Các chuyên gia cho rằng, hiện nay STEM cần thiết phải đẩy mạnh triển khai trong trường phổ thông. TS. Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Giáo dục STEM, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nêu rõ, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 và đẩy mạnh chuyển đổi số giáo dục, STEM có vai trò vô cùng quan trọng góp phần giúp ngành giáo dục thực hiện hiệu quả các nội dung trọng tâm. Đặc biệt, giáo dục STEM gắn liền với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thầy trò Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm trong giờ học STEM
Cụ thể, giáo dục STEM hiện nay gắn liền với Chương trình GDPT 2018 và giáo dục hướng nghiệp khi giáo dục STEM là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng các kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể.
Khai thác hiệu quả hệ sinh thái giáo dục STEM
Đối với Chương trình GDPT 2018 chú trọng đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp tích hợp trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục theo định hướng giáo dục tích hợp khoa học – công nghệ – kỹ thuật – toán trong chương trình, phù hợp với xu hướng phát triển ngành nghề của quốc gia, chuẩn bị điều kiện đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Về chuyển đổi số, trong Đề án tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, nêu rõ: Triển khai mô hình giáo dục tích hợp khoa học – công nghệ – kỹ thuật – toán học và nghệ thuật (STEM/STEAM), phát triển tư duy lập trình, triển khai các chương trình về khoa học máy tính phù hợp; đưa nội dung về phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng, các nền tảng mở, phần mềm nguồn mở vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số.
STEM gắn liền với đào tạo nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao cũng là yêu cầu trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ nêu ra trong Quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
Theo TS. Thu Trang, hiện nay giáo dục STEM diễn ra không đồng đều giữa các địa phương với nhau cũng như giữa các quận, huyện trong cùng một địa phương xuất phát từ nhiều yếu tố: tỷ lệ học sinh chọn nhóm các môn học KHTN và KHXH còn chênh nhau, khó khăn đến từ nhận thức, ý tưởng, thời gian, không gian, sĩ số lớp, đào tạo giáo viên.
Một trong những giải pháp để triển khai hiệu quả giáo dục STEM trong mỗi nhà trường là khai thác hiệu quả hệ sinh thái STEM trong đơn vị mình chứ không thể thực hiện đơn lẻ, riêng biệt. Hệ sinh thái STEM trong trường học bao gồm các chương trình trải nghiệm ngoài giờ học; các trường đại học, doanh nghiệp STEM, gia đình, cùng chung tay gắn kết với nhà trường để thực hiện các hoạt động giáo dục STEM một cách phù hợp.
“TP.HCM là địa phương từ rất sớm đã đưa giáo dục STEM vào trong trường học, đón đầu việc thực hiện Chương trình GDPT 2018. Cách làm của TP.HCM đó là khai thác hiệu quả hệ sinh thái giáo dục STEM: chú trọng tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên từ cơ bản đến chuyên sâu, tổ chức các chuyên đề để lan tỏa; phối hợp với các đơn vị doanh nghiệp, các trường đại học triển khai các hoạt động trải nghiệm STEM tại nhà trường cho học sinh trải nghiệm hoạt động trải nghiệm STEM tại các đơn vị; tổ chức các cuộc thi thiết kế sản phẩm STEM, giáo án STEM, ngày hội STEM các cấp; huy động sự chung tay vào cuộc của phụ huynh, cựu học sinh…” – TS. Trang nêu ví dụ.
Chuyên gia này nhấn mạnh, mỗi nhà trường là một đơn vị hạt nhân, tạo vết dầu loang để lan tỏa giáo dục STEM. Song đầu tàu và quan trọng nhất để triển khai hiệu quả giáo dục STEM phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của hiệu trưởng, hiệu trưởng phải là người muốn làm, biết phối hợp với các bên liên quan.
“Triển khai STEM trong trường học thì hiệu trưởng là người…. cực nhất. Trước hết hiệu trưởng phải hiểu về giáo dục STEM, muốn làm giáo dục STEM và tìm cách làm giáo dục STEM cho phù hợp nhất với đặc thù đơn vị mình. Từ đó mới có sự đồng hành, thúc đẩy, truyền động lực cho giáo viên mạnh dạn làm, mạnh dạn đổi mới, truyền động lực cho học trò” – TS. Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.
Ngữ văn, địa lý, lịch sử có tổ chức dạy STEM được không?
STEM gắn với các môn học khoa học tự nhiên, như vậy băn khoăn của nhiều giáo viên là với các bộ môn khoa học xã hội như ngữ văn, lịch sử, địa lý có tổ chức dạy STEM được không.
Cần thiết phải đẩy mạnh giáo dục STEM trong trường phổ thông
Cô Hoàng Vân (nhóm trưởng nhóm lịch sử khối 10, Trường THPT Trưng Vương) cho hay, với môn lịch sử ở khối 10, 11 mới đây, tổ bộ môn đã triển khai dự án học tập Sắc màu Đông Nam Á. Sản phẩm học sinh tạo thành trong dự án được thay thế cho bài kiểm tra giữa học kỳ 1.
Khi tham gia vào dự án, học sinh tạo thành các mô hình kiến trúc như chùa Ngọc (Hà Nam), cầu Long Biên, chùa Một Cột, Đại nội Huế, chùa Vàng…
“Học lịch sử nhưng các em đã thiết kế được các sản phẩm đòi hỏi sự kết hợp của các bộ môn toán, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật. Như vậy, thông qua các sản phẩm, giáo viên đã đưa phương pháp giáo dục STEM vào môn học một cách rất nhẹ nhàng, giúp việc học lịch sử trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả, học sinh phải vận dụng nhiều kiến thức liên môn để thiết kế sản phẩm môn học…” – cô Hoàng Vân chia sẻ.
Hiệu trưởng một trường THCS tại TP.HCM bày tỏ, để không đi “chệch” hướng khi triển khai giáo dục STEM thì cán bộ quản lý phải hiểu rõ, hiểu sâu, hiểu đúng về STEM, từ đó có cách hướng dẫn, đồng hành để đội ngũ triển khai STEM một cách giản dị, dễ dàng. Ban đầu có thể cho học sinh tham gia các hoạt động, môn học, hoạt động giáo dục theo định hướng giáo dục STEM, sau đó mới mạnh dạn triển khai các chủ đề giáo dục STEM.
“Không nhất thiết phải có một phòng STEM thì việc triển khai STEM trong nhà trường mới thực hiện được. Phòng học STEM sẽ giúp hỗ trợ việc thực hiện các chủ đề STEM được bài bản hơn. Còn ngay tại từng lớp học, với các vật dụng, thiết bị sẵn có, đơn giản, rẻ tiền, giáo viên vẫn có thể thiết kế được các bài học STEM gắn với môn học, vận dụng STEM để thay thế cho các bài học thông thường, làm rõ kiến thức bài học cho học sinh. Điều quan trọng hơn cả là làm sao nhà trường phải giúp giáo viên hiểu được bản chất của STEM, giúp thầy cô gỡ khó những quan niệm, băn khoăn về STEM để đi vào từng bài học…” – vị này nhấn mạnh.
Giang Quân
Bình luận (0)