội đúng nghĩa. Thế nên, họ vun vén cho SEA Games một cách tự nguyện. “Chúng tôi đều háo hức vì mục tiêu gây ấn tượng đẹp trong mắt bạn bè, dù thù lao cho diễn viên chỉ là 20.000 kíp (khoảng 50.000 VND) mỗi người một ngày, chỉ đủ ăn bát phở và uống lon Pepsi”. Trưởng BTC lễ khai mạc Saphouvong nói như vậy…
Lễ khai mạc mang đậm bản sắc Lào |
Người Lào xuống đường để để thỏa niềm vui bản thân là chính, thắng thua không quá quan trọng. Họ có đến 743 thành viên (482 VĐV- đông thứ hai), nhưng trong 25 môn thi đấu, không đưa vào các nội dung lợi thế.
Tôi để ý các sàn nhảy của họ, dù có pha trộn đông tây kim cổ thế nào thì nền nhạc vẫn đậm âm hưởng dân gian Lào. Rất nhiều gia đình mang cả ông bà, bố mẹ, con cái đến. Họ uống bia Lào chai to vật, rồi kéo nhau ra nhảy múa trên sàn nhảy. Tất cả diễn ra trong trật tự, không gào thét hay giật lắc.
Người Lào ham vui, ham múa hát, đấy là điều cảm nhận rất rõ trong văn hóa họ. 300 đến 500 ngàn kíp (tương đương 1,1 triệu VNĐ) cho vé vào sân, vẫn cháy vé. Khai trương cái gì, cũng phải tổ chức múa hát thật tưng bừng trước, lễ nghi sau. Như trước lễ khai mạc hôm qua, họ múa hát, hợp xướng đến cả tiếng đồng hồ. Trên khán đài, khán giả cũng không yên tay chân. Thật xúc động khi được nghe cả những bài hát ca ngợi tình hữu nghị Việt-Lào mà tôi được dịch nghĩa: “Đẹp thay quê hương/ Khi chiều buông xuống..”. (Tình Việt Lào).
Giản dị nhưng sâu lắng
Lễ khai mạc diễn ra giản dị mà sâu lắng. Màn trình diễn của hơn 8000 nghệ sĩ đã thể hiện một nước Lào đầy bản sắc, luôn dang rộng vòng tay chào đón bạn bè. Sau phần nghi lễ là phần hội đầy dấu ấn bản sắc của Lào. Những màn múa, đặc biệt điệu Lăm-vông truyền thống đã thể hiện sâu sắc lịch sử Lào từ đời vua Chậu Phạ Ngừm dựng nước. Sự phối màu độc đáo giữa trang phục truyền thống với nền sáng của ánh đèn lazer, đã làm tiết mục trở nên rực rỡ, ấn tượng, tạo cho người xem một cảm giác sống động. Chính những trang phục truyền thống của người dân các bộ tộc Lào như Dao, Mông, Khơ-mú…cũng thể hiện sự phong phú về văn hoá của Lào.
Có lẽ ai cũng phải trầm trồ chiêm ngưỡng màn đốt đuốc quá “độc”. Đó là hình ảnh một vị thần cưỡi voi dương cung bắn mũi tên lửa lên đài. Bên cạnh cách châm đuốc khá lạ ấy, việc thể hiện bài hát chính của SEA Games 25 The spirit of flame (Tinh thần của ngọn lửa) cũng được nước chủ nhà Lào chọn cách khác thường. Đó là màn đồng diễn của 100 nghệ sĩ. Chính những nét mới lạ đó làm cho lễ khai mạc SEA Games 25 tuy không hoành tráng, qui mô về công nghệ nhưng lại có sức cuốn hút lạ kỳ. Cái cuốn hút của sự mới lạ, sự mộc mạc, đơn sơ.
Phần trình diễn trang phục truyền thống của 11 quốc gia tham dự SEA Games khá ấn tượng. Đây là một cách làm mềm mại hoá lễ khai mạc nhưng vẫn mang ý nghĩa văn hoá sâu sắc. Tà áo dài duyên dáng của VN, đã được các thiếu nữ Lào mặc giới thiệu tại lễ khai mạc, tạo ấn tượng mạnh mẽ với bè bạn quốc tế.
Bầu trời Vientiane tối qua sáng rực. Đây là sự kiện lớn của Lào trong nửa thập kỷ qua. Đất nước Triệu Voi những ngày này giống như cô “công chúa” ngủ quên trong rừng được đánh thức! Lào sẽ được biết đến nhiều hơn, có nhiều cơ hội phát triển hơn từ SEA Games 25 này.
NGỌC HÒA (theo thethaovanhoa)
Bình luận (0)