Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Khai thác đá – Nghề mưu sinh nguy hiểm

Tạp Chí Giáo Dục

Khai thác đá không bảo hộ lao động luôn phải đối mặt với nguy hiểm. ảnh: Phan Quý

Chỉ vì miếng cơm manh áo, những người thợ khai thác đá ở tỉnh Bắc Cạn đã phải đánh đổi cả tính mạng của mình. Không ít gia đình đã rơi vào thảm cảnh, vợ mất chồng, con mất cha… và nhiều người mang thương tật và lâm vào tình cảnh đói nghèo.

Gặp hoạ vì đá
Tại mỏ đá Kéo Lạc Mò, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, bên trên những vách đá cheo leo cả trăm mét là hình ảnh những người thợ đá treo mình lửng lơ giữa lưng chừng núi, phía trên là những khối đá có thể rơi bất cứ lúc nào, bên dưới là vực đá sâu thăm thẳm…
Theo anh Phạm Văn Thái – một người làm việc lâu năm ở đây – cho biết, điểm gần chỗ người khai thác nhất cũng cách mặt đất hơn 50m, nên chỉ một sơ suất nhỏ là cầm chắc cái chết. Những người lao động (NLĐ) ở đây chủ yếu làm theo thời vụ; phía dưới chân núi đá, những người thợ không kính, không khẩu trang, người mũ cối, người mũ lá đang thi nhau dùng búa tạ đập nhỏ các tảng đá, trước khi đưa vào máy nghiền. Tại mỏ đá này đã xảy ra tai nạn làm một người chết và một người mang thương tật suốt đời.
Anh Phạm Văn Tuyên – xã Bành Trạch, người đã có nhiều năm làm nghề khai thác đá cho DN tư nhân Hà Giang – cho biết: Đa phần NLĐ ở đây không được tập huấn công tác BHLĐ và ký HĐLĐ. NLĐ làm theo công nhật, làm ngày nào tính tiền ngày ấy nên tai nạn thì phải tự mình gánh chịu.
Một trong những điều đáng lo ngại nhất là để tận dụng tối đa lợi nhuận, các mỏ đá ở đây đều khai thác đá sai quy trình: Từ dưới chân ngược lên, tạo thành bức vách thẳng đứng vô cùng nguy hiểm và có thể làm núi đá đổ ập xuống bất cứ lúc nào.
Cơ quan chức năng thờ ơ
Trong căn nhà cấp 4, nơi sinh sống của gia đình anh Lộc Văn Lợi – người công nhân đã thiệt mạng trong lúc khai thác đá đầu tháng 8.2008, tại mỏ đá Cáy Phặc, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể, chị Hoàng Thị Niềm – vợ của anh Lợi – nghẹn ngào nói: Biết rằng khai thác đá là một nghề nguy hiểm, nhưng gia đình tôi phải "bám" vào đó đề mưu sinh. Từ khi chồng tôi mất, tôi đã phải xoay đủ nghề để nuôi 4 đứa con, nhưng cũng chẳng đủ ăn.
Ở các mỏ khai thác đá, mỗi khi xảy ra tai nạn, ông chủ thường trốn tránh trách nhiệm, bỏ mặc người làm công. Về mặt pháp lý, giới chủ gần như vô can. Trường hợp của anh Lợi,  hình thức xử lý với DN tư nhân Kim Quy (đơn vị sử dụng lao động) chỉ là xử lý hành chính.
Ngoài ra, tại hầu hết các mỏ đá trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn trong quá trình khai thác đá, các DN không thực hiện đúng thiết kế và tuân thủ quy định gắn cột phun nước tại các đầu băng tải đá thành phẩm, nên đã làm gia tăng lượng bụi phát tán ra môi trường. Những sai phạm này vẫn chưa bị các cơ quan chức năng xử lý.
Việc khai thác đá trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn đang diễn ra sôi động và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Hậu quả, không chỉ có người thợ đá phải hứng chịu, mà xung quanh khu vực khai thác, cư dân tại mỏ đá cũng bị lâm vào cảnh bệnh tật và đói nghèo. Trong khi đó, những người có trách nhiệm còn làm ngơ, không thanh – kiểm tra để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ…

Hà Anh – Phan Quý (nld)

 

 

Bình luận (0)